Sáng 22/3, tại đình Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhân dân địa phương đã tổ chức di dời các hiện vật như hương án đá, đèn đá, nhan án, lư hương đặc biệt là đôi sư tử kiểu Trung Quốc ra khỏi đình, trả lại cảnh quan di tích văn hóa lịch sử được nguyên trạng như buổi đầu.
Trong khi chưa tìm được nơi tập kết xử lý các tượng sư tử ngoai lại thì cặp tượng này được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ nhận mang về xưởng để nghiên cứu chuyển đổi sang các sản phẩm thủ công khác.
Đình Hồi Quan là một trong những ngôi đình Việt tiêu biểu giai đoạn thế kỷ 16-18. Có tấm lòng với quê hương, năm 2011, hội đồng niên sinh năm 1979 và 1982 của địa phương đã phát tâm công đức cúng tiến vào, bày đặt trước đình làng đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc cùng một số hương án.
Theo Luật Di sản, những nơi thờ tự đã được xếp hạng như đình Hồi Quan thì những hiện vật mới muốn đưa vào phải được cấp phép nhưng cũng như những nơi khác, chỉ cần được các thí chủ nhiệt tâm cung tiến là chúng được nghiễm nhiên hiện diện.
Theo ông Dương Đình Lực, trưởng thôn Tương Giang, sau khi được phổ biến công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL, người dân địa phương rất muốn di dời các đồ cúng tiến này ra khỏi đình, nhưng vì lo ngại vấn đề tâm linh và không biết di dời đi đâu, nên việc này vẫn chưa được triển khai.
Không chỉ riêng đình Hồi Quan ở xã Tương Giang, Bắc Ninh, đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương bị vướng mắc.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đánh giá cao việc chủ động triển khai công văn 2662 của các cộng đồng trong dân cư ở các tỉnh, thành phố.
Bà Liên khẳng định: “Tôi cho đây là biểu hiện nhận thức, cũng như là từ nhận thức đến hành động và được tổ chức một cách đầy đủ. Bà con, cộng đồng dân cư và một số doanh nghiệp và tổ chức xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa công tác bảo tồn văn hóa, đặc biệt là tại các di sản văn hóa đã xếp hạng”.
Không chỉ gắn với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, linh vật tại các di tích còn là bản sắc văn hóa dân tộc, là tâm hồn của tổ tiên gửi lại cho mai sau.
Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến một sự đứt gãy kinh ngạc, một sự nhầm lẫn đáng báo động trong dân chúng. Đó là việc nhầm lẫn sư tử đá kiểu Trung Quốc thành nghê truyền thống của Việt Nam.
Vì thế, người dân mang linh vật ngoại lai đem phát tâm cung tiến “trấn yểm” la liệt khắp nơi trong đình chùa, đặt trước cửa nhà mình, doanh nghiệp, công sở… thậm chí còn đặt trên bệ thờ!
Một nhà sư ở chùa Vân Hồ ngay trung tâm Hà Nội đã khẳng định như đinh đóng cột về đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc “án ngữ” trước cửa chùa rằng đây là con nghê truyền thống Việt Nam. Nghệ nhân, người thợ ở các làng đá lớn nhỏ trong cả nước và khách hàng của họ cũng đều có chung suy nghĩ như thế.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho rằng, sư tử đá kiểu Trung Quốc với tạo hình gân guốc, dữ dằn đầy vẻ hăm dọa hoàn toàn không hợp với tinh thần văn hóa Phật giáo truyền thống của Việt Nam.
Với nhà riêng và Cty, người dân có thể mang sư tử đá kiểu Trung Quốc trấn trước cửa nhưng điều quan trọng là họ phải biết rõ nguồn gốc và giá trị sử dụng chứ không nên nhầm lẫn đó là con nghê truyền thống Việt Nam và ngỡ rằng mình đang phát huy truyền thống nước nhà.
Cơ quan, trụ sở công quyền thì càng không nên sử dụng những loại sư tử dữ dằn vì với hình thái hung dữ, nhe nanh đe doạ như vậy khiến cơ quan nhà nước trở nên xa rời nhân dân.