| Hotline: 0983.970.780

Về nơi giếng cả làng đều cạn

Chủ Nhật 23/06/2024 , 09:15 (GMT+7)

Quảng Bình Vào mùa nắng nóng năm nay, nhiều khu dân cư ở những địa bàn miền núi huyện Minh Hóa thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…

Ông Cao Văn Tuyên (thôn Bình Minh, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), cho hay: “Nhà tôi có cái giếng khoan sâu gần 70m, vậy mà mới qua đầu mùa hạn năm nay đóng điện máy bơm thấy đẩy lên nước toàn lợn cợn màu vôi đục chứ không còn nước trong như tháng trước nữa. Cả thôn đang lo lắng vì nguồn nước giếng khô cạn hết”.

Nắng nóng đã làm nhiều ao, hồ ở vùng miền núi huyện Minh Hóa cạn kiệt nước. Ảnh: T. Đức.

Nắng nóng đã làm nhiều ao, hồ ở vùng miền núi huyện Minh Hóa cạn kiệt nước. Ảnh: T. Đức.

Hàng ngàn giếng cạn trơ đáy…

Mới vào thời gian đầu mùa khô hạn năm nay đã có nhiều dự báo bất lợi về tình trạng thiếu nước. Tại các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), đã xảy ra tình trạng khô hạn đối với cây trồng và thiếu nước sinh hoạt cua người dân. Tại huyện miền núi Minh Hóa, khô hạn đã làm cho các diện tích ngô, lạc, đậu xanh…bị khô cháy.

Tại xã Trung Hóa, ngoài việc cây trồng bị khô cháy thì tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra khá nghiêm trọng. Theo ông Cao Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hóa cho hay, toàn xã có trên 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu sinh sống trong 6 thôn “Hiện cả 6 thôn cơ bản là đang thiếu nước sinh hoạt. Trong đó có các thôn như Liêm Hóa, Tiền Phong, Thanh Liêm…đang thiếu trầm trọng”, ông Chương cho biết.

Cũng theo ông Chương, theo thống kê sơ bộ ban đầu, vào đầu tháng 5, địa bàn xã Trung Hoá có đến 70% hộ bà con thiếu nước. “Hiện tại thì một số hộ dân có giếng khoan, dần dần họ khắc phục thì họ san sẻ cho nhau dùng cho việc ăn uống. Một số hộ không có nước dùng cho đủ thì họ ra khe, suối chở và thuê xe công nông chở về để làm nước sinh hoạt hàng ngày”, ông Chương nói thêm.

Nhiều giếng đào có độ sâu 20-30m đã bị cạn nước. Ảnh: T. Đức.

Nhiều giếng đào có độ sâu 20-30m đã bị cạn nước. Ảnh: T. Đức.

Chúng tôi về thôn Tiền Phong (xã Trung Hóa), nơi bà con đang lo lắng vì sắp tới không biết sẽ lấy nước sinh hoạt ở đâu. Theo bà Cao Thị Hoa Lý, trưởng thôn Tiền Phong thì người dân đang rất chật vật với nguồn nước sinh hoạt. “Người dân trong thôn đang dùng nước giếng, nhưng gần 400 giếng đào, giếng khoan ở đây đã cạn. Hàng trăm hộ dân đang phải chia nhau dùng nước của những giếng khoan có độ sâu hơn 50 mét. Nước ở những giếng còn lại này đang bị nhiễm phèn nặng”- bà Lý chia sẻ.

Thôn Liêm Hóa (xã Trung Hóa) cũng đang trong tình cảnh lo lắng. Ông Cao Thanh Nam, trưởng thôn Liêm Hóa cho hay, thôn có gần 420 hộ dân sinh sống trên vùng đất có nền đá vôi. Từ trước đến nay, bà con chủ yếu sử dụng nước giếng đào sâu khoảng 20m, hoặc gia đình có điều kiện thì sử dụng nước giếng khoan ở độ sâu hơn 30m. Đến nay, khoảng nửa số giếng đào đã có hiện tượng khô nước, số còn lại thì phải dùng dè sẻn chứ lấy nhiều là không đủ nước. “Những gia đình đang còn ít nước thì chia sẻ cho các gia đình đã cạn nước. Đó là giai đoạn đầu hè thôi. Nếu trời nắng nóng kéo dài thì cơ bản là nguồn nước giếng cạn hết, khi đó chắc chắn bà con phải sử dụng nước khe suối thôi”- ông Nam nói thêm.

Người dân xã Trung Hóa dùng máy cày chở nước từ suối Rào Nam cách khu dân cư khoảng 2km chở nước về dùng. Ảnh: T. Đức.

Người dân xã Trung Hóa dùng máy cày chở nước từ suối Rào Nam cách khu dân cư khoảng 2km chở nước về dùng. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo ông Nam thì người dân trong thôn cũng đang chuẩn bị các loại dụng cụ chứa nước để khi hạn hán kéo dài thì phải đi đến khe Rào Nam để lấy nước về dung. “Từ nơi ở của bà con đi đến khe Rào Nam tùy theo tuyến đường cũng dài từ 1-2km. Vậy nên khi phải dùng đến nước khe suối thì bà con lại quá vất vả. Nhiều khi mỗi nhà phải cắt cử 1 người chuyên chỉ đi lấy nước từ suối về mới đủ dùng trong ngày”- ông Nam băn khoăn nói.

Bỏ khoản tiền lớn để khoan giếng

Lo lắng nắng hạn kéo dài không có nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều hộ dân ở xã Trung Hóa đã phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn so với thu nhập của người dân để khoan giếng. Ông Cao Thanh Nam, trưởng thôn Liêm Hóa đã cho hay, trong những ngày đầu tháng 5 này, toàn thôn đã có hơn chục gia đình gọi thợ khoan giếng về để khoan sâu vào lòng đất lấy nước. Gia đình bà Cao Thị Thanh kêu đoàn thợ khoan về khoan trên mảnh ruộng gần sân nhà. Bà Thanh bảo, cũng gặp may nên giếng khoan để độ sâu hơn 30m là đã có nước mát phụt lên nên không khoan tiếp nữa. “Chi phí cho giếng khoan này là 20 triệu đồng. Nhà chỉ có được chục triệu, bí quá nên tôi phải đi vay thêm cho đủ. Không lẽ ngày nào cũng đi xin nước nhà hàng xóm. Mà đến khi giếng hàng xóm cạn nước thì cũng tội người ta.Vậy nên, có thiếu cũng phải cố”- bà Thanh bộc bạch.

Người dân phải vay tiền để đủ kinh phí khoan giếng lấy nước sử dụng. Ảnh: T. Nam.

Người dân phải vay tiền để đủ kinh phí khoan giếng lấy nước sử dụng. Ảnh: T. Nam.

Những gia đình có giếng khoan cũng mang nỗi lo cánh cánh. Ông Cao Văn Tuyết, nhà có điều kiện nhỉnh hơn chút thì đã kêu thợ khoan một giếng cách đây khoảng gần ba năm. Hai năm đầu, nước giếng khoan bơm thoải mái mà không thấy cạn nước. Vào năm nay, khi đấu điện bơm liên tục khoảng giờ đồng hồ là máy bơm nghe khục khặc và nước yếu hẳn đi nên ông phải ngắt điện. Tuần gần đây, máy bơm lấy nước cho mấy nhà hàng xóm cùng dùng thì cứ được khoảng mười phút là cạn nước. Cả ngày chỉ bơm được ba lần là hết và nước cũng chỉ đủ dùng dè sẻn cho ba nhà. “Nước cũng không được trong như trước mà có màu đục hơn. Khi nấu nước sôi để nguội thì thấy ở đáy ca đựng nước có lớp đục lắng cặn như nước vôi. Cũng sợ lắm, nhưng thiếu nước thì phải dùng thôi”- ông Tuyết nói trong e dè.

Gần nửa tháng nay, tổ khoan giềng của anh Cao Minh Thắng (ở xã Trung Hóa), cũng bận túi bụi. Người kêu khoan giếng nhiều nên việc cũng phải chia ca ra làm. Nhưng do vùng đất này nằm trên vùng đá vôi nên không phải khoan giếng nào cũng có nước. Những khi như vậy, anh Thắng lại đưa giàn khoan đi điểm khác để tiếp tục công việc. ‘Hợp đồng là khoan phải có nước mới đạt thỏa thuận đôi bên. Có nhà tôi phải khoan đến mũi thứ 3 mới có được nước đó. Khi ấy thì mong bà con có nước dùng thôi chứ công xá có lời lãi chi nữa. Bà con cũng đang khó khăn nên tôi cũng chọn giá cả phải chăng chứ không phải thừa lúc khó mà ép bà con. Có gia đình chưa đủ tiền trả tôi cũng cho nợ chậm mà”- anh Thắng cho hay.

Trong sự chia sẻ với người dân, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều giải pháp giúp người dân có nước sạch. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sạch của người dân vùng miền núi này vẫn đang là bài toán khó giải. Anh Cao Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hoá cho hay: “Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo lên trên huyện để xin chủ trương khắc phục. Hiện tại, trên địa bàn xã Trung Hoá chúng tôi có hai cái giếng dự phòng của quốc phòng, nếu xin phép được được thì chúng tôi sẽ dùng hai cái giếng đó để cung cấp cho người dân”.

Có được nước giếng khoan để dùng trong mùa khô hạn làm bà con vui mừng. Ảnh: T. Nam.

Có được nước giếng khoan để dùng trong mùa khô hạn làm bà con vui mừng. Ảnh: T. Nam.

Hiện nay, tại Quảng Bình, hàng chục nghìn hộ dân tại khu vực miền núi chủ yếu sử dụng nước tại các con đập nhỏ, các khe, suối tự chảy. Đầu mùa hè, nước khe suối cạn, nhiều thôn, bản lại xảy ra thiếu nước, nhiều hộ dân phải ra đầu nguồn sông Gianh, sông Long Đại và các nơi có nước để gánh nước về sinh hoạt, hoặc mua nước để dùng. Ngoài ra, còn có hàng ngàn hộ dân các xã ven biển của các xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), cũng đang trong tình trạng phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nặng. Chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều giải pháp giúp người dân có nước sạch. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sạch của người dân vùng miền núi hay vùng ven biển đang vẫn là bài toán khó giải.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay, các công trình cấp nước cho người dân chủ yếu là nhỏ lẻ. Cần đầu tư các công trình với quy mô lớn, tập trung lấy nguồn nước từ các hồ nước ngọt, các công trình thuỷ lợi mà có nguồn nước bền vững đề kết nối các công trình lại và để cấp nước đảm bảo an toàn hơn cho bà con. “Cần có các nguồn vốn để đầu tư một số công trình, các cụm công trình để đưa nước sạch về những vùng trọng điểm thì mới giải quyết được vấn đề cấp nước dân sinh cho những vùng khô hạn, vùng nhiễm phèn”- ông Nguyên mong muốn.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, ngày 25/9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

3 chiến lược giúp Vĩnh Hoàn ghi dấu ấn quốc tế trong lĩnh vực cá tra

Thương hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên hay logo, mà còn là cách mà sản phẩm cá tra được nhận diện và đón nhận nồng nhiệt trên thị trường.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.

Bình luận mới nhất