| Hotline: 0983.970.780

Xã Cò Nòi hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ Sáu 25/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

SƠN LA Sau 5 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, đã đạt được nhiều bước tiến rõ rệt, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cò Nòi là xã vùng I, cách trung tâm huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) 10 km, có diện tích tự nhiên 9.366ha, giáp các xã Nà Bó, Chiềng Đông (huyện Yên Châu), Chiềng Lương, Hát Lót, và Yên Sơn. Xã có 29 bản, tiểu khu hơn 5.000 hộ, trên 21.000 nhân khẩu, gồm ba dân tộc chính: Kinh, Thái, Mông.

Con đường mới được chỉnh trang tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Con đường mới được chỉnh trang tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Trong thời gian qua, xã đã tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Các hoạt động như vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chỉnh trang nhà ở và hệ thống điện thắp sáng được tổ chức đều đặn vào mỗi thứ bảy hàng tuần.

Lĩnh vực nông nghiệp của xã đã có những bước phát triển đáng kể. Diện tích thâm canh cà phê đạt 5,5ha, lúa 125ha và cây ăn quả 2.120ha. Xã đã vận động người dân chuyển đổi đất dốc sang trồng cây ăn quả và thâm canh tăng vụ, giúp thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2024 đã giảm còn 2%.

Trong lĩnh vực giáo dục, xã có 5 trường từ mầm non đến THCS đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%, trong khi tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 99%. Tỷ lệ thanh thiếu niên tốt nghiệp THCS đạt 96%.

Theo ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, nhận thức của người dân về việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình tại xã. Công tác vệ sinh môi trường cũng còn nhiều bất cập, xã đang cố gắng quy hoạch lại để phù hợp với tiêu chuẩn nông thôn mới.

Hiện tại, xã đã đạt được 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, ba tiêu chí liên quan đến y tế, môi trường và chất lượng môi trường sống vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 90%, ban hòa giải các tranh chấp và xử lý vi phạm chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi, sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng đến cư dân xung quanh. Các bãi chôn lấp chất thải rắn cũng chưa đạt yêu cầu vệ sinh môi trường.

Anh Nguyễn Văn Nam, trú tại bản Xuân Quế, xã Cò Nòi gặt hái được nhiều thành công với mô hình trồng dâu tây. Ảnh: Đức Bình.

Anh Nguyễn Văn Nam, trú tại bản Xuân Quế, xã Cò Nòi gặt hái được nhiều thành công với mô hình trồng dâu tây. Ảnh: Đức Bình.

Xã Cò Nòi đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Các mô hình chuyên canh tập trung cây công nghiệp như cà phê và cây ăn quả được ưu tiên, cùng với phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nam, trú tại bản Xuân Quế, xã Cò Nòi, đang thành công với mô hình trồng dâu tây, mang lại lợi nhuận nửa tỷ đồng/ha. Anh cho biết chương trình nông thôn mới đã định hướng phát triển cây ăn quả của hợp tác xã, giúp gia đình anh ổn định cuộc sống và tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con. Hiện tại, hợp tác xã của anh đã có hơn chục thành viên, mang về hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.

Trong năm sau, xã Cò Nòi tiếp tục nỗ lực duy trì và củng cố các tiêu chí đã đạt được, đồng thời phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để đảm bảo yêu cầu. Xã tiếp tục thay đổi mô hình sản xuất, hướng tới việc đáp ứng chương trình nông thôn mới nâng cao vào năm 2026.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.