Khi đề cập đến xu thế tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch đang diễn ra mạnh mẽ tại cả châu Âu và châu Á, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho rằng, xu thế này góp phần nâng cao sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn không dẫn ra ví dụ cụ thể nhưng thực tế, điều này đã được chứng minh ở đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024. Một đội tuyển Việt Nam có và không có cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son đã cho thấy sự khác biệt về chất lượng, hiệu quả chơi bóng. Và sự xuất hiện của cầu thủ này đã giúp đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch tại giải đấu.
Tuy nhiên, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch tại các đội tuyển quốc gia của bóng đá Việt Nam cũng cần được cân nhắc cẩn trọng, nhằm bảo đảm vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa phát huy tối đa sức mạnh tập thể để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ và sự phù hợp với tiêu chí chuyên môn, văn hóa.
Ngoài ra, theo Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Quốc Tuấn, công tác đào tạo trẻ cũng cần được tiếp tục chú trọng đặc biệt. Các giải đấu lứa tuổi U9, U11, U15, U17 đến U21, đã được LĐBĐ Việt Nam chú trọng duy trì, phát triển, đặc biệt ở lứa tuổi từ U15 đến U21.
Đây được xem là giai đoạn “vàng” để các cầu thủ hoàn thiện tài năng và tích lũy kinh nghiệm. Các đội tuyển trẻ Việt Nam lứa tuổi này đã có cơ hội tập huấn và thi đấu giao hữu tại Nhật Bản, Qatar, Trung Quốc, Uzbekistan và nhiều quốc gia khác. Năm 2024, các đội từ U16 đến U19 đều được tham gia các giải đấu giao hữu chất lượng cao, đối đầu với những đội mạnh như Uzbekistan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo đại diện VFF, việc đầu tư cho bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ tạo được một nền móng vững chắc mà còn bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.