| Hotline: 0983.970.780

Vì sao áp thuế GTGT 5% giá phân bón không tăng?

Thứ Hai 09/11/2020 , 16:00 (GMT+7)

Thông thường, khi áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với bất cứ mặt hàng nào đều có thể khiến giá sản phẩm tăng, tại sao phân bón lại ngoại lệ?

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, mức thuế suất 5% vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước với chính sách 'Tam nông'. Ảnh: DPM.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, mức thuế suất 5% vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước với chính sách “Tam nông". Ảnh: DPM.

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 159/NQ-CP thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 192 ngày 28/10, hiện Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đang tiến hành thẩm tra để trình Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10, khóa XIV này.

Theo đúng tinh thần khi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi xây dựng Dự án Nghị quyết trình Quốc hội: “Sửa Luật thuế số 71 đảm bảo theo nguyên tắc “không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân” cũng như chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn, câu chuyện mấu chốt giá phân bón không tăng khi tái áp thuế suất GTGT 5% cần được mổ sẻ, làm rõ.

Để hiểu rõ câu chuyện này cần quay lại trước năm 2015 khi phân bón vẫn được áp thuế suất 5%, lúc này hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhưng từ 2015 đến nay khi Luật thuế số 71 có hiệu lực chuyển phân bón sang mặt hàng không chịu thuế GTGT, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón trong nước liên tục giảm, trong khi giá phân bón theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam không giảm mà còn tăng bình quân 5% - 8%.

Đối tượng trong Luật thuế số 71 ngoài phân bón còn nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp khác như thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, máy móc, dụng cụ nông nghiệp cũng được chuyển từ thuế suất GTGT 5% sang không chịu thuế, song chỉ có phân bón là bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân, do đầu vào của ngành phân bón là: khí, than, hóa chất, điện, quặng, máy móc, thiết bị... đều có mức thuế GTGT bình quân 5% - 10%, trong khi với thức ăn chăn nuôi, thủy sản hay giống cây trồng, vật nuôi đầu vào là lúa, ngô, đậu tương, phân bón, hạt giống... thuế GTGT vẫn là không chịu thuế nên mẫu số 0 - 0 vẫn bằng 0, trong khi phân bón 0 - 5 hay 0 - 10 sẽ bị âm.

Giả sử, nếu đầu vào của ngành phân bón là khí, than, hóa chất, điện, quặng, máy móc, thiết bị cũng không chịu thuế GTGT như thức ăn chăn nuôi hay giống cây trồng sẽ không có câu chuyện Bộ Công thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các doanh nghiệp kiến nghị sửa Luật thuế 71 ròng rã từ năm 2015 đến nay.

Theo chia sẻ, phân tích của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, bài toán sau có thể lí giải cơ bản băn khoăn của nhiều chuyên gia, nhà quản lí vì sao giá phân bón tới tay nông dân sẽ không tăng khi áp thuế suất GTGT 5%.

Đơn cử như cách tính của các doanh nghiệp sản xuất urê trong nước, hiện urê đang được bán với giá 6.200 đồng/kg (giá đã bao gồm cả phần hạch toán thuế GTGT đầu vào của khí, than, điện, hóa chất...) nay nếu áp thuế suất GTGT đầu ra với phân bón là 5% giá urê đến tay nông dân vẫn sẽ là 6.200 đồng/kg, nhưng trong 6.200 đồng đó giờ có 300 đồng là tiền thuế GTGT 5%, tức doanh nghiệp sẽ xuất hóa đơn giá bán 5.900 đồng/kg cộng thêm 5% thuế GTGT của 5.900 đồng là 300 đồng thành 6.200 đồng. Với các mặt hàng phân bón như DAP, phân lân, NPK cách tính cũng tương tự.

Thuế GTGT là thuế gián thu, tức doanh nghiệp thu hộ Nhà nước. Theo quy định, phần thuế GTGT 5% đầu ra, ví dụ như 300 đồng/kg với urê các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải nộp về ngân sách nhà nước, nhưng do các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải chịu thuế GTGT đầu vào từ 5 - 10% nên theo nguyên tắc có tính thuế đầu vào và thuế đầu ra, phần thuế GTGT 5% đầu ra này doanh nghiệp có thể được giữ lại một phần hoặc toàn bộ.

Với việc thị trường phân bón cạnh tranh, mở cửa và thuế nhập khẩu 0% như hiện nay, theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước việc tăng giá phân bón rất khó xảy ra bởi nông dân có quá nhiều sự lựa chọn. Ảnh: DPM.

Với việc thị trường phân bón cạnh tranh, mở cửa và thuế nhập khẩu 0% như hiện nay, theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước việc tăng giá phân bón rất khó xảy ra bởi nông dân có quá nhiều sự lựa chọn. Ảnh: DPM.

Cũng theo chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, với việc thị trường phân bón cạnh tranh cao như hiện nay, thuế nhập khẩu phân bón từ nhiều nước đã về mức 0%, doanh nghiệp trong nước muốn tăng giá cũng rất khó bởi sẽ ngay lập tức mất thị phần vì nông dân giờ có quá nhiều sự lựa chọn.

Nhưng theo chia sẻ của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cái được lớn nhất khi áp thuế GTGT phân bón 5% là tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cùng loại, bởi càng cạnh tranh thì nông dân càng được lợi.

Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế suất GTGT 5% các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất phân bón mới các chi phí đầu tư, hình thành tài sản cố định cũng được hạch toán thuế GTGT, góp phần giảm suất đầu tư, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho công nghệ mới giúp phục vụ nông dân tốt hơn, bền vững hơn bởi các dự án sản xuất phân bón thường có tổng mức đầu tư ban đầu rất lớn.

Mặt khác, khi giảm được sức ép về thuế GTGT, các doanh nghiệp phân bón còn có thể hạ giá bán sản phẩm và triển khai các biện pháp quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp cho Nhà nước thông qua nộp ngân sách hoặc chia cổ tức theo tỷ lệ phần vốn Nhà nước vốn đang chiếm trên 51% tại hầu hết các doanh nghiệp phân bón.

Quả thực, hiếm có chính sách về thuế nào nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của các bộ, ngành, hội và dư luận như đề xuất sửa đổi một phần Luật thuế số 71 chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang chịu thuế 5%.

Từ Bộ Tài chính, Công thương, NN-PTNT, Tư pháp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tới Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đều nhất trí, ủng hộ cao việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang thuế suất 5% bằng Nghị quyết của Quốc hội.

Làm việc với một doanh nghiệp phân bón mới đây, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải được tính thuế GTGT để doanh nghiệp và người nông dân không bị thiệt hại ngày càng tăng như hiện nay, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải hạch toán thuế GTGT vào chi phí khiến giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%.

Quy định này theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Thực ra, có một phương án tối ưu khác đó là áp thuế suất GTGT phân bón ở mức 0%, nhưng nguyên tắc tài chính phải có thuế suất đầu ra mới có nguồn để hoàn hoặc khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên mức thuế suất 5% vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa thể hiện sự quan tâm, ưu đãi của Nhà nước với chính sách “Tam nông”.

Xem thêm
Ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?