Những năm gần đây, tình trạng sử dụng phân gà tươi chưa qua xử lý bón vào gốc thanh long khi ra hoa gây mùi hôi, làm ảnh hưởng đến môi trường ở huyện Châu Thành (Long An) đã giảm hẳn. Ký ức về những vụ mùa thanh long ngạt thở đã dần qua đi, tuy nhiên vấn đề lạm dụng thuốc BVTV vẫn đang là thách thức trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương.
Cả huyện ngửi... phân gà
Ở thủ phủ trồng thanh long huyện Châu Thành, những ai đã từng trồng thanh long thì đều biết phân gà rất quen thuộc, có nguồn dinh dưỡng cao cho cây trồng. Chính vì vậy, việc nông dân sử dụng phân gà để bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, giúp thanh long luôn đầy đủ chất để cho những trái to nhất và đẹp nhất là rất phổ biến. Cũng vì thế mà những vụ mùa thanh long ngạt thở vì mùi hôi thối đã trở nên rất đỗi quen thuộc.
Một số nông dân vẫn lén lút sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long
Ông Nguyễn Văn Hồng (xã Hiệp Thạnh) phản ánh: Cách đây hơn 2 năm, tình trạng các nhà vườn trong huyện sử dụng nhiều loại phân tươi, nhất là phân gà để bón cho vườn thanh long khiến môi trường ô nhiễm kéo dài nhiều năm.
Đa số các nhà vườn đặt mua nguồn phân gà từ các tỉnh khác, có cả phân khô lẫn phân tươi đóng bao đưa về bón cho thanh long. Có hộ còn thuê vác bao phân gà tươi ra vườn rải trực tiếp vào gốc thanh long mà chẳng cần phải qua khâu xử lý ủ rồi mới bón.
“Mỗi khi đi ngang qua vườn thanh long vừa đổ phân gà xuống là ngửi thấy mùi hôi nồng nặc đến nghẹt thở. Mùa mưa thì nhớp nhúa, bẩn thỉu, nắng lên thì mùi bốc lên kinh khủng. Hộ nào có nhà bên cạnh vườn phải thường xuyên cửa đóng then cài, việc ăn miếng cơm, uống ngụm nước cũng không hề ngon miệng.Trong địa phương cũng đã có những trường hợp bị bệnh hô hấp, viêm nhiễm”, ông Hồng nói.
Ông Võ Văn Vấn, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Châu Thành cho biết: Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động, người trồng thanh long trong huyện cũng đã thay đổi nhận thức, không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long. Chỉ còn một số hộ cá biệt, nằm cách xa khu trung tâm dân cư mới lén lút bón phân.
Đại diện của Viện Cây ăn quả miền Nam đã có nhiều buổi gặp gỡ với nông dân các xã giải thích về bệnh đốm nâu, đốm trắng đang xuất hiện trên cây thanh long là do dân sử dụng phân gà tươi chưa qua xử lý, nên có nhiều loại vi khuẩn gây cháy dây và trái thanh long bị đốm. Việc bón phân gà tươi cho cây thanh long cũng không làm tăng năng suất nên người dân đã dần bỏ được thói quen này. |
“Bây giờ, hộ dân nào sử dụng phân gà tươi bón cho thanh long là bị các hộ khác thưa ra chính quyền xã, bị lập biên bản xử phạt ngay. Do đó, vấn nạn ô nhiễm không khí do phân gà tươi gây dường như đã được giải quyết”, ông Vấn cho biết.
Hết phân gà đến thuốc trừ sâu bệnh
Hết tình trạng dùng phân gà, bà con trồng thanh long lại lạm dụng thuốc BVTV. Theo ông Vấn, thanh long là loại cây trồng sử dụng nhiều các loại thuốc để phòng trừ dịch bệnh. Hiện người nông dân sử dụng các loại thuốc không tuân theo bất cứ khuyến cáo nào của cơ quan chức năng.
Lão nông trồng thanh long Trần Thanh Hiền, xã Dương Xuân Hội cho hay hễ cứ thấy thanh long có biểu hiện bệnh là chạy đôn chạy đáo mua thuốc về phun xịt. Có những loại thuốc chỉ cần một gói nhỏ đã hòa đủ một bình xịt nhưng nông dân sẵn sàng tăng gấp 5 – 10 lần liều lượng theo quy định, thậm chí trộn thêm vài loại thuốc khác.
Đơn cử như việc vuốt tai cho trái thanh long, một gói Thiên Nông có thể pha 200 lít nước, tương đương với 1 thìa cà phê pha đủ một bình xịt thì nông dân lại pha tới 2 gói chỉ trong 1 lít nước. Đấy là chưa kể họ trộn thêm thuốc rồi đem vuốt tai cho thanh long.
Đặc biệt, trước ngày thu hoạch nếu thương lái yêu cầu thì nhà vườn vẫn phun các loại thuốc để tăng độ bóng bẩy của trái thanh long.
Các mô hình sản xuất thanh long sạch, thân thiện với môi trường đang được nông dân nhân rộng
Theo ông Hiền, muốn có trái thanh long đẹp, nông dân phải vuốt tai hai lần tới lúc thu hoạch. Để không bị thuốc dính vào da, nông dân dùng tới hai lớp găng tay cao su nhưng vẫn chưa an tâm.
Việc lạm dụng các loại thuốc BVTV đã khiến cho môi trường không khí ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong không khí, đất, nước là đáng báo động. Đặc biệt, đa số các hộ dân đều sử dụng nguồn nước ngầm tự nhiên để sinh hoạt nên rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Dù lo lắng cho sức khỏe của chính mình, nhưng nông dân trồng thanh long ở Châu Thành coi đó như là cái nghiệp, họ sẵn sàng chấp nhận đánh đổi.