Sản phầm làng nghề đứng trước cơ hội lớn để tiếp cận những thị trường mới
Đổi mới, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề Việt Nam là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế Bảo tồn và Phát triển làng nghề diễn ra vào sáng ngày 10/11 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định, Việt Nam có nền tảng tốt với hơn 2.000 làng nghề thủ công thuộc 11 nhóm nghề chính như sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... trải dài từ Bắc vào Nam với hàng chục ngàn sản phẩm và hàng ngàn nghệ nhân trên cả nước đang có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tạo trên 2 triệu việc làm.
Với quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm, đạt khoảng 1.296,6 USD vào năm 2028, Việt nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới, thu nhập mới, chia sẻ thêm những giá trị về môi trường, văn hóa, đặc sắc của Việt Nam cho người tiêu dùng toàn cầu.
Ông Tuấn cho rằng, có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề thông qua thiết kế đẹp hơn, áp dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiều thông điệp hơn về giá trị nhân văn và giá trị văn hóa.
Về phía Bộ NN-PTNT, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, "tích hợp đa giá trị" là một trong những cụm từ khóa của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, câu chuyện làng nghề ngày càng quan trọng vì tại đây không chỉ có sản phẩm thô được bán ra mà còn có những sản phẩm trải qua sơ chế, chế biến, những sản phẩm trải qua bàn tay tài hoa của thợ thủ công, kết tinh giá tị về văn hóa, truyền thống, môi trường của các làng nghề.
"Mục tiêu tích hợp đa giá trị hiện cũng được các tổ chức quốc tế đối tác quốc tế quan tâm như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) với khu bảo tồn cộng đồng đi cùng phát triển khu vực ven biển; chương trình của FAO hỗ trợ cụ thể cho các làng nghề phát triển ngành nghề, sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cho người dân khu vực, hướng tới xây dựng làng hạnh phúc cho người dân. Chương trình của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) hay Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) hướng tới nâng cao năng lực, kết nối thị trường, tích hợp đa giá trị nhưng luôn dựa trên nền tảng bảo tồn giá trị tinh hoa, dựa trên sức mạnh tự lực, tự cường, kích thích tinh thần sáng tạo của người dân", ông Tuấn chia sẻ.
Bà Inga Toal, Quản lý Phòng Trưng bày hàng hóa thương hiệu Come Home, thuộc Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) cho biết, 76% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Come Home được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Thương hiệu này sẽ tiếp tục làm việc với nhãn hàng, nhà cung cấp, làng nghề để mang đến kệ bán nhiều sản phẩm hơn nữa trong năm sau và kết nối người tiêu dùng tới nhiều sản phẩm làng nghề Việt Nam hơn nữa.
Theo bà Toal mặc dù các nghệ nhân làng nghề, công xưởng của Việt Nam có chuyên môn tốt và sự chuyên nghiệp cao nhưng cần có một chiến lược marketing tốt hơn để đưa các sản phẩm của làng nghề Việt Nam ra thế giới và tiếp cận gần gũi hơn tới người tiêu dùng.
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua chuyển đổi số
Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, GS Claus, Trường Thiết kế, Đại học Lund, Thụy Điển cho rằng quá trình số hóa và áp dụng công nghệ mới là xu hướng quan trọng trong sản xuất tại làng nghề giúp bảo tồn, duy trì truyền thống và di sản làng nghề và tạo sự kết nối giữa truyền thống, di sản đó và thế hệ trẻ.
"Tuy nhiên, để duy trì sự hấp dẫn của làng nghề và thu hút sự tham gia của giới trẻ, cần đặt câu hỏi về việc duy trì kỹ năng truyền thống của nghệ nhân trong bối cảnh công nghệ ngày càng tiến bộ, trong đó cần có sự linh hoạt và chiến lược thiết kế dài hạn để không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn phát triển sản phẩm theo hướng mới", GS Claus nhìn nhận.
Đối với nhiều làng nghề truyền thống trên khắp Việt Nam, du lịch không chỉ là nguồn thu nhập mới mà còn là cơ hội để chia sẻ câu chuyện đằng sau những sản phẩm thủ công tinh tế. Việc kết hợp giữa việc bảo tồn truyền thống và tạo ra những trải nghiệm mới cho du khách giúp làng nghề không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, để thúc đẩy giá trị gia tăng cho làng nghề thông qua du lịch, cần bắt kịp xu hướng số hóa hiện đại mà các ngành nghề khác cũng đang áp dụng mạnh mẽ.
Chia sẻ mô hình phát triển du lịch làng nghề bền vững thông qua chuyển đổi số, ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang là một xu hướng mới. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỷ USD. Tỷ lệ tăng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều loại hình du lịch nông thôn với 3 nhóm cơ bản là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Các loại hình du lịch khác diễn ra ở nông thôn, như du lịch làng nghề, du lịch lễ hội... đều gắn kết với 3 loại hình du lịch chủ đạo trên.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc cần có sự chú trọng hơn về du lịch làng nghề. Để thu hút thêm khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề cần hướng tới áp dụng các công cụ số hóa bản đồ, video tương tác, hướng dẫn qua audio, công nghệ thực tế ảo... giúp tiếp thị, thu hút khách đến các điểm đến, đơn giản hóa chuyến đi của khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để mua sắm, tạo thu nhập và việc làm bền vững..