| Hotline: 0983.970.780

Vang xa thương hiệu đường thốt nốt

Thứ Ba 16/09/2014 , 09:41 (GMT+7)

Từ lâu, đường thốt nốt vùng Bảy Núi (An Giang) đã nổi tiếng với hương vị thơm, ngon và nguyên chất của “trái cây thiên nhiên”. 

Nhờ loại đặc sản này mà nhiều người dân nơi đây có cuộc sống ổn định. Thương hiệu đường thốt nốt cũng vang xa đi nhiều nước.

Cây thốt nốt trồng tập trung chủ yếu ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Loại cây này chịu hạn và thích nghi rất tốt với vùng đất Bảy Núi. Nhờ nó mà bà con xứ này đã “bám trụ” để duy trì cuộc sống. Nhiều người từ nghèo khó, vất vả đến nay đã có nhà cửa ổn định hơn, lao động nông thôn có việc làm và duy trì nghề trồng thốt nốt từ vài chục năm nay.

Ông Chau Dư, 55 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cho biết, lúc trước còn nghèo khó, nhà ông chỉ trồng chừng 10 cây thốt nốt leo lấy nước nấu đường, qua thời gian gia đình trồng thêm nên giờ đã được 30 cây, hàng ngày ông nấu đường thốt nốt kiếm tiền lo cho các con ăn học. Hiện giờ gia đình ông đã có cuộc sống khấm khá hơn trước.

Ông cho biết, cực nhất là lúc leo lên cây cắt bông rồi ép ra nước và lúc “thắng" thành đường (nấu đường) nhưng kể ra cũng không quá vất vả nếu so với các nghề khác. “Ở đây chỉ có nấu đường bán thôi, chứ đâu làm gì ra tiền, nói vậy mà gia đình tôi sống được lắm. Tất cả nhờ cây thốt nốt đấy", ông Dư vui vẻ nói.

Thốt nốt giờ trở thành cây chủ lực của hai huyện nghèo Tịnh Biên và Tri Tôn, vì bà con vùng Bảy Núi không chỉ biết lấy nước SX đường bán, XK mà còn sử dụng trái thốt nốt và nước (có vị ngọt tự nhiên) đem bán ven các tuyến đường phục vụ du khách gần xa khi đến tham quan An Giang.

Còn chị Kim Thị Hoa, 33 tuổi (người dân tộc Khmer), ngụ ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên cho biết, hai vợ chồng chị quê ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh về đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng, lúc đầu chỉ biết làm thuê làm mướn.

Đến năm 2005, nghe theo bà con mướn thốt nốt để nấu đường, nhờ vậy mà cuộc sống khá giả hơn trước. Hiện chồng chị đã mướn được 50 cây thốt nốt (100.000đ/cây/năm) để leo lấy nước nấu đường. Bình quân, nếu vào lúc cao điểm của mùa đường có thể kiếm được 30 – 50kg đường/ngày, giá đường dao động từ 15 – 20.000đ/kg tùy chất lượng đường.

“Vợ chồng tôi chỉ nhờ đường thốt nốt thôi, không làm gì ra tiền hết, nhờ vậy cũng nuôi được 3 con ăn học đến giờ đó!” – chị Hoa nói.

Để duy trì và phát triển làng nghề chế biến đường, từ năm 2011 cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) được tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống, có 250 hộ tham gia sản xuất. Hiện cơ sở với 25 công nhân tham gia làm các công đoạn: Nấu đường, đổ đường vào khuôn, gỡ đường từ khuôn ra và đóng gói bao bì.

Ông Đoàn Văn Phóng – chủ cơ sở cho biết, mỗi ngày các hộ trong làng nghề sản xuất ra 7,5 tấn đường thốt nốt (dạng đường chảy), cơ sở chỉ thu mua 2 tấn, số còn lại do bà con bán cho các thương lái ở các tỉnh, thành khác. Sau đó ông lấy đường này nấu lại và chế biến thành phẩm hoàn chỉnh được 1,5 tấn đường (tán đường có bao bì, nhãn mác của cơ sở) rồi giao cho các thương lái khắp nơi trong cả nước.

Về XK thì cứ 2 tháng cơ sở xuất sang các nước trên thế giới 3 – 4 tấn đường. “Hiện giờ đường thốt nốt đã XK đi nhiều nước nên nhiều người biết đến miền Tây cũng qua đặc sản đường thốt nốt. Điều quan trọng là đường thốt nốt đã giúp bà con có thu nhập, việc làm ổn định và cải thiện đời sống bà con Khmer trong vùng”, ông Phóng nói.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dabaco đạt lợi nhuận trước thuế 857 tỷ đồng

Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2024 ước đạt 857 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

Hà Nội sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng số vốn 30.000 tỷ đồng

Hai cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng sẽ khởi công năm 2025, tổng đầu tư 30.000 tỷ đồng.