| Hotline: 0983.970.780

Từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình duy trì nông thôn mới nâng cao

Thứ Tư 30/10/2024 , 09:53 (GMT+7)

SƠN LA Các hộ dân tại xã Chiềng Xôm đang nỗ lực xây dựng mô hình xã kiểu mẫu trong bối cảnh còn nhiều thách thức để duy trì nông thôn mới nâng cao.

Công trình chiếu sáng sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Đức Bình

Công trình chiếu sáng sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Đức Bình

Xã Chiềng Xôm - trực thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên 6.131 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 5.442 ha, chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Dân cư phân bổ thành 10 bản, gồm 6 dân tộc, và đa phần người dân sống bằng nghề nông. Xã đang tập trung phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, theo mô hình sản xuất hữu cơ, sản phẩm sạch, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Trong vùng quản lý có 178 ha diện tích cây ăn quả, cấp chứng nhận mà vùng trồng cho 20ha tại bản Sẳng và hướng tới khu sản xuất hoa quả sạch bản Tông khoảng 5ha gồm :Bưởi, cam, xoài, dưa, ớt. Năm 2024, bản Tông đang thực hiện hồ sơ pháp lý để sớm được công nhận sản phẩm Bưởi Phúc Kiến đạt OCOP 3 sao.

Theo ông Lò Văn Nghĩ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bản Sẳng chia sẻ, hàng năm xã tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho nông dân, từ việc chăm sóc cây ăn quả, phòng chống sâu bệnh, cho đến bảo vệ vật nuôi. Tuy nhiên, bão số 2 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho HTX của ông, phá hủy nhiều luống cây trồng. Chính quyền đã động viên hỗ trợ và mở thêm các lớp đào tạo để bà con có thể chuẩn bị tốt hơn cho vụ mùa tới.

Bên cạnh việc tập trung phát triển nông nghiệp, xã Chiềng Xôm đã nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 51,5 triệu đồng/người/năm.

Hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt tại 10/10 bản, với 245 bóng đèn chiếu sáng trên 6 km đường nội bản, liên bản, ngõ xóm. Toàn bộ kinh phí 600 triệu đồng đến từ nguồn xã hội hóa, giúp cải thiện đời sống và an toàn giao thông trong xã. Trong điều kiện trời nắng, hệ thống cần 5 giờ để các tấm pin mặt trời nạp đầy pin, khi trời âm u, việc tích trữ năng lượng sẽ kéo dài hơn. Đèn có thể chiếu sáng từ 8-12 giờ mỗi ngày khi được sạc đầy.

Đập cao su đã bị xẹp xuống, không còn tác dụng nâng mực dòng nước suối. Ảnh: Đức Bình.

Đập cao su đã bị xẹp xuống, không còn tác dụng nâng mực dòng nước suối. Ảnh: Đức Bình.

Dù vậy, hệ thống thủy lợi đang bị xuống cấp nghiêm trọng do phù sa bồi lấp lòng mương, đoạn từ đập cao su đến hết khu vực nghĩa địa bản Hài - phường Chiêng An; dẫn đến không đảm bảo nước sản xuất cho 03 bản(bản Tông, bản Hụm, bản Phiềng Ngùa).

Hệ thống mương thuỷ lợi được đầu tư từ năm 1986, tổng chiều dài tuyến L= 1.350m, điểm đầu tuyến từ đập cao su, điểm cuối tuyến đấu nối vào kênh hộp bê công cốt thép đã được đầu tư. Theo ghi nhận, đập cao su đã bị xịt xuống, không còn tác dụng trong việc nâng mực nước dòng suối.

Theo ông Lèo Văn Hưởng, chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm chia sẻ, việc nước dưới suối không dẫn được vào hệ thống mương thủy lợi ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà con đặc biệt trong canh tác. Một phần ảnh hưởng từ dự án kè suối do được mở rộng lòng suối, lưu lượng nước thấp hơn so với cốt nền hệ thống mương, nước suối không dẫn được vào hệ thống mương thuỷ lợi.

Hiện tại, xã đang tham mưu xin ý kiến để huy động nhân dân bồi đắp rọ đá và vật liệu tre để nâng mực nước suối lên cao đưa qua các đường ống được đục sẵn vào hệ thống mương thuỷ lợi. Đây là giải pháp tạm thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước tưới cho các bản.

Những khó khăn hiện tại đặt ra yêu cầu về các biện pháp linh hoạt từ chính quyền và cộng đồng. Việc huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân sẽ là yếu tố quan trọng để xã Chiềng Xôm tiếp tục vững bước trong việc duy trì xã nông thôn mới nâng cao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.