| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy thương mại trong nước, hỗ trợ xuất khẩu nông sản

Thứ Tư 14/08/2024 , 15:22 (GMT+7)

TP.HCM Các hiệp hội, nhà bán lẻ, doanh nghiệp đề xuất các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước, hỗ trợ xuất khẩu.

Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Tại buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ khu vực phía Nam, chiều 10/8, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho biết thị trường trong nước với 100 triệu dân, sức tiêu thụ rất lớn.

“Đây là chiến địa của chúng ta, nếu chúng ta không có giải pháp thúc đẩy được thương mại trong nước thì sẽ không tận dụng được cơ hội này”, ông Chinh nói.

Tại buổi làm việc, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà bán lẻ đều cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi chi phí logistics, nguyên vật liệu tăng cao, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng giảm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng cho sự thay đổi, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, đặc biệt, có khuynh hướng lựa chọn những sản phẩm hữu cơ, sản phẩm xanh, sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Vì vậy, ngoài việc tự thân mỗi doanh nghiệp, nhà bán lẻ đưa ra các giải pháp của mình để có được những sản phẩm tốt, chất lượng giá cả phải chăng, chương trình khuyến mãi... kích cầu tiêu dùng, cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, thì rất cần sự đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong vấn đề triển khai các vùng nguyên liệu lớn tập trung tại địa phương để thuận lợi trong việc thu mua nguồn hàng lớn, ổn định và đồng đều về chất lượng, đặc biệt là nông sản, sản phẩm OCOP...

Thực tế, thời gian qua, quy mô sản xuất của các địa phương có tăng lên nhưng quy mô thương mại, nhu cầu thị trường vẫn còn nhỏ, đây là khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất để đưa hàng hóa đến các nhà phân phối. Trong khi đó, các nhà phân phối khó khăn khi tìm nguồn hàng thu mua.

Các nhà bán lẻ kiến nghị, mỗi địa phương cần có một đơn vị (doanh nghiệp) đứng ra làm đầu mối, tập kết lại các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương, khi đó tiết giảm chi phí logictics, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giúp các nhà bán lẻ có thể thuận tiện trong việc thu mua nguồn hàng để phân phối tới tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Về việc thu mua các sản phẩm tươi sống, ông Trịnh Quang Khải, Giám đốc Pháp lý Bách Hóa Xanh cho rằng, đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn cung các sản phẩm này. Vì vậy, đơn vị mong muốn các tỉnh tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm chất lượng, để các đơn vị nhà bán lẻ có thể thu mua được các sản phẩm chất lượng của từng địa phương.

Các hệ thống bán lẻ mong muốn được thu mua các mặt hàng nông sản chất lượng của các địa phương với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Các hệ thống bán lẻ mong muốn được thu mua các mặt hàng nông sản chất lượng của các địa phương với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Đối ngoại Aeon Việt Nam, để có được giá tốt cho các sản phẩm trong toàn hệ thống, phục vụ người tiêu dùng trong nước, đơn vị đã liên kết với các nhà sản xuất, ký kết với số lượng nhất định và cam kết lượng tiêu thụ. Ngoài ra, kết hợp với nhà sản xuất địa phương để làm các sản phẩm nhãn hàng riêng, theo tiêu chuẩn của Aeon.

Bà Huệ cho biết thêm, ngoài việc tiêu thụ nông sản tươi, Aeon còn đóng gói, đông lạnh để có thể tiêu thụ được nông sản với số lượng lớn. Đặc biệt, trong năm 2023-2024 là thời điểm nông sản Việt Nam gây được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản và Hồng Kông. Trong đó, chuối Long An đã thay thế toàn bộ chuối Philippine tại hệ thống của Aeon ở Hồng Kông.

Đại diện Aeon Việt Nam cho rằng, để không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong nước, mà còn đáp ứng được các thị trường cao cấp nước ngoài thì các nhà sản xuất Việt Nam cũng cần hướng đến các sản phẩm xanh. "Tất cả sản phẩm xanh của Aeon được các nhà mua hàng Hồng Kông, Singapore truy lùng để mua", bà Huệ chia sẻ.

Bà Huỳnh Bích Thủy, Giám đốc phòng giao dịch Nhà cung cấp Liên Hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã làm rất tốt công tác hỗ trợ kết nối cung cầu. Tuy nhiên, cần có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất nhỏ lẻ có điều kiện để tham gia kết nối cung cầu đường dài, thay vì "đánh 1 trận là ngưng", khi không có đủ kinh phí, nguồn lực và cả kinh nghiệm.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Đề án "Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước". Trong đó, tập trung ở các giải pháp lâu dài, nhằm thúc đẩy thị trường trong nước, hỗ trợ xuất khẩu.

"Bộ Công thương tập trung đến các giải pháp như phát triển nguồn hàng, lấy thị trường trong nước và thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà bán buôn, bán lẻ để định hướng cho sản xuất trong nước.

Xác định khâu phân phối lưu thông, logistics là khâu hết sức quan trọng, giúp kết nối các nhà sản xuất với nhà bán buôn, bán lẻ, đưa hàng hóa đến cho người tiêu dùng. Chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất cao trong hoạt động phân phối. Nếu tổ chức tốt khâu phân phối, logistic có thể đưa hàng hóa sản xuất theo quy mô lớn, quy mô thương mại", ông Chinh nói.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Chuyến tham quan đặc biệt của 50 nông dân NESCAFÉ Plan xuất sắc

ĐỒNG NAI Nestlé Việt Nam tổ chức chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại Nhà máy Nestlé Trị An, truyền cảm hứng cho nông dân cùng thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.