| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn tên thuốc bảo vệ thực vật

Thứ Sáu 05/06/2020 , 08:00 (GMT+7)

Nhiều năm qua, NNVN đã phản ánh về “ma trận thuốc BVTV” với những tồn tại bất cập trong lĩnh vực này. Tình trạng đó vẫn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn.

Nông dân chỉ biết đến tên tự đặt là Sát thủ, Không lực chứ không thể biết tên đăng ký của sản phẩm (khoanh đỏ).

Nông dân chỉ biết đến tên tự đặt là Sát thủ, Không lực chứ không thể biết tên đăng ký của sản phẩm (khoanh đỏ).

Trước đây, chủ yếu các sản phẩm được đặt tên và mẫu mã gần giống nhãn hàng nổi tiếng, rồi bán với giá tương đương hoặc cao hơn, dễ khiến người nông dân nhầm lẫn.

Hiện nay, ma trận này tiếp tục diễn ra một cách tinh vi qua hình thức “tên phụ thành tên chính và tên chính thành tên phụ”. Tức là một sản phẩm đã được đăng ký, các đơn vị lách luật sản xuất với nhiều nhãn mác, tên gọi khác nhau.

Điều đáng nói ở đây là các cơ quan chức năng dường như làm ngơ với việc quản lý nhãn mác này. Gọi là tên phụ, nhưng chúng được in to, rõ và chủ đạo đi kèm hình ảnh minh họa nổi bật trên nhãn mác.

Còn tên chính thức của sản phẩm được đăng ký thì in nhỏ, mờ ở một góc nào đó như một thông tin phụ của sản phẩm. Thành ra nông dân chỉ biết đến tên doanh nghiệp tự đặt mà không hề biết tên đăng ký với cơ quan quản lý là gì.

Kết quả, một sản phẩm được đăng ký “hô biến” thành nhiều sản phẩm khác nhau. Mỗi sản phẩm biến tướng này thường được cung cấp độc quyền cho một đơn vị cung ứng, thậm chí cả các đại lý bán lẻ.

Và thực tế cùng một lượng tương đương, mỗi nhãn mác chúng được bán với giá khác nhau, đánh lừa người tiêu dùng. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm.

Lách luật “nhân bản” tên thuốc bảo vệ thực vật

Không biết, từ bao giờ thuốc BVTV tại Việt Nam lại có hai tên?

Chia sẻ với chúng tôi, đại lý Văn Cương, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Vài năm trở lại đây, việc các đại lý yêu cầu đặt tên nhãn hiệu riêng cho sản phẩm thuốc BVTV vô cùng đơn giản.

Chỉ cần đặt lô hàng khoảng 50 kiện thuốc BVTV với công ty nào đó, muốn đặt tên gì, nhãn mác như thế nào, thậm chí đưa cả ảnh đại lý vào bao bì thuốc BVTV cũng được. Khoảng 4 ngày sau khi đặt nhãn mác là thuốc về đến cửa hàng, bao bì đẹp đúng ý, không chê vào đâu được”.

Đại lý Mạnh Cường, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, chia sẻ: "Cửa hàng nhà tôi là một trong số rất ít đại lý không kinh doanh các sản phẩm đặt lại tên. Theo tôi biết, tình trạng đại lý thuốc BVTV ở miền Bắc kinh doanh các sản phẩm có 2 tên nở rộ hơn bao giờ hết. Có tới hàng trăm hàng ngàn các sản phẩm kiểu này".

Vì sao phải đặt tên phụ to hơn tên chính? Vì tên chính đã đăng ký với Cục Bảo vệ Thực vật thì không đổi được, nhưng tên phụ và hình ảnh thì đổi thoải mái. Khi sản phẩm chất lượng kém bị nông dân tẩy chay, các công ty có thể đổi tên phụ và hình ảnh, từ đó đánh lừa nông dân đây là sản phẩm mới.

Trong vai nhân viên tìm hiểu thị trường, chúng tôi đến thăm 5 đại lý bán lẻ quanh khu vực Hà Nội, Vĩnh Phúc và thực sự giật mình khi thấy tình trạng trăm hoa đua nở các loại thuốc kiểu này.

Ví như:

Siêu sâu (tên đăng ký là Kilsect 10EC), Siêu khủng (tên đăng ký là Golnitor 50WG), Cọp gầm (Hahamec 3.6EC), Siêu trừ rầy (Asmai 10WP), Xà Tinh (Mã Lục 40WP), Tôn Ngộ Không(VNI-Aceta 20SP), Siêu Bồ Nông (Sieumai 700WP), Vua diệt nấm (Eifelgold 721WP), Thần Tiễn (Danobul 50WG), Tên lửa (Caymagold 36WP), Chim cắt bắt sâu (Actatin 150SC), Rồng Xanh (Quiluxny 8.0WG), Dũng sĩ diệt nhện (Sword 60EC), Diệt sạch nhện (Chitin 3.6EC), Hổ Vàng (Wotac 5EC), Vua diệt nhện (Filida super 210 EC), Siêu diệt nhện (Emaben 0.2EC).

Có những sản phẩm sản xuất thì tại Trung Quốc nhưng vẫn được ghi cái tên rất khác như Đạo ôn Canada (tên đăng ký: Antimer-so 80WP), Đạo ôn Nhật (tên đăng ký: Nano gold 555SC), rồi thì Azotop Japan, Obama, Nhện chúa, Siêu nhện, Sạch rầy, Bọ Cạp, Đại Bàng, Ếch Xanh, Ếch độc, Bách bệnh, Siêu phá tổ, Siêu sạch rầy, Bom tấn, v.v.

Nhiều sản phẩm phân bón lá cũng học theo và đặt những cái tên rất hót như Vua Phong Lan (tên chính là HD55), Siêu Kali Mỹ (HD22), Siêu Lân, Siêu Bo, Siêu Mage… Đến những người bán hàng lâu năm cũng không thể đếm nổi có bao nhiêu sản phẩm kiểu này.

Các tên nhân bản nghe rất xuôi tai kèm theo hình ảnh minh họa cụ thể và nhãn mác màu mè bắt mắt. Trong “Nguyên tắc hành xử của FAO” về đặt tên và nhãn mác BVTV, đó là một điều cấm kỵ, vì nó vô tình kích thích lạm dụng thuốc BVTV.

Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Vĩ, một trong những cán bộ đã về hưu của trạm BVTV Hải Hậu, Nam Định, chia sẻ: “Thị trường quả là hỗn loạn, từ 1 tên chính, các công ty có thể thay đổi tên phụ, nhãn mác liên tục qua các vụ, hoặc tách thành nhiều nhãn mác, tên phụ. Đến nhiều cán bộ nông nghiệp cũng không phân biệt được đâu là tên thật, đâu là tên đặt thêm chứ nói gì tới nông dân.

Nào là thuốc Obama, thuốc Donald Trump, Tomahoc, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, thuốc Nhật Bản, thuốc Thụy Sĩ, cái gì cũng có. Mà đến nay hình như ngành BVTV vẫn chưa hề có quy định, hướng dẫn nào để quản lý vấn đề này. Xem ra nông dân vẫn còn phải khổ dài dài nữa với thuốc BVTV”.

Một loạt các thuốc BVTV được đặt thêm tên. Có hàng nghìn sản phẩm kiểu này trên thị trường.

Một loạt các thuốc BVTV được đặt thêm tên. Có hàng nghìn sản phẩm kiểu này trên thị trường.

Độc quyền nhãn mác “nhân bản”, độc quyền giá, kê giá kiếm lời

Khi được hỏi tại sao các đại lý bán thuốc BVTV lại thích bán các sản phẩm hai tên đến vậy, hai đại lý ở Lục Ngạn, Bắc Giang, là N.V.H (ở xã Tân Sơn) và N.T.T (ở xã Hồng Giang) chia sẻ: “Thời điểm này, các đại lý chỉ bán hàng đúng nhãn mác như chúng tôi rất ít. Cứ 10 nhà thì có tới 9 nhà thích bán sản phẩm được đặt thêm tên thuốc mới.

Không phải vì tên đó hay, mà vì điều đó giúp tách một tên thuốc được đăng kí thành nhiều nhãn hiệu, mỗi đại lý bán lẻ sẽ độc quyền một nhãn. Qua đó tha hồ kê giá, kiếm lời mà không sợ “đụng hàng” với ai”.

Hai đại lý này chia sẻ thêm, các đại lý bán lẻ lớn và đại lý cấp 1 tại Bắc Giang ai cũng có lô hàng độc quyền với nhãn hiệu riêng biệt. Chỉ việc yêu cầu công ty tách tên, thiết kế nhãn mác riêng cho mình là xong.

Ví dụ, từ sản phẩm Athuoc Top 460SC công ty ADI có thể tách ra thành một số nhãn hiệu như Sư tử đỏ, Ông Mặt Trời… Từ sản phẩm Toplusa 450SC công ty Vipes Việt Nam tách thành tận 17 nhãn hiệu khác nhau như Cò Trắng, Hươu Sa Mạc, Ếch Xanh, Tôm Hùm, Chim Hoàng Yến, Cá Heo…

Rồi còn rất nhiều, rất nhiều các sản phẩm khác cũng được tách tên, tách nhãn mác tương tự như Mã Lục 400WP, Aselo 680EC, Efigo 330SC…

Hàng loạt nhãn hiệu thuốc khác nhau của một sản phẩm. (Trong ảnh: Sản phẩm Toplusa 450SC biến thành nhiều sản phẩm với tên phụ khác nhau).

Hàng loạt nhãn hiệu thuốc khác nhau của một sản phẩm. (Trong ảnh: Sản phẩm Toplusa 450SC biến thành nhiều sản phẩm với tên phụ khác nhau).

Gánh nặng đổ lên đầu nông dân, cơ quan thuế “bó tay”

Cùng một sản phẩm được đăng ký, nhưng với nhiều tên phụ, nhãn mác khác nhau, giá tiền cũng khác nhau mặc dù cùng quy đổi một lượng thuốc tương đương.

Giá được định bởi người đặt hàng theo nhãn mác, không phải theo chất lượng sản phẩm, cũng không phải theo giá niêm yết của công ty với cơ quan tài chính.

Thành ra nông dân thì mất tiền không đáng có, cơ quan tài chính thì chỉ thu được phần thuế dựa trên giá hóa đơn công ty xuất ra và thấp hơn nhiều lần so với giá bán đến bà con nông dân.

Có thể thấy, chiêu “bình cũ rượu mới” này đã móc tiền túi nông dân một cách tinh vi, đồng thời cũng qua mặc cơ quan quản lý vật giá và thuế dễ dàng.

Người nông dân không chỉ mất tiền, mà còn tăng nguy cơ mất mùa khi có thể mua phải các sản phẩm chất lượng kém hoặc do sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần một loại thuốc (tên nhãn khác nhau) - điều có thể dẫn đến tính kháng của dịch hại.

Khó khăn với người nông dân

Trước thực tế hỗn loạn của thị trường thuốc BVTV, đa số nông dân vẫn lệ thuộc vào đại lý bán thuốc, rất ít người có thể tự chủ được trong việc sử dụng thuốc hợp lí.

Nông dân Nguyễn Văn Huyên, một trong những nhà vườn lớn, nổi tiếng tại xã Phì Điền, Lục Ngạn, chia sẻ: Đã từ lâu ông và số ít nhà vườn lớn không bao giờ dùng các sản phẩm đặt lại tên vì thông thường chất lượng của chúng chỉ ở mức trung bình.

Tuy nhiên số lượng nhà vườn hiểu biết thì rất ít, phần lớn khi ra cửa hàng bà con vẫn lệ thuộc vào đại lý, họ đưa gì thì biết vậy, phun không khỏi bệnh, ra thắc mắc thì họ lại bán cho thuốc khác. Mà đại lý tốt thì ít, đại lý ham lời thì nhiều. Mấy loại thuốc kém chất lượng, bao bì hấp dẫn bán siêu lợi nhuận thì đại lý nào chẳng thích.

"Thị trường thuốc BVTV đang hỗn loạn. Khi mua thuốc BVTV mà cứ nhìn bao bì hấp dẫn hoặc nghe đại lý quảng cáo thì chỉ có chết. Nông dân phải tự cứu mình thôi", ông Huyên nói.

Cần có pháp chế quản lý vấn đề này

Đi thăm thêm gần 20 đại lý khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, chúng tôi mới thấy việc chia tách tên thuốc, nhãn mác để bán hàng kiếm lời quả thật rất phổ biến.

Hiện tại, như trong danh mục thuốc BVTV năm 2018 có tới hơn 4.000 tên thuốc được đăng ký, nếu mỗi sản phẩm tách thành mười mấy, hai mươi tên khác nhau, thì tổng số sản phẩm trên thị trường là bao nhiêu?

Sản phẩm nào cũng đẩy giá kiếm lời thì mỗi năm nông dân sẽ phải mất bao nhiêu tiền không đáng có cho thuốc BVTV?

Nếu vẫn còn tình trạng tên phụ to hơn tên chính, hình ảnh bao bì hấp dẫn và sau mỗi vụ, công ty lại đổi tên phụ, nhãn mác một lần thì làm thế nào nông dân có thể tránh được những sản phẩm chất lượng kém tràn lan trên thị trường?

Các cơ quan Nhà nước liệu có biết việc này? Làm thế nào để quản lý một số lượng nhãn hàng thuốc BVTV lên đến hàng chục ngàn nhãn mác sản phẩm như vậy? Hy vọng trong tương lai, chúng ta cần có pháp chế quản lý nhãn mác thuốc BVTV vật để cứu người nông dân bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.