| Hotline: 0983.970.780

Văn minh trồng lúa

Chủ Nhật 29/08/2021 , 08:20 (GMT+7)

Việc chuyển từ tỉa hạt lúa khô sang cấy mạ, từ phó mặc cho mưa nắng đến chủ động tưới tiêu có thể xem như là 'văn minh' đầu tiên trong văn hóa trồng lúa.

Kỹ thuật trồng duy nhất ở ĐBSCL

Văn hóa trồng lúa và ăn gạo đã có cách nay hàng ngàn năm tại khu vực châu Á. Vì vậy, những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng ĐBSCL mang theo văn hóa này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trải qua chỉ hơn ba trăm năm, mà nhiều kỹ thuật trồng lúa chỉ tìm thấy duy nhất ở ĐBSCL, thì chúng ta có thể tin là những người đi tiên phong đó đã dày công sáng tạo ra cách canh tác phù hợp với môi trường đặc biệt ở đây.

Bắt đầu từ chuyện xuống giống lúa, người canh tác trên các vùng cao phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa, thì xuống giống bằng cách tỉa hạt. Đất sau khi đốt dọn cỏ rác, chờ lúc trước khi mùa mưa đến, hạt lúa khô được gieo vào các lỗ, rồi lấp lại bằng tro hay đất xốp. Khi mưa đến, hạt lúa hút ẩm nẩy mầm và phát triển. Trong suốt quá trình canh tác hoàn toàn dựa vào nguồn nước mưa, gọi là “trồng lúa rẫy”.

Kỹ thuật sạ khô phổ biến ở vùng nhiễm mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kỹ thuật sạ khô phổ biến ở vùng nhiễm mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở những vùng mà có lượng nước chảy tràn trên mặt đất, thì ở vùng cao người ta làm ruộng bậc thang, ở đồng bằng làm ruộng có bờ bao. Lúa giống được gieo trước trên các nương mạ, rồi nhổ cấy xuống ruộng sau khi đã làm đất tơi xốp đủ ẩm, gọi là “trồng lúa nước”.

Trồng lúa rẫy thì tỉa hạt lúa khô và phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Vì vậy năm nào mưa thuận gió hòa thì lúa trúng, còn ngược lại thì thất trắng. Trồng lúa nước thì gieo mạ cấy và phần nào chủ động tưới tiêu, nên năng suất luôn cao hơn trồng lúa rẫy.

Việc chuyển từ tỉa hạt lúa khô sang cấy mạ, từ phó mặc cho mưa nắng đến chủ động tưới tiêu, có thể xem như là “văn minh” đầu tiên trong văn hóa trồng lúa.

ĐBSCL, nơi mà môi trường rất đa dạng, nước thì khi khô rang, khi lại ngập sâu bốn năm mét; khi thì nước ngọt đục ngầu phù sa, khi lại trong veo đầy phèn chua hay mặn chát. Đất thì có chỗ tơi xốp màu mỡ, có chỗ dầy đặc chất hữu cơ hay chặt cứng đất sét. Vì vậy mà kỹ thuật trồng lúa đã được thay đổi một cách ngoạn mục, tạo nên một “nền văn minh trồng lúa”!

Trên các vùng trồng lúa rẫy trước đây thì diện tích rất nhỏ, tỉa lúa tỏ ra phù hợp với công lao động gia đình. Bây giờ với diện tích rộng hàng chục héc-ta, tỉa lúa không còn phù hợp nữa nên kỹ thuật “sạ khô” đã ra đời.

Trong kỹ thuật này, đất được cày sớm phơi ải, chờ khi mùa mưa sắp tới đem lúa giống khô sạ thẳng vào đất rồi bừa lấp lại, để tránh thiệt hại do chim chuột. Khi có những cơn mưa đầu mùa, nước mưa làm ẩm đất, hạt nẩy mầm phát triển thành cây lúa. Đến khi mưa già thì cây lúa đã cao nên thích nghi được với mực nước ngập sâu.

Kỹ thuật sạ khô phổ biến ở vùng nhiễm mặn, khi đầu mùa mưa nước trong các kênh rạch là nước mặn nên không thể bơm lên ruộng để làm đất. Nhưng khi lúa đã lên rồi, thì lúc nầy mưa cũng nhiều hơn, nước trong các kênh rạch bắt đầu ngọt, vì vậy mà nếu không có mưa thì có thể bơm nước lên ruộng cho lúa.

Kỹ thuật sạ khô cũng được áp dụng cho vùng ngập sâu bốn năm mét trong mùa mưa. Ở đây người ta sử dụng giống lúa mùa nổi, là giống lúa có khả năng tăng trưởng đến hai tấc trong một ngày. Hạt lúa giống sau khi sạ khô cũng nhờ những cơn mưa đầu mùa giúp nẩy mầm và bám rễ sâu vào trong đất, để khi mùa nước nổi tràn về thì nước dâng cao đến đâu cây lúa cũng tăng trưởng theo đến đó. Đến khi nước rút, cây lúa dài bốn năm mét nằm rạp trên mặt đất, rồi mỗi mắt lên một chồi non và đơm bông kết trái.

Đốt rơm trên đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đốt rơm trên đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng kiểm soát được nước thì có kỹ thuật “sạ ướt” (sạ lan hay sạ hàng). Hạt lúa giống được ngâm ủ cho nẩy mầm rồi sạ vào đất đã được tiêu nước đánh bùn. Kỹ thuật này giúp hạt lúa bén rễ vào trong đất rất nhanh, chỉ sau một tuần lễ là cánh đồng xanh rì và có thể cho nước vào quản lý đến khi thu hoạch.

Nhưng có nơi mùa nước nổi đến sớm, vì vậy mà thời gian khô ráo không đủ để sản xuất và thu hoạch cho hai vụ lúa cao sản. Vì vậy mà người ta phát triển ra cách “sạ ngầm”. Kỹ thuật này áp dụng cho vùng ngập sâu.

Khi cuối mùa mưa, nước trên đồng chưa rút kịp, có nơi mực nước còn sâu đến nửa mét. Lúc này người ta bắt đầu vệ sinh đồng ruộng, chủ yếu là làm sạch rong rêu, rồi lúa giống được ngâm ủ cho vừa nứt nanh, trộn với phân lân nung chảy để ngừa cá và côn trùng nước phá hoại.

Rồi lúa giống được sạ chìm sâu vào trong nước, hạt lúa nẩy mầm dưới lớp nước sâu, cây lúa mảnh mai từ từ vươn lên mặt nước. Khi nước rút dần, thân lúa cũng cứng cáp hơn, đâm chồi đẻ nhánh và cho bông trái.

Tuy nhiên, có những vùng hoặc nước lũ hay nước mặn xâm nhập sớm, thì dù có sạ ngầm làm cho mùa lúa sớm hơn hai tới ba tuần lễ vẫn không đủ thời gian an toàn cho vụ lúa thứ hai. Vậy là người ta phát triển thêm kỹ thuật “sạ chai” hay “sạ gác”.

Sạ chai là khi thu hoạch vụ lúa thứ nhất thì rơm được rải đều trên mặt đất, chờ cho rơm khô trong một đến hai ngày rồi đốt. Lửa chỉ cháy xem xém nhưng cũng đủ giết chết gốc rạ, lúa rụng và côn trùng hay mầm bệnh của vụ lúa trước.

Sau đó sạ hạt lúa giống khô rồi bơm nước vào ruộng cho đủ ẩm và sau một đến hai tuần, lúa mọc lên khỏi gốc rạ thành vụ lúa mới. Sạ chai rút ngắn thêm thời gian làm đất của vụ lúa thứ hai thêm khoảng hai tuần lễ.

Nếu vùng đất không thể khô để đốt rơm rạ, thì người ta thay sạ chai bằng sạ gác. Tức là trước khi thu hoạch vụ lúa thứ nhất, hạt lúa giống khô được sạ thẳng vào ruộng lúa đang chín. Sau đó khi thu hoạch vụ lúa thứ nhất vừa xong thì hạt giống của vụ thứ hai cũng vừa ngoi lên khỏi gốc rạ.

Sạ gác thì lúa có độ thuần không cao, do các hạt lúa vụ trước rụng xuống và nảy mầm cùng lúa vụ sau. Vì vậy, chọn cách sạ gác thì giống lúa vụ sau phải có chiều cao tương đương và thời gian sinh trưởng sít soát với vụ trước, để tránh ruộng lúa có nhiều tầng và thời gian chín cũng sẽ cùng lúc.

Kỹ thuật sạ ngầm áp dụng cho những nơi mà mực nước hạ xuống từ từ. Còn những nơi mà cứ mưa xuống thì mực nước càng ngày càng dâng cao, ngay cả kỹ thuật trồng lúa nước bằng cách gieo mạ cấy cũng không thể áp dụng được, thì người ta áp dụng kỹ thuật “cấy hai lần”. Đầu tiên mạ được tỉa trên liếp cạn, rồi nhổ cấy xuống nước lần thứ nhất gọi là cấy giăm, sau đó mới bứng lên (bứng lúa cây) và đem cấy ra ruộng sản xuất lần thứ hai (cấy lúa cây).

Kỹ thuật này làm cho cây mạ buông lóng, cao giàn và cứng cáp hơn. Lúc cấy lần thứ hai, cây lúa có thể thích nghi với lớp nước trên ruộng đã sâu gần cả mét. Do đó, khi cấy lúa cây, để tránh cây lúa bị nổi lên mặt nước thì phải cấy sâu, các lóng đầu tiên bị vùi sâu nên không thể ra rễ và nhờ đã có nhiều lóng nên các mắt gần mặt đất sẽ mọc rễ và giúp cây lúa bám chặt vào trong đất.

Kỹ thuật sạ khô, sạ ướt (sạ lan hay sạ hàng) và cấy mạ được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia có trồng lúa trong khu vực Á châu. Nhưng kỹ thuật cấy lúa cây (cấy hai lần) có ở ĐBSCL và Ấn Độ và kỹ thuật sạ ngầm, sạ chai và sạ gác thì chỉ có ở ĐBSCL.

TS Dương Văn Ni. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

TS Dương Văn Ni. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lấy điều kiện đất, nước làm trung tâm

Có thể thấy ĐBSCL là nơi sáng tạo ra kỹ thuật trồng lúa nhiều hơn tất cả những nơi khác trên thế giới. Điều này góp phần giải thích cho quan điểm trồng lúa của người xưa là “lấy điều kiện đất, nước làm trung tâm”, để từ đó chọn giống lúa cho phù hợp, phát triển kỹ thuật canh tác cho tương xứng cũng như nông cụ hỗ trợ giúp tăng hiệu quả lao động.

Vì vậy, chỉ trong khoảng ba trăm năm, người dân ĐBSCL đã tuyển chọn hơn ba ngàn giống lúa mùa, phát triển hàng trăm kỹ thuật canh tác, hàng ngàn nông cụ phù hợp cho từng loại đất và từng con nước nhỏ hay con nước lớn.

Đáng tiếc là trong hàng chục năm qua, chúng ta đã có một cái nhìn hời hợt về nền văn minh trồng lúa đó, để chỉ chạy theo sản lượng lúa hàng năm và làm xáo trộn điều kiện đất, nước vốn đã từng được nâng niu gìn giữ qua hàng trăm năm của người xưa.

Rất may là NQ120 đã ra đời! Nghị quyết này thức tỉnh toàn xã hội là chúng ta đã tiến đến ngưỡng giới hạn của sự kiệt quệ môi trường đất nước tại ĐBSCL. Và chiến lược tái cấu trúc lại nền nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” được xem là trọng tâm của nghị quyết.

Thuận thiên, suy cho cùng đó là thuận với điều kiện đất nước của từng nơi, từng vùng để chọn cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác cho phù hợp. Đây chính là quan điểm trồng lúa của người xưa là lấy điều kiện đất, nước làm trung tâm.

Văn hóa trồng lúa và ăn gạo của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhưng môi trường tự nhiên sẽ thay đổi nhanh chóng, kể cả môi trường đất nước. Vì vậy, kỹ thuật trồng lúa cũng phải thay đổi theo là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu chúng ta sáng tạo ra hay du nhập một kỹ thuật mới nào đó, thì nhất thiết phải hiểu rõ điều kiện đất nước, đặc biệt là phải biết thừa kế vốn tri thức bản địa mà cha ông đã dày công chọn lọc trong hàng trăm năm qua. Nếu không thì những kỹ thuật mới đó dù có hiện đại đến đâu vẫn chưa thể gọi là văn minh!

TS Dương Văn Ni

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.