| Hotline: 0983.970.780

Tương lai Việt Nam nằm ở biển

Thứ Bảy 02/09/2017 , 08:30 (GMT+7)

Lịch sử mách bảo chúng ta rằng, quốc gia có biển là một ưu thế địa chính trị, địa chiến lược, địa kinh tế đặc biệt quan trọng.

21057509-886800291471972-1639371126-o145314102
Thiếu tướng Lê Văn Cương (bên trái) trong cuộc trả lời phỏng vấn báo NNVN tại nhà riêng

Thế kỷ 21 là thế kỷ đại dương. An ninh phát triển của Việt Nam không thể được bảo đảm nếu như vùng biển không bình yên. Vì thế Việt Nam không thể tách rời biển. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo NNVN.
 

Không có gì quý hơn độc lập, tự do

Thưa Thiếu tướng, ông bình luận như thế nào về hai chữ Độc Lập?

“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (Trích Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam 2/9/1945)

Khi Cách mạng tháng 8 bùng nổ và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tôi mới hai tuổi rưỡi. Quả thực tôi chưa thể hiểu nỗi đày đọa, đau khổ của người dân mất nước. Lớn lên, tôi hiểu thế nào là nước mất nhà tan và nhận thức rõ cái quý nhất của một con người, của một quốc gia đấy là độc lập, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã rút ra chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Dù cuộc sống lúc này còn nhiều ngổn ngang, khó khăn và lắm điều chưa hài lòng nhưng mỗi người dân Việt Nam nên bình tâm khi nghĩ về đất nước để thấy giá trị của độc lập dân tộc, vị thế của một công dân làm chủ đất nước.

Thành quả cuộc Cách mạng tháng 8/1945 và cuộc trường chinh bảo vệ nền độc lập dân tộc là xương máu của bao nhiêu thế hệ cha anh. Vì thế, trên hết, giá trị độc lập tự do là cao nhất mà thành quả Cách mạng tháng 8 để lại. Mỗi người dân Việt Nam phải có trách nhiệm gìn giữ, trân trọng và trực tiếp góp phần bảo vệ nền độc lập ấy.

Thưa Thiếu tướng, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng. Ở một khía cạnh khác, chúng tôi muốn đặt vấn đề về “độc lập đường lối”. Theo ông, Việt Nam đã độc lập đường lối chưa và điều đó đang được thế giới nhìn nhận như thế nào?

Vấn đề các đồng chí nêu rất hay. Độc lập trước hết phải nói đến là độc lập chủ quyền thống nhất toạn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trên cái cương vực lãnh thổ ấy tồn tại cộng đồng cư dân hơn 90 triệu người và tổ chức thành một nhà nước. Ở đây độc lập còn có ý nghĩa lớn, đó là nhà nước Việt Nam tự mình hoạch định chính sách chiến lược đối nội, đối ngoại trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Đấy là độc lập chân chính.

Thực tế, không ít quốc gia có được chủ quyền lãnh thổ nhưng nhà nước của họ không có năng lực hoặc bị nước ngoài chi phối. Họ không thể tự lập vạch ra chiến lược chính sách đối nội, đối ngoại mà phụ thuộc vào nước ngoài. Độc lập ấy là nửa vời.

Việt Nam chúng ta cùng với toàn vẹn lãnh thổ sau giải phóng 30/4/1975, suốt 42 năm qua, nhân dân ta thông qua Quốc hội xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chủ động xây dựng cương lĩnh, chiến lược chính sách đối nội, đối ngoại hoàn toàn độc lập, tự chủ. Chính điều này, chúng ta có một tâm thế, vị thế trong khu vực ASEAN và trên trường quốc tế như hiện nay.

Điều này được cộng đồng quốc tế xác nhận Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trên cương vị là Chủ tịch luân phiên. Chúng ta đã 2 lần làm Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các nước ASEAN. Trong thời gian làm nhiệm vụ, Việt Nam luôn đề xuất nhiều sáng kiến để củng cố đoàn kết trong ASEAN. Những sáng kiến của ta thể hiện trong hoạch định chính sách đối ngoại của ASEAN, quan hệ ASEAN với các nước lớn với 3 trụ cột: kinh tế, chính trị an ninh, văn hóa xã hội.

Không dưng mà Việt Nam được tham gia vào các định chế quốc tế lớn như tổ chức nhân quyền quốc tế, tổ chức cơ quan lập pháp quốc tế của LHQ. Chúng ta có tiếng nói trong các định chế kinh tế như WTO, IMF, ADB… và các định chế song phương, đa phương với quan điểm độc lập, sáng tạo.

Chính độc lập và sáng tạo đã giúp Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn. Chúng ta đã thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vượt qua khủng hoảng KT-XH những năm 1980 của thế kỷ trước và đương đầu với những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Rõ ràng, nếu không độc lập, không sáng tạo liệu chúng ta có vượt qua những khó khăn đó và thế giới họ cũng khó lòng ghi nhận. Vì thế, chúng ta không có gì phải mơ hồ điều này.
 

Biển đảo, trục xoay của mọi cục diện

Thưa Thiếu tướng, biển đảo rất quan trọng. Nếu nhìn nhận về lịch sử, biển là cửa ngõ mà quân xâm lược luôn chọn để đánh vào và những trận chiến trên biển thường quyết định đến cục diện chiến trường. Do đó, biển luôn nhạy cảm nên cần có cái nhìn khoa học, biện chứng. Là một nhà nghiên cứu, ông bình luận gì trước nhận định, đất nước ta không thể tách rời biển?

Lịch sử mách bảo chúng ta rằng, các quốc gia có biển là một ưu thế địa chính trị, chiến lược, kinh tế đặc biệt quan trọng. Thế kỷ 21 là thế kỷ đại dương. Việt Nam may mắn vì có chiều dài bờ biển 3.260km. Tỷ lệ bờ biển so với diện tích đất liền của ta thuộc tốp đầu trên hành tinh. Tính trung bình trên thế giới các quốc gia ven biển cứ 600km2 thì có 1km biển, Việt Nam cứ 100km2 có 1km bờ biển. Đó là lợi thế trời cho Việt Nam.

Biển Việt Nam nằm ở cửa ngỏ châu Á - Thái Bình Dương. Một con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới vắt qua biển Việt Nam đấy là Biển Đông. Hàng ngày có 200 tàu thương mại đi qua Biển Đông, trong đó có 10% tàu trọng tải trên 100.000 tấn; 40 - 50% số tàu trọng tải trên 50.000 tấn. 42% dầu mỏ, khí hóa lỏng và 1/3 dịch vụ hàng hóa trên toàn cầu đi qua Biển Đông. Cửa ngõ này nằm ở trung tâm khu vực phát triển năng động nhất châu Á - Thái Bình Dương, ở đó có 3 nền kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Như vậy, Việt Nam không chỉ là quốc gia biển mà còn có vị trí địa chính trị, kinh tế đặc biệt quan trọng, một tài sản vô giá. Cho nên nói biển Việt Nam gắn liền với độc lập toàn vẹn lãnh thổ là đúng. Biển còn gắn liền với an ninh phát triển của Việt Nam trong tương lai. An ninh phát triển của Việt Nam không thể được bảo đảm nếu như vùng biển không bình yên. Vì thế đất nước này không thể tách rời biển.

Chúng ta thấy những trận quyết chiến chiến lược vĩ đại nhất của dân tộc ta gắn với các cuộc chiến trên sông, trên biển. Năm 938 Ngô Quyền nhấn chìm 30 vạn quân Nam Hán do Hoàng Thao từ Vịnh Bắc bộ tiến vào Bạch Đằng, giành lại độc lập sau 1.000 năm bắc thuộc. Đây là trận khủng khiếp nhất mà phương Bắc kinh hoàng bạt vía.

Trận chiến năm 1288 dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, chúng ta đánh thắng quân Nguyên ở sông Bạch Đằng. Trận thứ 3 là năm 1785, 300 chiến thuyền quân Xiêm vượt Băng Cốc tiến vào Gia Định đã bị binh lính Quang Trung nhấn chìm 5 vạn quân Xiêm, ghi tạc lịch sử nốt son trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày 5/8/1964 đánh dấu sự kiện trên biển. Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số được xem là sáng tạo lớn nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Đấy là đắc địa nhất mà Việt Nam có được. Đánh nhau vượt Trường Sơn đã kinh hoàng nay vượt biển cả để đánh bại kẻ thù xâm lược. Hỏi có quốc gia nào anh dũng, thông minh, bền gan như thế?

Chúng ta không bao giờ được quên công ơn trời biển của cha anh đi trước, những người đã sử dụng biển như một thế mạnh để nhấn chìm quân thù, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước. Bài học này nhắc nhở lớp lớp con cháu phải làm mọi việc tốt nhất cho biển.

Ông nói đúng, chúng ta phải làm tất cả những gì tốt nhất cho biển. Tiếc thay, không phải ai cũng ý thức được như thế. Đơn cử, vụ Formosa xả thải ra biển và việc đòi nhận chìm 1 triệu m3 vật chất xuống biển của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 gây tổn thất cho biển, dư luận và nhân dân phản ứng rất dữ dội. Vậy, theo ông, trong nước phải ứng xử như thế nào với biển?

Đúng như anh nói, chúng ta mới nhìn nặng về biển trên phương diện phòng thủ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong thế kỷ 21 này biển là tài sản vô giá. Quá trình sinh sôi, nảy nở sinh vật của biển là một vòng tuần hoàn không bao giờ ngưng nghỉ. Chính vòng tuần hoàn này đã tạo ra một nguồn lợi trong biển vô cùng lớn. Trong biển có 3 nguồn lợi chính: một là sinh vật tôm, cua, cá…; hai là đáy đại dương có dầu khí, các kim loại nặng vàng, bạc, chì, băng cháy…; ba là giao thông, du lịch trên biển.

Đảng ta đã có chiến lược về biển nhưng chưa đủ bởi vì xem ra còn khá chung chung. Với tư cách nhà nghiên cứu, tôi đề nghị Đảng cần có một đề án cấp quốc gia với tầm nhìn 30 năm trở lên chứ không chỉ 5 năm. Tương lai của Việt Nam và của nhân loại là nằm ở biển. Do đó cần lắm đề án cấp quốc gia để vừa khai thác, bồi đắp và bảo trì phát triển biển.

Vụ Formosa là thảm họa vô cùng trầm trọng đối với biển. Nhà máy điện Vĩnh Tân 1 với dự kiến nhận chìm 1 triệu m3 vật chất vào biển cho thấy có những ứng xử vô cùng nguy hại với biển, đi ngược với quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần phát biểu nhất quán quan điểm chỉ đạo rằng, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.

Từ Vĩnh Tân 1 vai trò của Bộ TN-MT hết sức quan trọng. Bộ TN-MT đã phạm sai lầm khuyết điểm lớn trong vụ Formosa. Bản thân họ phải rút ra bài học, không để có thêm một Formosa nữa. Thực tế, trong nhiều trường hợp, tôi thấy Bộ TN-MT chưa làm tròn trách nhiệm. Theo tôi, Bộ TN-MT cần ngẫm mình xem về những ứng xử chưa đúng với biển trong thời gian qua.

Lớp lớp cha anh đã làm tròn sứ mệnh với lịch sử dân tộc rồi thì hôm nay chúng ta không thể để xảy ra những thảm họa cho biển.
 

Người lớn phải sống tử tế, làm gương

Thưa Thiếu tướng, các nhà lãnh đạo và người lớn cần làm gì để tạo cho lớp trẻ một niềm tin mãnh liệt vào cơ đồ quốc gia, dân tộc trong thế giới phẳng hiện nay khi mà lớp trẻ có nhiều sự lựa chọn?

Về khoa học mà nói thế hệ trẻ là sản phẩm của xã hội. Thế hệ tuổi như tôi, trên tôi và dưới tôi cần tạo thành một khuôn mẫu để sinh ra lớp trẻ. Chúng ta làm cái bát ăn cơm, cái đĩa đựng thức ăn, cái cốc uống nước thì phải thấy rằng, cái khuôn tròn thì mới có cái bát, cái đĩa, cái cốc tròn được. Người lớn, người lãnh đạo phải làm gương cho lớp trẻ, trung thực, sống ngay thẳng, nhân ái. Đó là tài sản lớn nhất của lớp người nhiều tuổi để lại cho lớp trẻ.

Hãy sống tử tế là thứ quý giá nhất trên đời mà bạn để lại cho con cháu và người đời, chứ không phải vàng bạc châu báu. Nếu chúng ta muốn có thể hệ trẻ lành mạnh phát triển như kỳ vọng của Hồ Chủ tịch thì lớp người lớn bây giờ phải sống tử tế và làm gương cho thế hệ trẻ.

Thưa Thiếu tướng, ông nhìn nhận như thế nào về lớp trẻ hiện nay?

Người lớn đánh giá lớp trẻ có 3 loại. Một là, người ta mất lòng tin ở lớp trẻ. Họ tiếp cận qua góc nhìn lớp trẻ đánh nhau hội đồng trong trường học, nghiện ngập, hộp đêm, sống mất phương hướng... Hai là, họ không quan tâm, không tin, không phản đối. Ba là, họ rất tin tưởng vào lớp trẻ.

Cá nhân tôi cho rằng lớp trẻ Việt Nam hiện nay rất tuyệt vời. Ai nghi ngờ về lớp trẻ bây giờ là sai lầm. Trí tuệ lớp trẻ bây giờ ngang hàng với trí tuệ lớp trẻ thế giới. Tôi hết sức quý trọng họ. Về phẩm chất, tôi hoàn toàn không nghi ngờ về bản lĩnh chính trị và tâm sáng của lớp trẻ. Hãy nhìn vào lớp trẻ ở đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ nét nhất về lớp trẻ.

Trong xã hội còn nhiều vấn đề bất ổn, không vừa lòng nhưng chính thanh niên đã nhận ra đích thực giá trị của con người. Vì thế tôi tin tưởng tuyệt đối vào lớp trẻ.

Đảng, Nhà nước và lớp người lớn bây giờ đừng nói là quan tâm mà phải có trách nhiệm hơn với lớp trẻ. Vì họ là chủ tương lai của đất nước này. Nếu lớp trẻ không làm tròn trách nhiệm thì 90% do lớp người lớn chứ không phải do lớp trẻ.
 

Dân tộc Việt Nam trường tồn

Thưa Thiếu tướng, lúc này đây, điều gì gợi lên trong ông về tiền đồ và tâm thế dân tộc Việt Nam nhân ngày Quốc khánh năm nay?

Tôi vui mừng những thành tựu và trăn trở trước khó khăn của đất nước. Tôi xin nêu một câu chuyện lịch sử. Vào năm 1911, ông Tôn Trung Sơn từ Trung Quốc sang Nhật Bản và có cuộc nói chuyện với các học giả Nhật Bản. Ông Tôn Trung Sơn có tư tưởng Tam dân nên nhiều người Việt cũng mến ông.

Trong cuộc gặp gỡ này, một học giả, nhà sử học hàng đầu Nhật Bản có hỏi Tôn Trung Sơn, tiên sinh nghĩ gì về dân tộc Việt Nam, ông Tôn Trung Sơn cao hứng rằng, dân tộc ấy không có tương lai, họ từng bị chúng tôi thống trị 1.000 năm và hiện dân tộc đó đang bị thực dân Pháp đô hộ.

Ngay lập tức, vị học giả này nói, có lẽ tiên sinh nhầm. Trước đây 2.500 năm trong các tộc Bách Việt sống ở phía Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam chỉ còn tồn tại Việt Nam không bị Hán hóa, chỗ này vị học giả muốn “kháy” Tôn Trung Sơn thủy tổ là người tộc Bách Việt mà cha của ông cũng bị Hán hóa. Vị học giả nói rằng, Việt Nam - dân tộc ấy sẽ trường tồn, phát triển thành cường quốc. Nghe vậy, Tôn Trung Sơn lặng người không nói gì cả. Chuyện này được các học giả Nhật Bản kể lại.

Riêng tôi, nhận thấy trong lịch sử thế giới không có một dân tộc nào bị ngoại bang đô hộ 5 trăm năm mà tồn tại được, 3 đến 4 trăm năm là tiêu tan, bị đồng hóa rồi. Vậy mà Việt Nam (từ năm 208 TrCN), An Dương Vương để mất nước, đến năm 939 Ngô Quyền dựng lại cơ đồ, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc để hôm nay tồn tại phát triển đấy thôi.

Sông có khúc, người có lúc, quốc gia, dân tộc cũng vậy, có lúc thịnh, lúc suy! Dù còn khó khăn trăm bề nhưng tôi vẫn có một niềm tin mạnh liệt vào tương lai, tiền đồ sáng lạn của Tổ quốc chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Trách nhiệm trước hết ở các đồng chí lãnh đạo

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh, muốn giữ vững quyền tự do độc lập, yếu tố tự lực tự cường và cố kết dân tộc là điều rất quan trọng. Nó còn là nền tảng văn hóa. Do đó Việt Nam cần chuẩn bị tốt nhất cho nội lực vững mạnh nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tướng Cương cho rằng, trên thế giới này, sức mạnh dân tộc chủ yếu nằm ở sự cố kết cộng đồng dân tộc. Đoàn kết trăm người như một, trên dưới đồng lòng thì mọi việc sẽ thành công.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã nhìn nhận được vị thế của mình đâu yếu, đâu mạnh. Thách thức phía trước rất nhiều, tệ quan liêu tham nhũng chưa đẩy lùi được; thói tha hóa, suy thoái của cán bộ, đảng viên đang làm cho Đảng và nhân dân mất niềm tin. Nghĩa là đồng thuận trong xã hội đang có vấn đề. Vì thế muốn tạo ra sự đồng thuận thì 4,6 triệu đảng viên phải thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Trung 4 khóa XII, trước hết 190 Ủy viên Trung ương phải làm gương.

Hai là, chúng ta phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực. Năng lực cạnh tranh nền kinh tế của ta còn quá thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trách nhiệm này trước hết ở các đồng chí lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo phải tỉnh táo nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn những xu hướng phát triển thế giới hiện đại, khắc phục bảo thủ trì trệ để xây dựng chính sách chiến lược đối nối, đối ngoại khoa học, hiệu quả.

 

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.