* Yên Nội không bình yên
PV NNVN về đây tác nghiệp bị dọa, nếu không cẩn thận thì… gãy xương sườn, bởi đã có những vụ ẩu đả trước đó. Chính quyền, người dân giằng co, hậu quả gần 1.000 mẫu ruộng bị bỏ hoang liền hai vụ, cỏ mọc đến đầu gối. Cánh đồng thẳng cánh cò bay giờ chỉ làm bãi thả vịt, nuôi bò, cá…
Những việc làm trái khoáy
Theo người dân Yên Nội, nơi này trở lên "quân hồi vô phèng" xuất phát từ những việc làm trái khoáy của đội ngũ lãnh đạo xã Đồng Quang.
Cụ thể, trong quá trình dồn điền đổi thửa xây dựng NTM, nhiều mảnh ruộng của người dân bị xã hớt đi phần đất màu đem bán. Thậm chí, có mảnh còn bị dùng máy múc, khoét sâu gần 4 m.
Nhiều diện tích đất bị múc đi lớp đất màu, thụt sâu gần nửa mét
Ruộng hóa thành ao, người dân không thể SX, bức xúc nảy sinh. Nhiều con mương sau khi chỉnh trang đồng ruộng biến thành những cái rãnh có khi… cao hơn mặt ruộng, khi trũng sâu như cái hố. Nước bơm vào tưới tiêu, mảnh bị ngập nặng, mảnh khô cằn như sân bóng.
Ông Nguyễn Duy Sáu, thôn Yên Nội bức xúc, riêng chuyện xã cho đắp mấy cái bờ mương đã cho thấy một sự phản khoa học, không quan tâm gì tới việc SX của người dân.
Thực tế trên cánh đồng, những con mương này mới được nạo vét, ngổn ngang đất. Mặt bờ mương được đắp tạm bằng một lớp đất nhão nhoét. Lòng mương lổn nhổn, đoạn thấp cao không đều.
“Đấy các chú xem, mương máng thế này thì tưới tiêu kiểu gì. Đổ nước một cái thì khu bị ngập trắng, khu không giọt nước. Chúng tôi không cày cấy được thì phản đối thôi”, ông Sáu phân trần.
Đi quá một đoạn, đập vào mắt chúng tôi là khoảnh ruộng bị giày xéo, nham nhở vết bánh máy xúc. Đây chính là phần ruộng đã bị lãnh đạo xã Đồng Quang thuê máy xúc, công nông về hớt lớp đầu màu đi bán.
Lượng đất sau đó được chuyển sang một xã bên cạnh, bán cho các hộ trồng cây cây cảnh, ăn quả.
So với những thửa ruộng bên cạnh, mặt bằng của khu này thụt hẳn xuống gần nửa mét. Nhiều người bức xúc, cười như mếu bảo, đúng là "chuyện trái khoáy trần đời có một" nay xuất hiện ở Yên Nội. Ruộng có mỗi lớp đất màu để cấy lúc thì bị múc đi, còn gì để cày với cấy.
Chưa ăn thua, người dân dẫn chúng tôi đi xem một chuyện “lạ” hơn ở Yên Nội. Một mảnh ruộng hai vụ lúa, một vụ màu của người dân sau dồn điền đổi thửa nay biến thành một cái hồ.
Chuyện “lạ”, sau dồn điền đổi thửa, ruộng biến thành ao nuôi cá
Theo tính toán của người dân Yên Nội, riêng vụ xuân vừa qua, họ đã bị thiệt hại khoảng 16.000 tấn thóc. Nhà nào nhà nấy, trong hòm, thóc chẳng còn một hạt mà phải đi ăn đong qua ngày. Thêm một mùa vụ nữa, không biết cuộc sống người dân sẽ ra sao. |
Một người dân từng lội xuống đáy ruộng và đo được mực nước sâu gần 4 m. Chủ nhân mảnh ruộng dở khóc dở cười, giờ chẳng lẽ viết đơn chuyển đổi sang nuôi cá.
Lệnh giới nghiêm!?
Để “lọt” được vào thôn Yên Nội gặp gỡ người dân, tôi nhận được rất nhiều lời đe dọa kiểu “không cẩn thận bị đánh gãy xương sườn như thằng hôm nọ”.
Con dường đê dẫn vào thôn, băng rôn khẩu hiệu phản đối chính quyền được người dân chăng kín. Mỗi con đường xuống đồng đều có một “chốt” canh gác. Sau màn “chào hỏi” bằng việc xuất trình giấy tờ, nơi làm việc, tôi mới được tác nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Xuân, người thôn Yên Nội giải thích, phải làm như thế vì sợ có người lạ mặt trà trộn vào quay phim, chụp ảnh.
Đã gần 1 tháng nay, ông Xuân và hàng chục người khác ăn, ngủ luôn tại chiếc chòi dẫn ra cánh đồng. Nhà ông Xuân có 3,2 sào ruộng cũng đã bỏ hoang cả năm nay để phản đối việc làm của xã Đồng Quang.
Mương máng được đắp tạm bợ, chỉ sau một trận mưa là sạt lở
“Dân nghèo chúng tôi chỉ sống nhờ ruộng đồng thôi. Nhưng thử hỏi, ruộng nương, mương máng như thế làm ao không được, ruộng cũng không xong thì cấy hái kiểu gì. Bây giờ chúng tôi chỉ yêu cầu xã làm lại mương máng, trả lại nguyên trạng đồng ruộng thì mới nhận cấy”, ông Xuân nói.
Còn ông Nguyễn Duy Sáu bùi ngùi, kể ra thì xót ruộng đồng lắm nhưng cũng đành. Yên Nội vốn được coi là vựa lúa ở Hà Tây (cũ). Thôn có 2.000 hộ dân với 9.000 nhân khẩu, canh tác khoảng gần 1.000 mẫu ruộng, thuộc loại lớn nhất xã, có khi lớn nhất huyện Quốc Oai.
Cũng bởi vậy, diện tích canh tác của thôn này chiếm tới ½ tổng diện tích SX toàn xã Đồng Quang.
Vụ xuân 2015, xã Đồng Quang báo cáo lên huyện Quốc Oai việc người dân bỏ 200 mẫu ruộng. Nhưng trên thực tế, đã hai vụ, 2.000 hộ dân không một nhà nào chịu nhận ruộng canh tác.
Tranh thủ, nhiều hộ mua vịt về thả rông khắp cánh đồng. Cỏ mọc khắp nơi, gần trăm con bò của thôn Yên Nội ăn không xuể.
“Lãnh đạo xã cũng đã nhận sẽ san lại mặt ruộng, làm lại mương máng nhưng bảo phải đến mùa khô mới làm được. Dân chúng tôi bây giờ không tin nữa rồi. Nếu cứ như này, có khi sang năm chúng tôi lại bỏ ruộng tiếp”, một người dân Yên Nội bức xúc. |
Một người dân chua xót bảo tôi: "Dân bỏ ruộng lại hay chú ạ, bò có cỏ mà ăn, vịt có chỗ mà kiếm mồi. Khéo mấy nữa Yên Nội là thành vùng nuôi vịt, nuôi bò phát triển nhất Hà Nội cũng nên".
Ông Sáu bảo, ruộng bỏ cả năm cỏ mọc tốt, giờ có nhận lại cấy cũng phải "cải tạo ốm" mới xong.
Bên cạnh chuyện dồn điền đổi thửa, người dân Yên Nội cũng đang đấu tranh đòi xã Đồng Quang chia lại đất đai. Chính quyền địa phương khất lần nữa, càng khiến người dân bức xúc.
Mới đây, UBND huyện Quốc Oai giao Phòng Kinh tế đưa máy cày cùng 1 tấn lúa giống về làm đất, thuyết phục người dân gieo cấy nhưng bất thành. Thậm chí, đã có sự đụng độ, xô xát giữa bà con với chính quyền địa phương.
Một người dân cho biết, "trước hôm tôi về, một người dân xã bên do hiếu kỳ đứng lại chụp ảnh bằng điện thoại liền bị đánh gãy xương sườn, hiện vẫn nằm viện".
Ruộng đồng thành nơi chăn thả vịt, nuôi bò
Về việc có chia lại đất cho người dân hay không, UBND huyện Quốc Oai cho biết vẫn đang xem xét và giải quyết. Huyện này cũng thừa nhận, trong quá trình dồn diển đổi thửa, lãnh đạo xã Đồng Quang làm chưa đúng quy trình, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị phá vỡ mặt bằng, thay đổi hiện trạng.
Đang trong lúc rối ren, ngày 6/7 vừa qua, trụ sở UBND xã Đồng Quang bỗng dưng bị cháy lúc nửa đêm. Một khối lượng lớn công văn, giấy tờ bị thiêu rụi. Con dấu của UBND xã cũng bị hư hỏng, đang hoàn thiện thủ tục xin cấp lại.
Chúng tôi đến liên hệ làm việc, nữ cán bộ văn phòng xã tên Minh cho biết, xã vừa đại hội, chủ tịch cũ vừa nghỉ hưu. Người kế nhiệm là ông Vũ Hồng Toàn, nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã.
Sau một hồi lòng vòng kiểm tra giấy tờ, liên hệ với tân Chủ tịch, nữ cán bộ này cho biết, Chủ tịch đang họp trên huyện, hẹn tuần sau làm việc. Trong khi phòng làm việc của ông Toàn điện sáng choang, quạt trần quay vù vù.
Trước khi liên hệ với ông Toàn, bà Minh còn bảo tôi: “Cậu ra sân tìm cái ông áo xanh cộc tay ấy, Chủ tịch mới đấy. Tôi vừa nhìn thấy ông ấy đi qua”.