| Hotline: 0983.970.780

Từ Tân Trào về Hà Nội: Lên chiến khu

Thứ Ba 18/08/2015 , 09:18 (GMT+7)

Nhân Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2015), Báo NNVN xin giới thiệu ký ức của các nhân chứng lịch sử về sự kiện vĩ đại này, trong đó có những tư liệu lần đầu tiên công bố.

“Lên Chiến khu” là trích đoạn trong Hồi ký của cố nhà báo Đỗ Đức Dục (1915-1993), Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (1945-1946), Thứ trưởng Bộ Văn hóa (1955-1960), Tổng biên tập báo Độc Lập (1950-1957), Phó Chủ tịch đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam (1945-1960)...

Những ánh lửa diệu kỳ

Tháng 7 năm 1945, do sự hướng dẫn của anh Nguyễn Dương Hồng, tôi lại cùng với anh Vũ Đình Hòe và Nghiêm Xuân Yêm có cuộc gặp gỡ với anh Dương Đức Hiền.

Chúng tôi không chào nhau mà cứ làm như những người không quen biết lặng lẽ đi về một phía, rẽ tay phải vào con đường thị xã Hà Đông - ngã tư Nhổn. Vượt quá làng Vạn Phúc một lúc, chúng tôi lại từ đường cái rẽ vào phía bên trái cho tới một xóm nhỏ hẻo lánh thuộc xã La Dương. Và tôi đã không ngờ rằng cuộc họp với anh Dương Đức Hiền hôm đó ở một nhà nông dân nghèo trong cái xóm nhỏ này sẽ mở ra một bước ngoặt lớn quyết định cho cuộc đời của chúng tôi.

Ở cuộc họp này, khi trình bày tình hình phát xít Nhật sớm muộn sẽ thất bại và phải đầu hàng Đồng Minh, anh Dương Đức Hiền đưa ra những lý lẽ hùng hồn với niềm tin vững chắc và một nhiệt tình nóng bỏng. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, anh đã làm cho tôi sáng tỏ vấn đề và hoàn toàn tin tưởng, nói gọn lại là anh đã hoàn toàn thuyết phục được tôi.

Rõ ràng là tình hình trước mắt khẩn trương thúc bách ba anh em chúng tôi phải chính thức quyết định thái độ của mình đối với Việt Minh. Riêng tôi, bồng bột, sôi nổi, tôi lập tức nói thẳng với anh Dương Đức Hiền trước sự chứng kiến của anh Nguyễn Dương Hồng:

- Đối với tôi, việc đi với các anh thế là đã được quyết định, các anh chẳng cần hỏi thêm gì nữa!

Sau đó lập tức là sự phân công: Anh Dương Đức Hiền đề nghị hai anh Vũ Đình Hòe và Nghiêm Xuân Yêm chuẩn bị để đi dự Quốc dân Đại hội họp tháng tới ở Tân Trào trên Chiến khu; còn tôi thì ở lại Hà Nội để cộng tác với anh Nguyễn Thành Lê làm báo Độc Lập.

Nhưng khoảng ít lâu sau, một buổi chiều, khi đến chỗ hẹn gặp trên đường Cổ Ngư thì tôi lại được anh Lê Trọng Nghĩa báo cho biết vì anh Nghiêm Xuân Yêm ốm cho nên tôi sẽ phải thay anh đi cùng anh Vũ Đình Hòe lên Tân Trào. Chao! Thật thế ư? Cái tin đột ngột làm tôi hết sức xúc động.

Lên Chiến khu! Lên Chiến khu! Đó chính là điều mơ ước tha thiết của tôi lúc bấy giờ. Cái sức hấp dẫn của hai tiếng Chiến khu quả thật là mãnh liệt. Một tinh thần lãng mạn cách mạng như chắp cánh cho tôi bay bổng. Và giờ đây mấy tiếng "lên Chiến khu" cứ như những ánh lửa diệu kỳ, chập chờn nhảy nhót trong đầu óc tôi.

Lên Chiến khu

Chúng tôi lên đường vào khoảng trung tuần tháng Tám, xế chiều một ngày u ám mùa mưa ngâu. Tôi ra đi mà lòng thanh thản. Vì sợ qua cầu Long Biên có lính Nhật canh gác và khám xét, tôi khởi hành từ làng Xuân Tảo quê tôi (nay là Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Một anh bạn đồng hương đèo xe đạp tiễn tôi, tắt qua một cánh đồng sang làng Phú Gia bên cạnh, rồi qua đò sông Hồng sang quãng đê bên kia sông để tới chỗ bắt liên lạc ở gần làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Tôi đã hẹn anh Vũ Đình Hòe gặp nhau ở chỗ đó. Tôi mặc cải trang, mình bận một chiếc áo the thâm dài đã bạc mầu của anh bạn đồng hương cho, một chiếc quần ta trắng, đầu đội mũ cát, chân đi đôi giày bata, tay xách một túi đẫy nhẹ, chẳng khác gì một tay lái tơ xứ Bắc.

Chúng tôi qua sông Cầu và vượt đường quốc lộ Hà Nội - Thái Nguyên ở chỗ ngã ba đi Sơn Cốt, và từ đây mới bắt đầu đi vào vùng rừng núi quanh chân dãy Tam Đảo. Chiều hôm đó, chúng tôi vào nghỉ ở một trạm bên chân đồi phía Tân Cương. Trời vừa tối sẫm, ăn cơm xong thì nghe có tiếng hú kéo dài.

Trong trạm một người hú đáp lại, và một lát sau chúng tôi thấy bước vào trạm một thanh niên trên dưới hai mươi tuổi, mình bận một bộ quần áo chẽn nhuộm đen mà ướt sũng, người run cầm cập, mắt trắng nhợt. Anh nói nước suối có lũ lên to mà vẫn phải cố gắng bơi qua vì phải chạy hỏa tốc truyền đi lệnh “Tổng khởi nghĩa”!

Ngày 14/8/2015, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đỗ Đức Dục (15/8/1915-15/8/2015) - nhà trí thức cách mạng dấn thân, đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2008, tên ông cũng đã được đặt cho một con đường tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Trời! Tổng khởi nghĩa! Tổng khởi nghĩa! Mấy tiếng thiêng liêng kỳ diệu đột ngột vang lên giữa những tiếng hò reo mừng rỡ của mọi người trong trạm lúc đêm hôm khuya khoắt nơi núi rừng hẻo lánh này và vụt bừng sáng trong lòng tôi như ánh hào quang rực rỡ sẽ không bao giờ tắt suốt cuộc đời tôi.

Và đâu đó tưởng như nghe có tiếng “trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt”? Song giữa vòng hào quang đó lại là hình ảnh anh thanh niên giao thông kia, mình run lên vì lạnh với nước da tái xanh mầu sốt rét rừng, thế mà miệng anh báo tin “Tổng khởi nghĩa” với tất cả niềm phấn chấn hăm hở lan truyền; hình ảnh người “anh hùng vô danh” bằng xương bằng thịt đó vẫn còn như khắc nổi trong tâm khảm tôi cho đến ngày nay.

Bản “thụ phong” không lời

Quá trưa về chiều, chúng tôi vừa từ trong rừng nứa âm u chui ra quãng trống thì bỗng Tân Trào với cây đa đồ sộ đột ngột hiện ra trước mắt.

Ôi! Nơi Thủ đô của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 mà về sau, khi nó trở thành Thủ đô của kháng chiến chín năm chống Pháp, tôi đã có dịp trở lại mấy lần, nhưng hình ảnh và cảm xúc lần đầu tiên này sẽ ở lại mãi trong tôi như một niềm lưu luyến thắm thiết của buổi ban đầu đi theo cách mạng.

Anh giao thông đưa chúng tôi đến chỗ trạm gác ở khu Nhà Cứu quốc để trình giấy tờ. Một lát sau, người ra đón chúng tôi là anh Lý, một thanh niên vận quần áo nâu, vẻ mặt tươi, cởi mở với một nụ cười đôn hậu (sau này gặp lại anh ở Hà Nội thì anh lại đổi tên là [Hoàng Hữu] Kháng và làm người cận vệ của Bác Hồ).

Anh đưa chúng tôi lên một ngôi nhà sàn ngay gần cổng và lát sau anh đem đến cho chúng tôi mỗi người một bộ quần áo nâu. Quả thật, đó là lần đầu tiên trong đời tôi mặc quần áo nâu. Có cái gì vừa lúng túng, ngỡ ngàng mà cũng vừa mau chóng thân quen và rồi tới chỗ hãnh diện nữa. Nó như một “thụ phong” không lời và đơn giản của cách mạng!

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất