Mong đại biểu Quốc hội ủng hộ mức thuế GTGT 5% với phân bón
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi trước Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, rất nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất GTGT 5%.
Với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) tại Luật Thuế GTGT, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế (khác với thuế 0%).
Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua. Vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, dịch vụ làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, các Bộ Công Thương, NN-PTNT, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang... Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển trở lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 chuyển phân bón quay về mức thuế GTGT 5% như thời điểm năm 2014, trước khi Luật Thuế 71 có hiệu lực.
Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Luật Thuế giá trị gia tăng là một luật hết sức quan trọng và có sự tác động đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và kinh doanh hộ gia đình, cho nên nhiều nội dung phải thay đổi theo đúng sự vận hành của nền kinh tế đang thay đổi từng ngày.
Phó Thủ tướng lý giải, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà phụ thuộc vào giá thành sản xuất, thị trường, cung cầu. Trong đó, giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, hiện đại hóa, năng suất lao động và các yếu tố khác.
Khi không thu thuế đối với mặt hàng phân bón, giai đoạn 2018-2022 giá phân đạm ure vẫn tăng 19,7% - 43,6%, điều đó có nghĩa giá phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu. Nhưng năm 2023 giá đạm ure lại tăng lên 6,29 - 6,4% do ảnh hưởng bới xung đột Nga - Ukraine, vì cầu cao mà cung ít, cho nên phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu.
"Tôi mong các đại biểu quốc hội (ĐBQH) ủng hộ phương án thuế GTGT với phân bón là 5%", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Cần dữ liệu chính xác, định lượng, tránh cảm tính
Bên cạnh nhiều đại biểu, chuyên gia Quốc hội đồng tình trong việc chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế quay về mức thuế GTGT 5% như trước khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, vẫn còn không ít đại biểu lo lắng việc áp thuế GTGT 5% sẽ khiến giá phân bón tăng và nông dân chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn để này, ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, có một thực tế là từ khi Luật Thuế 71 có hiệu lực đầu năm 2015 đến nay, hầu như chưa có báo cáo đánh giá nào về tác động đến giá phân bón, hiệu quả Luật Thuế 71 mang lại cho nông dân khi chuyển mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT.
Thực tế, giá bán phân bón tại thị trường Việt Nam từ năm 2015 đến nay cũng không giảm theo 5% thuế được bỏ theo Luật 71 mà diễn biến hoàn toàn theo quy luật cung cầu thị trường, có lên, có xuống, đặc biệt có đợt tăng giá “phi mã” vào năm 2020-2021 như Chính phủ nhiều lần báo cáo, giải trình tại Quốc hội.
Nhưng có một điều được nhìn thấy rõ, từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thua lỗ, buộc phải thu hẹp sản xuất, trong khi phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào dẫn đến cuộc chơi không công bằng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Ông Phùng Hà cho biết thêm, trước năm 2015 có rất nhiều dự án đầu tư về phân bón (trong khoảng 10 năm tổng công suất các dự án phân bón đạt 3,5 triệu tấn/năm), sau 2015 hầu như không có (công suất 370.000 tấn/năm) mà một trong các nguyên nhân do các doanh nghiệp đầu tư mới sẽ không nhận được 5% thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư.
Ông Phùng Hà cho rằng, bất kỳ một chính sách nào cũng không thể thỏa mãn cùng lúc tất cả các bên mà phải vì lợi ích lâu dài và đặt trong một tổng thể. Đặc biệt, với mục tiêu Net Zero đến năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam cam kết với thế giới buộc chúng ta phải giảm sử dụng phân bón vừa trên một đơn vị diện tích và vừa phải tăng cường sử dụng phân bón hiệu suất cao (Enhanced Efficiency Fertilizer, EEF).
Do đó, việc Luật Thuế 71 đang hạn chế, kìm hãm và không khuyến khích được việc đầu tư vào công nghệ mới, công nghệ xanh là một bài toán cần phải được đặt lên bàn cân tổng thể.
Các chuyên gia thuế nói gì?
Ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đưa ra nhận định, hầu hết các đại biểu Quốc hội, người tiêu dùng bình thường sẽ hiểu, nếu áp thêm thuế GTGT 5% sản phẩm bị tăng giá bán.
Trên thực tế, đối với nhà nông, giá mua phân bón có thể tăng với hàng nhập khẩu vì áp thêm 5% thuế GTGT đầu vào. Ngược lại, nông dân sử dụng phân bón trong nước sẽ không bị tăng giá, thậm chí có thể giảm đi, bởi nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế đầu vào, có cơ sở giảm chi phí sản xuất.
Đặc biệt, nông dân có cơ hội trong dài hạn giảm chi phí sản xuất do giá thành phân bón giảm. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu, tăng cường được việc quản lý thuế, tạo môi trường thuế bình đẳng.
Doanh nghiệp là đối tượng phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ đầu vào, từ đó, tách chi phí thuế ra khỏi giá thành sản xuất, giá vốn hàng bán, là cơ sở để giảm giá bán tới tay người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê không đầy đủ, thuế GTGT đối với phân bón chiếm bình quân 6-7% giá vốn sản xuất, nên quy đổi ra giá bán sẽ vẫn cao hơn mức áp thuế 5%.
Để minh họa rõ hơn, ông Nguyễn Đình Cư đưa ra một ví dụ cụ thể, với giá vốn hàng bán, chi phí giá thành sản xuất là 100.000 đồng/tấn phân bón, thuế GTGT đầu vào 7.000 đồng/tấn, doanh nghiệp bán ra thị trường tới tay người nông dân với giá 110.000 đồng/tấn, khấu trừ chi phí và thuế đầu vào, lợi nhuận hiện tại không chịu thuế GTGT đầu ra của doanh nghiệp đạt 3.000 đồng/tấn.
Khi áp dụng thuế GTGT 5%, giá bán phân bón sẽ giảm nhẹ từ 110.000 đồng/tấn xuống còn 104.762 đồng/tấn. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được hoàn lại một phần thuế GTGT đã nộp, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Do đó, ông Nguyễn Đình Cư khẳng định, với phương án thuế GTGT 5%, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng lên đúng bằng số thuế được khấu trừ. Trong khi đó, nông dân không phải chịu tác động làm tăng chi phí sản xuất do áp dụng thuế GTGT. Ngân sách nhà nước sẽ giảm thuế 1.762 đồng/tấn, nhưng sẽ được bù đắp bởi thuế nhập khẩu phân bón.
Chung quan điểm với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, phân tích định lượng tác động áp thuế GTGT 5% đối với phân bón của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID/IPSC), TS Trần Thị Hồng Thủy cũng có kết luận tương tự.
TS Trần Thị Hồng Thủy cho biết, cơ cấu chi phí sản xuất phân bón gồm khoảng: 74% nguyên vật liệu, 6% chi phí khấu hao tài sản cố định, 7% chi phí dịch vụ mua ngoài, 6% chi phí bằng tiền khác, 7% chi phí không chịu thuế GTGT.
Ước tính thay đổi của giá bán sau khi áp thuế GTGT đầu ra 5%, giá phân bón (urê, DAP, lân) sản xuất trong nước có thể giảm, giá NPK có thể tăng không đáng kể, thậm chí giữ nguyên. Ngược lại, giá phân bón nhập khẩu có thể tăng 5%. Đối với người nông dân sử dụng chủ yếu phân bón trong nước, giá bán các loại phân bón giữ nguyên hoặc giảm, sẽ giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước ước giảm 453 tỷ đồng.
Kịch bản áp thuế GTGT 5% có thể dẫn đến thay đổi giá các sản phẩm phân bón. Trong đó, phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm nhập khẩu.
TS Trần Thị Hồng Thủy cho rằng, khi được áp thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ giảm áp lực khi đầu tư/sửa chữa, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất. Đây cũng là mức thuế ưu đãi hơn so với mức thuế GTGT hiện tại 10%.
Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) đề nghị các cơ quan, Hiệp hội có liên quan bố trí buổi làm việc, để ông đưa ra thông tin nếu áp thuế VAT 5% giả định, thu ngân sách, đầu vào, đầu ra, giá bán như thế nào.
“Chúng ta cũng có cơ hội giảm giá cho bà con, do đầu vào được khấu trừ, đầu ra thông thương với thế giới. Đồng thời, phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế GTGT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5%”, ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định.
Đại biểu phần lớn đồng tình quay lại mức thuế GTGT 5% với phân bón
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai): “Việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bởi doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ góp phần giảm được giá bán của phân bón".
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau): “Tôi thống nhất với phương án Chính phủ trình về việc đưa phân bón quay lại mức 5% như cũ, tạo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh trong nước với hàng hóa nhập khẩu hiện nay".
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa): “Việc áp dụng thuế GTGT 5% về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này".
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): “Nếu không sớm khắc phục tình trạng này, ngành sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ tiếp tục gặp khó khăn và suy giảm như giai đoạn 2015-2020. Việc áp dụng thuế GTGT đầu ra 5% sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm áp lực tài chính và tăng cường đầu tư".
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): “Quan điểm của tôi đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế suất GTGT 5% đối với ngành phân bón. Ngành phân bón hiện nay là loại hình bình ổn giá, cho nên nếu phân bón có lên giá thì Quỹ bình ổn giá của Nhà nước sẽ chi ra để đảm bảo phân bón không tăng cao như thời gian vừa qua.".