Các tài xế xe tải và nông dân Ba Lan đã phong tỏa biên giới với Ukraine nhiều ngày qua, nhằm nông sản giá rẻ từ nước này phá hoại thị trường trong nước. Nhiều cuộc biểu tình chặn đường tương tự cũng xảy ra trên khắp các nước Liên minh châu Âu (EU) khi nông dân lập luận rằng nông sản từ Ukraine có giá thành rẻ hơn do không phải tuân thủ các quy định của EU.
Hồi tuần trước, nông dân biểu tình ở Ba Lan đã chặn tàu và đổ ngũ cốc Ukraine ra đường ray, cho rằng động thái trên nhằm phản đối hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Đầu tháng này, những người biểu tình ở Ba Lan cũng chặn các xe tải và đổ ngũ cốc của Ukraine ra đường ở khu vực gần biên giới.
"Do các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan ở khu vực biên giới với Ukraine, khoảng 160 - 180 tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị đổ ra khỏi các toa tàu chở hàng đang trên đường đến Morocco. Những người gây ra thiệt hại phải bồi thường. Việc bồi thường có thể được quyết định bằng phán quyết của tòa hoặc tự nguyện", hãng tin RBK Ukraine dẫn lời Thứ trưởng Visotsky.
Phó Thủ tướng Ukraine Aleksandr Kubrakov cũng cho biết Kiev đã gửi một công hàm tới Warsaw yêu cầu chính quyền Ba Lan truy tìm và trừng phạt những kẻ phá hoại.
Theo ông Kubrakov, ngũ cốc Ukraine đã bị phá hoại tại nhà ga gần Bydgoszcz, miền đông Ba Lan khi đang trên đường đến các nước khác qua cảng Gdansk. Đây được cho là vụ phá hoại nông sản Ukraine thứ tư của nông dân Ba Lan trong những tuần gần đây.
Trước đó, Kiev cho biết việc phong tỏa đã gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và cản trở năng lực chiến đấu của nước này trong cuộc xung đột với Nga. Việc xuất khẩu ngũ cốc qua hành lang Ba Lan là vấn đề sống còn của Ukraine do chiến sự làm gián đoạn các tuyến vận chuyển ở Biển Đen. Kiev cũng khẳng định xuất khẩu nông sản của nước này qua Đông Âu không gây thiệt hại cho thị trường EU.
Hôm 26/2, Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski thông báo rằng ngành nông nghiệp của EU đã thiệt hại 19 tỷ euro (20,6 tỷ USD) trong năm 2022 và 2023 do nới lỏng thương mại với Ukraine.
Nhiều quốc thành viên EU đã dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với nông sản của Ukraine từ năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho lương thực của nước này, chủ yếu là ngũ cốc, có thể được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số hàng này cuối cùng lại bị kẹt ở các nước Đông Âu, đe dọa sinh kế của nông dân địa phương.