Công chúng một phen xôn xôn khi các trang mạng đưa tin: Lý Nhã Kỳ được Chính quyền Bộ tộc Mindanao - Vương quốc Hồi giáo nhân dân thống nhất Bangsamoro Philippines chỉ định trở thành Công chúa châu Á.
Hoàng đế tối cao châu Á - Mangacop Unipa Saud Al Hadj đại diện cho Chính quyền Bộ tộc Mindanao - Vương quốc Hồi giáo Nhân dân thống nhất Bangsamoro - Philippines, Tổ chức Vương quốc Hồi giáo Hoàng gia tại Hội nghị Đông Nam Á đã ký sắc lệnh chính thức tuyên bố công nhận tước vị “Công chúa châu Á và Việt Nam” cho Lý Nhã Kỳ. Lễ sắc phong diễn ra trong hai ngày 14 - 15 tháng 12/2016.
Vì sao một cô gái Việt Nam lại trở thành “công chúa châu Á”? Ở thời đại internet không có gì khó để xác định Vương quốc Hồi giáo nhân dân thống nhất Bangsamoro chỉ là một bộ tộc rất nhỏ cư ngụ trên đảo Mandano của Philippines. Do đó khái niệm “công chúa châu Á” đích thực khoa trương nhằm đánh bóng tên tuổi mà thôi.
Lý Nhã Kỳ vốn là một diễn viên điện ảnh, đã tuyên bố giải nghệ để tập trung kinh doanh. Thế nhưng, Lý Nhã Kỳ vẫn tỏ ra hào hứng với những chiêu trò showbiz.
Nhiều hành vi PR bản thân của Lý Nhã Kỳ đã bị bóc mẽ, nhưng cô vẫn phớt lờ như không có gì xảy ra. Lý Nhã Kỳ từng khẳng định tốt nghiệp đại học bên Đức, nhưng cái trường mà cô nhắc đến chỉ chuyên đào tạo chó.
Lý Nhã Kỳ từng tuyên bố đóng phim quốc tế “Thượng Hải” rất công phu với Châu Nhuận Phát, nhưng trên màn ảnh thì cô chỉ vào vai kỹ nữ múa quạt lướt qua ống kính đúng 1 giây. Lý Nhã Kỳ từng hớn hở vì được làm khách mời Liên hoan phim Cannes, nhưng ban tổ chức không hề biết Lý Nhã Kỳ là ai, và sự thật cô chỉ mang theo ê-kíp đến đó đứng ké thảm đỏ để chụp hình… Tuy nhiên, với chuyện sắc phong “công chúa châu Á” thì sự khoác lác của Lý Nhã Kỳ đã đi quá giới hạn!
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng: “Nếu Lý Nhã Kỳ nhận phong hàm mà không tuân thủ, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam thì các cơ quan chức năng cần có ý kiến.
Bởi công chúa đã là nằm trong hoàng tộc người ta rồi, nhưng lại là công chúa của vương quốc không có tư cách nào cả thì sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình quan hệ quốc tế, khu vực. Riêng với cô Lý Nhã Kỳ có quốc tịch, là công dân Việt Nam thì cần phải thực hiện theo đúng luật của Việt Nam chứ không thể tự ý đi nhận bất cứ danh hiệu, phong hàm gì.
Ngay cả việc lấy chồng ngoại quốc cũng phải theo quy định chứ không thể muốn làm gì cũng được. Cũng cần nói thêm, nếu vinh danh theo các danh hiệu có tính chất hình thức như nhà khoa học... thì không có vấn đề gì nhưng nếu trở thành công chúa theo quốc tịch của họ thì phải tuân theo luật pháp của Việt Nam, không thể tự tiện được”'.
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Lý Nhã Kỳ đã chuyển hướng. Lỡ phóng lao thì phải theo lao, Lý Nhã Kỳ vẫn bay sang Philippines để tiếp tục đóng vai “công chúa” mà mình vừa là diễn viên vừa là đạo diễn, nhưng cô nói tránh đi là lễ sắc phong “trở thành con nuôi của hoàng đế và cũng là công chúa châu Á của bộ tộc Mindanao”.
Cái màn kịch “con nuôi” thì Lý Nhã Kỳ rất thông thạo. Lý Nhã Kỳ từng thổ lộ một tỷ phú Hồng Kong là mẹ nuôi của mình, rồi tiếp đến một tỷ phú kim cương cũng nhận mình làm con nuôi, sau đó lại có thêm một… anh nuôi là tỷ phú Philippines. Tất cả các thủ tục “nuôi” ấy chỉ do Lý Nhã Kỳ phát ngôn, mà không hề có một giấy tờ chứng minh nào.
Từ chuyện sắc phong “công chúa châu Á” đến chuyện làm con nuôi của hoàng đế Vương quốc Hồi giáo nhân dân thống nhất Bangsamoro, đã là một sự lập lờ khó hiểu. Háo danh có muôn hình vạn trạng, nhưng háo danh kiểu Lý Nhã Kỳ thì hơi gượng gạo và buồn cười!