Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, cao gần 1.000m so với mực nước biển. Đồi núi chập chùng, quanh năm lãng đãng mây mù. Ở vùng cao nhưng không hề heo hút này, có rất nhiều nông dân gốc Hà Thành làm kinh tế giỏi và trở thành tỷ phú.
LỤA HÀ ĐÔNG TRÊN ĐẤT NAM BAN
Không chỉ nổi danh trong nước, Cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) còn có tên trong cuốn cẩm nang du lịch quốc tế Guide Book. Mỗi ngày, cơ sở này không chỉ đón khách du lịch trong nước, mà còn hàng chục lượt khách quốc tế đến tham quan.
ƯƠM ĐẸP CHO ĐỜI
Từ thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà), chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 725 để lên thị trấn Nam Ban. Xe chúng tôi bon bon trên con đường nhựa không rộng lắm nhưng phẳng lỳ. Đứng trên những đỉnh dốc ngoái lại, thấy con đường uốn lượn như dải lụa mềm, tuyệt đẹp. Hơn 10 phút sau, chúng tôi đã đến UBND thị trấn Nam Ban.
Vừa nghe chúng tôi trình bày lý do gặp, Chủ tịch thị trấn Thái Văn Mai nói ngay: “Nam Nam thiếu gì nông dân sản xuất giỏi! Các anh đi vài ngày không hết”. Ngay sau đó, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn dẫn đường sang thăm cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn sát bên trụ sở ủy ban.
Trong cái se lạnh của vùng cao nguyên, anh Nguyễn Văn Cường, chủ cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn (vừa được “nâng cấp” lên công ty) vẫn mồ hôi nhễ nhại, chạy như con thoi chỉ đạo những người thợ đang xây dựng công trình. Thấy chúng tôi, anh xoa tay, quệt mồ hôi trên trán rồi giới thiệu: “Tôi đang cho thi công 3 công trình là nhà lưu trú cho công nhân, khu nhà xưởng và nhà sàn trưng bày sản phẩm. Dự kiến cuối năm sẽ hoàn tất”.
Máy ươm tơ
Bên trong xưởng, hàng chục công nhân đang mỗi người một việc tất bật. Tiếng máy xe sợi, máy sấy chạy rầm rầm. Hiện công ty Cường Hoàn có 30 máy ươm tơ, 8 máy dệt, 50 nhân công, tùy theo công việc và thâm niên, mức thu nhập của họ từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối với lao động vùng nông thôn.
Nói về cơ duyên với con tằm, cái kén, anh Cường kể: Năm 1980, anh theo gia đình từ Đông Anh, Hà Nội đi kinh tế mới, vào vùng cao nguyên Nam Ban lúc anh mới 15 tuổi. Sau khi học xong cấp 3, rồi thêm mấy năm đi bộ đội, chàng thanh niên Phạm Văn Cường hăm hở trở về vùng đất mới bắt tay vào việc trồng dâu, nuôi tằm.
“Ban đầu tôi chỉ trồng dâu, nuôi tằm, bán kén, sau thêm công đoạn nữa là ươm tơ, bán tơ sống cho các nhà máy dệt ở Bảo Lộc, Đà Lạt, Sài Gòn. Thời gian sau, thấy có khách du lịch nước ngoài vãng lai tìm đến, tôi mới nảy ra ý tưởng dệt lụa theo phương thức truyền thống kết hợp làm du lịch. Ngay sau đó, tôi ra Hà Đông, quê hương của những tấm lụa nổi tiếng để họ nghề. Nhưng quả thật, học không dễ chút nào, vì nghề này có bí quyết riêng, cha truyền con nối. Cuối cùng tôi may mắn được mấy người bạn chỉ “mánh” nên cũng học được những bí quyết để có thể dệt lụa vừa bền, vừa đẹp”, anh Cường kể.
Máy xe sợi
Nhưng, con đường đi đến thành công như hôm nay không đơn giản thế. Phải mất nhiều năm, trải qua nhiều thất bại, đến năm 2000, anh Cường mới quyết định mở xưởng sản xuất, kết hợp với dịch vụ du lịch nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình là lụa tơ tằm.
Không như các cơ sở khác là chỉ làm từng khâu: hoặc ươm tơ, hoặc dệt, thêu. Cơ sở Cường Hoàn thực hiện từ khâu đầu đến khâu cuối. Từ ươm tơ, dệt lụa đến tẩy, nhuộm, may thêu. Đặc biệt, khi khách đến tham quan, có thể thoải mái quay phim, chụp hình. Chính sự thoải mái của anh Cường đã khiến cho du khách nước ngoài thêm quí mến và góp ý để anh cho ra những sản phẩm hợp thị hiếu của họ.
Theo anh Cường, mỗi năm cơ sở Cường Hoàn đón hơn 70 ngàn lượt khách quốc tế, và khoảng 20% trong số này mua sản phẩm của cơ sở. “Doanh thu của anh hiện nay?”, tôi hỏi. “Khoảng hơn 20 tỷ/năm. Nhưng lợi nhuận thì không phải cao lắm đâu. Bởi vì chi phí cao, nhưng sản phẩm lại bán giá khá mềm”, anh Cường đáp.
Anh Cường cho biết, để thêu được bức tranh lớn nhất và bán hơn 20 triệu đồng, 3 công nhân thêu phải làm liên tục trong vòng hơn 1 tháng mới xong. Trừ chi lương cho 3 nhân công đã hết hơn 15 triệu đồng. Trừ các chi phí khác như vải, khung tranh, chỉ thêu… thì lãi chẳng còn bao nhiêu.
Những bức tranh thêu tay của Cường Hoàn
VÌ NÔNG DÂN
Có thể nói không ngoa rằng Cường Hoàn là “cứu tinh” của nông dân trồng dâu, nuôi tằm. Bởi những năm qua, hàng ngàn nông dân ở các huyện trong tỉnh như Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lộc, Di Linh ồ ạt chặt bỏ cây dâu để trồng các cây công nghiệp khác khiến nghề truyền thống bao đời nay của tỉnh Lâm Đồng có nguy cơ mai một. Cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn ra đời đã thu mua toàn bộ kén của bà con với giá cao.
“Hiện nay, cơ sở thu mua toàn bộ kén của 1.800 hộ trồng dâu nuôi tằm. Nhưng cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 60% năng lực của cơ sở. Nếu làm hết công suất, có thể đáp ứng số kén của 3.000 hộ”, anh Cường nói. Không chỉ thu mua hết kén của nông dân, anh Cường còn tư vấn cho bà con trồng loại dâu cho chất lượng kén tốt nhất. Theo anh, hiện nay bà con đang có xu hướng trồng giống dâu của Trung Quốc, giống này phát triển rất tốt, nhiều lá. Tuy nhiên, chất lượng kén lại không bằng giống dâu của Việt Nam.
“Đây là một trong những cơ sở tiểu thủ công nghiệp tư nhân làm ăn rất hiệu quả, và là cơ sở duy nhất trên địa bàn có sức hút rất lớn đối với du khách. Cơ sở Cường Hoàn không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động, mà còn giữ được nghề truyền thống của địa phương và của người Việt Nam nói chung. Quảng bá hình ảnh của địa phương khắp nơi trên thế giới”, ông Thái Văn Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban nói. |
Anh Cường cho biết, nhờ thổ nhưỡng và kỹ thuật mà chất lượng tơ ở đây ngày càng tốt hơn: sợi đều, bóng, không bị gai gút, độ dài tơ đơn thường đạt từ 800 đến 1.000m trong khi ở các vùng khác chỉ đạt tối đa là 500m. Hiện mỗi tháng, cơ sở Cường Hoàn sản xuất 3.000-4.000m lụa, 1 tấn tơ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tính đến nay, cơ sở ươm tơ Cường Hoàn đã có “thâm niên” ngót 30 năm. Có không ít những công nhân đã gắn bó với cơ sở từ những ngày đầu tiên. Đến nay họ đã lập gia đình, có con và thế hệ thứ 2 cũng đang làm việc tại đây. “Học trò của tôi bây giờ nhiều lắm, không nhớ hết. Nhiều người đã thành đạt sau khi học nghề ở đây, họ về tự mở cơ sở may thêu và có thu nhập khá”, ông chủ cơ sở Cường Hoàn nói.
Rất nhiều khách du lịch nước ngoài biết đến cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn
Lang thang trong xưởng, tôi bắt chuyện với công nhân. Dù họ đang chú tâm vào những thước tơ mỏng manh, nhưng cũng vẫn trả lời những câu hỏi. Điều khiến tôi thấy vui là họ rất hài lòng khi được làm việc ở Cường Hoàn. “Tôi làm ở đây hơn 10 năm rồi, thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu cả lương và thưởng”, chị Nguyễn Thị Tho, 49 tuổi, người gốc huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, cho biết. Tại khu vực thêu, hai cô gái đang ngồi cắm cúi, mũi kim trên tay thoăn thoắt. “Sắp tới đây, khi cơ sở xây dựng xong, công nhân sẽ có nhà lưu trú để nghỉ ngơi, ăn uống và có thề ở lại đêm”, anh Cường nói.