Từ cơ sở nhỏ lẻ sản xuất tinh dầu dược liệu, chị Trần Thị Như Oanh (xã Lý Nam, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã phát triển và thành lập Hợp tác xã sản xuất tinh dầu Như Oanh (HTX tinh dầu Như Oanh). Để có sản phẩm tinh dầu cao cấp định hướng xuất khẩu, HTX tinh dầu Như Oanh đã liên kết theo chuỗi từ cây giống, trồng và sản xuất tinh dầu.
Hơn 6 năm trước, chị Trần Thị Như Oanh đã nuôi ý chí làm giàu bằng sản phẩm tự mình làm ra ngay trên quê hương vùng gò đồi. “Những ngày đầu, tôi thường tìm đến các cơ sở chế biến tinh dầu thảo dược để học hỏi và tính toán cách làm riêng của mình”, người phụ nữ tâm sự.
Ban đầu thì chị trồng cây dược liệu như sả chanh để thu hoạch và chưng cất tinh dầu. Sau đó, chị được hỗ trợ làm mô hình trồng các loại cây dược liệu như tràm trà (tức cây tràm lá nhỏ) và tràm năm gân (tức tràm lá to) có xuất xứ nhập khẩu từ Úc.
Theo chị Như Oanh, cây tràm trồng trên vùng đồi phát triển nhanh, xanh tốt và sau một năm trồng đã có thể cho thu hoạch lá để nấu tinh dầu. “Năm sau thì tôi thành lập HTX tinh dầu Như Oanh để mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu”, chị Như Oanh nói.
Nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia cây trồng, chị Như Oanh mạnh dạn thực hiện làm giống các loại cây trồng như tràm, cây sim… để cung ứng giống chất lượng ra thị trường. Sau nhiều lần thất bại, hợp tác xã đã thành công trong việc giâm hom cây giống. Đến nay, đã xuất cây giống các loại tràm nói trên và cung cấp cho thị trường trong nước hơn 30 vạn cây giống mỗi năm.
Hiện nay, HTX tinh dầu Như Oanh đã liên kết với các hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu bằng hình thức cung ứng giống tràm và thu mua sản phẩm cành lá cây tràm với tổng diện tích trên 60ha. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 300kg tinh dầu với các nhóm sản phẩm như: tinh dầu tràm trà, tinh dầu sả chanh…
Các sản phẩm này đã được công nhận OCOP 3 sao và đã được chào bán, tiêu thụ tại các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản.
“Mỗi năm, doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Đã có một số đối tác nước ngoài quan tâm đến nhóm sản phẩm của chúng tôi và vùng nguyên liệu để liên kết sản xuất”, chị Như Oanh cho hay.
Thời gian tới, HTX tinh dầu Như Oanh tiếp tục đầu tư thiết bị máy móc công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục mở rộng liên kết trong việc tăng diện tích trồng cây tràm nguyên liệu và tăng sản lượng cung ứng cây giống cho khách hàng có nhu cầu.
“Chúng tôi cũng đang xúc tiến việc thử nghiệm trồng các loại cây tràm trên vùng đồi cát vì đây là những dòng cây chịu hạn, chịu nắng rất tốt. Nếu thành công sẽ mở ra một vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng cho việc phát triển liên kết sản xuất sau này”, chị Như Oanh bộc bạch.
Theo ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nam, địa phương đã quy hoạch diện tích vùng nguyên liệu và thúc đẩy phát triển các tổ chức, doanh nghiệp trong nhóm nghề trồng, sản xuất dược liệu thành hàng hoá chất lượng cao và hướng đến xuất khẩu.
“Hợp tác xã tinh dầu Như Oanh đã đi đầu trong việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi tại địa phương, tạo được nhiều sản phẩm có chất lượng cao và đã được thị trường biết đến”, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nam Đoàn Ngọc Nhân nhận xét.