Xuất phát từ ý tưởng liều lĩnh của một người trẻ, hiện Vr3d.vn đang trên đường trở thành tổng kho di sản của Việt Nam.
“Ngân hàng số” linh vật
Trên website này, hàng trăm mẫu linh vật Việt đã được số hóa 3D cùng những thông tin liên quan. Nhưng ít ai biết, chủ nhân “bảo tàng” - Nguyễn Trí Quang lại là một chàng trai mới 17 tuổi.
Quang kể: “Khi xem triển lãm “Hình tượng nghê và sư tử trong điêu khắc cổ Việt Nam” (11/2014), tôi thấy những triển lãm thực tế như vậy bị giới hạn bởi phạm vi không gian và thời gian, không thể phổ biến rộng rãi. Ý tưởng về một “ngân hàng số” linh vật ở dạng 3D đã hình thành từ đó. Còn việc kiếm tư liệu thì quá dễ, tôi là con nhà nòi về điêu khắc mà”.
Sau hơn 2 tháng lên kế hoạch và dựng hình tư liệu, hiện “bảo tàng” của Quang đã có hơn 100 hiện vật. Hình ảnh những linh vật được quét bằng công nghệ VR3D chi tiết đến từng góc cạnh, đường nét, hoa văn.
“Lúc đầu tôi phân vân giữa việc sử dụng 3D thường và VR3D. Nhưng mong muốn đưa lại những chi tiết thật nhất đến với công chúng đã khiến tôi mạnh dạn chọn VR3D, mặc dù rất mất công. Có khi quét xong một hiện vật đã mất cả ngày trời. Nhưng bù lại, màu sắc và kích cỡ đạt chuẩn chính xác nhất. Ngay cả những vết bụi, những vết rêu phong trên linh vật đều được giữ nguyên vẹn”, Trí Quang chia sẻ thêm.
Ngoài ra, người xem có thể tùy ý tương tác với hiện vật trên trang web để có cái nhìn đa chiều nhất. Chàng trai trẻ này đã tối ưu hóa những bản sao để người xem có thể xem, lật, xoay các hiện vật ở mọi góc độ, trên mọi phương tiện số như điện thoại, iPad, máy tính...
Ông Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá Vr3d.vn đang trở thành một bảo tàng online chính thức cho giới nghiên cứu cổ vật Việt Nam.
Một sản phẩm được số hóa 3D
Theo thông tin từ chủ nhân Vr3d.vn, website này vừa bổ sung thành công phần mềm tích hợp công cụ đo tỉ lệ, kích thước từng chi tiết của linh vật, giúp các nghệ nhân có thể tính toán được kích thước tương ứng khi phục dựng hay tạc tượng. |
“Tuy mới manh nha hình thành, nhưng trang web này đã mang lại cho người xem cái nhìn bao quát về các hình tượng linh vật Việt ở nhiều niên đại lịch sử. Đặc biệt hơn, hiện vật rất sống động chứ không phải là những trang viết khô khan. Nhiều hiện vật có giá trị rất cao, như hình ảnh về sư tử chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) là phiên bản gốc, đẹp đến từng vết rạn nhỏ. Cũng pho tượng đó trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật lại chỉ là phiên bản”, ông Tiến chia sẻ.
Lạc quan với tổng kho di sản
Ý tưởng về việc thành lập một bảo tàng cổ vật online đã được giới nghiên cứu manh nha từ lâu. Sự xuất hiện với tần suất dày đặc của hiện vật ngoại lai vào không gian văn hóa Việt vốn gây bức xúc dư luận, xa hơn nữa là mất đi nét văn hóa thuần Việt. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến của người trong giới đề xuất thành lập một bảo tàng online chính thức cho cổ vật Việt Nam.
“Hiện nhận thức về di sản nghệ thuật đang bị thiếu sót nghiêm trọng. Cũng bởi công chúng thiếu cơ hội để tìm hiểu cặn kẽ về tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của hình tượng linh vật Việt.
Một vài hoạt động tăng cường nhận biết như triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” (11/2014) cũng không đủ để có cái nhìn tổng quan và thường xuyên. Ý tưởng của Trí Quang quá hay! Vấn đề bây giờ là hợp thức hóa và phát triển để có thể tiến tới một thư viện cổ vật đích thực”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, cố vấn cho dự án web Vr3d.vn lên tiếng.
Theo nhà nghiên cứu này, bảo tàng online sẽ không chỉ hoàn toàn là hình ảnh mà bổ sung thêm thông tin đầy đủ về lịch sử ra đời, chất liệu chế tác, cách thức tạo hình, ý nghĩa của linh vật. Ông hi vọng, đây sẽ là “kênh thông tin” để các nghệ nhân làng nghề chế tác tham khảo, tạo ra những sản phẩm thuần Việt.
Cùng quan điểm, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, có thể hoàn toàn lạc quan về ý tưởng xây dựng tổng kho di sản Việt Nam từ Vr3d.vn.