Huyện miền núi Tuyên Hóa đã nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu 'Bưởi Tuyên Hóa', nhằm tạo thu nhập cho người trồng trung bình được 70 đến 80 triệu đồng/vụ.
'Bưởi Tuyên Hóa' biến nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu
Huyện miền núi Tuyên Hóa đã nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu “Bưởi Tuyên Hóa”, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập cao…
Những năm gần đây, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đề án xây dựng thương hiệu “Bưởi Tuyên Hóa” để dần tiếp cận với thị trường và người tiêu dung. Từ đề án này, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây bưởi trên vùng gò đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ trồng bưởi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Có hơn 2 ha đất rừng nằm dưới chân lèn đá, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), đã đưa vào trồng cây ăn quả. Sau này, ông cải tạo vườn và chuyển sang trồng giống bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh). Đến nay, vườn bưởi của gia đình ông có hơn 640 gốc bưởi Phúc Trạch. Mỗi năm, thương lái từ Hà Tĩnh vào đặt cọc tiền trước để mua bưởi. Có năm từ vườn bưởi, gia đình ông thu nhập gần tỷ đồng.
Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Minh, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh:
“Mùa đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên chỉ thu về được 100 triệu, nhưng phát triển dần nên đến giờ hàng năm thu nhập 400 – 500 triệu là bình thường. Tôi cũng mong muốn sau này sẽ liên kết được nhà nông với các thương nghiệp để khi mình làm ra sản phẩm thì sẽ có người thu mua để đầu ra ổn định”.
Thực hiện chủ trương phát triển và xây dựng thương hiệu cho “Bưởi Tuyên Hóa”, xã miền núi Kim Hoá đã nhanh chóng quy hoạch và đưa diện tích trồng bưởi ban đầu lên khoảng 30 ha. Từ vườn bưởi, thu nhập của người trồng trung bình được 70 - 80 triệu đồng/vụ.
Phỏng vấn ông Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ hội viên và những người thực hiện mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình canh tác cây bưởi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả”.
Từ đề án xây dựng thương hiệu “Bưởi Tuyên Hóa”, nhiều địa phương trên địa bàn có diện tích đất phù hợp cây bưởi được quy hoạch và đang dần tăng diện tích trồng như xã Sơn Hóa, Hương Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch…với tổng diện tích khoảng 70 ha. Bưởi Tuyên Hóa có vị ngọt thanh, tép bưởi to và khi chín vỏ có màu vàng tươi rất đẹp.
Phỏng vấn ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình:
“Để phát triển thương hiệu bưởi tuyên Hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các UBND xã, thị trấn tuyên truyền vận động bà con nhân dân thành lập các hợp tác xã, về quan điểm của huyện thì sẽ chỉ có một hợp tác xã thống nhất, còn các xã lân cận là các thành viên của HTX để phát triển thương hiệu bưởi Tuyên Hóa ngày càng lớn mạnh hơn”
Những năm gần đây, bưởi Tuyên Hóa ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, được người tiêu dùng yêu thích lựa chọn. Việc xây dựng vùng chuyên canh cây bưởi không chỉ tăng tính đa dạng cây trồng, mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa.