| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên đầu tư hạ tầng bán lẻ tại các vùng khó khăn

Thứ Năm 05/12/2024 , 12:41 (GMT+7)

Xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, hiện đại không chỉ dừng ở các đô thị lớn mà còn mở rộng tới những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hương Lan.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hương Lan.

Tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ, hệ thống bán lẻ không chỉ kết nối sản xuất và tiêu dùng, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ trong nước đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Theo ông Chinh, việc phát triển hệ thống bán lẻ cần hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại, trong đó đầu tư vào tập trung vào các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.

Xu thế chung của thế giới là hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh. Hệ thống bán lẻ trong nước, vì thế, cũng cần xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

"Chúng ta phải xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm trong đó có nhiệm vụ phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng", ông Chinh nói.

Các diễn giả tập trung thảo luận về cơ hội cũng như thách thức với hệ thống bán lẻ trong nước. Ảnh: Hương Lan.

Các diễn giả tập trung thảo luận về cơ hội cũng như thách thức với hệ thống bán lẻ trong nước. Ảnh: Hương Lan.

Làm rõ thêm nội dung này, bà Đào Thanh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nghị định 57/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ đã quy định rõ những ưu đãi trong đầu tư chợ ở vùng nông thôn như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất; tập trung đất đai; tiếp cận tín dụng; chuyển giao công nghệ…

Các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng nằm trong diện ưu tiên của Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015, nhằm giảm khoảng cách phát triển so với các thành phố lớn.

Trong khi đó, với hạ tầng thương mại bán lẻ hiện đại ở thành phố lớn, bà Hương cho biết, ngân sách sẽ tập trung vào phát triển giao thông, điện, nước, hệ thống logistics…

TS Vương Quang Lượng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương bổ sung, rằng thị trường trong nước ngày càng hội nhập và có độ mở lớn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu.

"Thời gian tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội bắt kịp xu hướng thị trường thế giới và phát triển thêm năng động. Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tìm kiếm đối tác trong khu vực", ông Lượng bày tỏ và nhấn mạnh về cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển và tái định vị các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế, do tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn.

Chợ truyền thống là kênh bán hàng quan trọng, nhất là tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hà An.

Chợ truyền thống là kênh bán hàng quan trọng, nhất là tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hà An.

Nhận định về xu thế tương lai, ông Lượng tin rằng thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ, hạ tầng phục vụ thương mại điện tử cũng thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh.

Do đó, thói quen của người tiêu dùng cũng dần thay đổi, chi phí trong hoạt động thương mại sẽ ngày càng giảm xuống, đồng thời giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên thiết bị di động và qua các trang mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. 

Các khuyến nghị từ diễn đàn về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các công cụ phân tích dữ liệu trong quản lý chuỗi cung ứng... sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Công thương và các cơ quan nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước.

Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước, được khởi động từ năm nay, với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững”. Đây là một trong những hoạt động triển khai Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 26/12/2024: Quay đầu giảm trở lại

Sau phiên điều chỉnh, giá xăng dầu hôm nay 26/12/2024 đồng loạt giảm. Theo đó, mặt hàng xăng mất tới 460 đồng, còn giá dầu giảm nhẹ từ 100-260 đồng.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.