| Hotline: 0983.970.780

Vườn bưởi kích tiêu chí ‘thu nhập’ ở vùng miền núi nghèo

Thứ Sáu 19/11/2021 , 11:03 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Giải pháp đột phá để nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện chương trình nông thôn mới ở xã Hóa Hợp là tập trung cải tạo vườn tạp.

Xã Hóa Hợp (huyện miền núi Minh Hóa- Quảng Bình) có gần 990 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 90% người dân sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương gặp nhiều khó khăn lớn. Trong đó nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho người dân để đạt được tiêu chí “thu nhập” là nhiệm vụ không dễ dàng.

Thế mạnh của Hóa Hợp là nhà nào cũng có vườn rộng, đất đồi. Tuy nhiên, vườn cũng  chỉ trồng các loại cây tạp xen nhau nên không có hiệu quả.

Từ năm 2017, Hóa Hợp đã đưa ra nghị quyết thực hiện giải pháp đột phá để nâng cao thu nhập, thực hiện chương trình NTM. Đó là tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu theo hướng xanh-sạch-đẹp đưa lại thu nhập cao cho người dân.…

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp, để người dân “mắt thấy, tai nghe”, xã đã hỗ trợ,  tổ chức cho bà con đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình vườn mẫu ở Hà Tĩnh, Nghệ An...

Ông Đinh Thanh Tâm, một người dân trong xã bộc bạch: “Qua những chuyến đi đó, học hỏi những nơi làm vườn có hiệu quả đã tạo thêm niềm tin và kỳ vọng làm giàu cho các hộ dân”.   

Từ vườn tạp, nhiều gia đình ở xã Hóa Hợp chuyển sang vườn mẫu có thu nhập cao. Ảnh: Tâm Phùng.

Từ vườn tạp, nhiều gia đình ở xã Hóa Hợp chuyển sang vườn mẫu có thu nhập cao. Ảnh: Tâm Phùng.

Để tạo sức hút, chính quyền xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, mời cán bộ có chuyên ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.  “Để khuyến khích bà con cải tạo vườn tạp phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, chúng tôi đã hỗ trợ giống cây chất lượng cao cho các gia đình đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu”- ông Nguyễn Thanh Quyết cho hay.

Chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh của gia đình ông Đinh Thanh Tâm (ở thôn Tân Thuận) đã thu hoạch được vụ thứ hai. Ông Tâm cho biết, đất vườn nhà ông trước đây trồng lạc, trồng sắn và nhiều loại cây như ổi, mít, mãng cầu xen nhau.

Khi được chính quyền khuyến khích cải tạo vườn tạp, sau chuyến tham quan vùng trồng bưởi da xanh về, ông đã mua 40 gốc bưởi da xanh từ Bến Tre mang về trồng. “Trong quá trình chăm sóc vườn bưởi, tôi được cán bộ khuyến nông chỉ thêm cho về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi”- ông Tâm cho biết.

Năm nay, vườn bưởi đã cho thu hoạch vụ thứ 2. Để bưởi đạt chất lượng, ông Tâm loại bỏ những trái nhỏ, chỉ để lại trên cây từ 20-25 quả. Cuối vụ, do vườn bưởi được trồng theo hướng hữu cơ nên người mua đặt hàng nhiều. Cuối vụ, từ vườn bưởi, gia đình ông Tâm thu về trên 50 triệu đồng.

Từ đầu  2021, ông Tâm cũng trồng thêm 200 gốc bưởi trên vùng đất trước đây sử dụng để trồng keo, tràm. Vườn bưởi mới này hiện đang phát triển rất tốt. Ông hy vọng hai năm nữa sẽ cho thu hoạch lớn,

Thu nhập từ vườn mẫu đã ổn định đời sống người dân, đảm bảo cho xã Hóa Hợp thành công trong tiêu chí 'thu nhập'. Ảnh: Tâm Phùng.

Thu nhập từ vườn mẫu đã ổn định đời sống người dân, đảm bảo cho xã Hóa Hợp thành công trong tiêu chí “thu nhập”. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều hộ dân được xã Hóa Hợp hỗ trợ giống bưởi da xanh để trồng và đến nay cũng có tín hiệu rất tốt. Gia đình ông Đinh Văn Tin (thôn Lâm Hóa) với 60 gốc bưởi trồng bước sang năm thứ 3, bắt đầu cho lứa quả đầu tiên.

Khu vườn mẫu của gia đình ông Đinh Xuân (thôn Tân Lợi) cũng khá điển hình. Trước đây, toàn bộ 700m2 đất vườn chủ yếu trồng lạc 1 vụ, hiệu quả kinh tế thấp. Bắt tay xây dựng vườn mẫu NTM, ông Nghĩa đã quy hoạch, cải tạo để trồng 110 gốc ổi lê, 80 gốc bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch…

“Nhờ được trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật của ngành chuyên môn hướng dẫn nên vườn cây cho năng suất cao. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, chúng tôi áp dụng chăm sóc cây theo hướng hữu cơ, nên sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi thu về từ vườn mẫu này trên 60 triệu đồng”- ông Nghĩa chia sẻ.

Sau khi được hỗ trợ 60 gốc bưởi để trồng, gia đình ông Đinh Văn Chuyên phát triển thêm 100 gốc. Vụ đầu tiên đã có được 500 quả bưởi sạch bán ra thị trường. Ông Chuyên bảo: ‘Nhờ chương trình xây dựng NTM cho bà con kế sách phát triển kinh tế gia đình. Mỗi năm có thêm gần trăm triệu đồng thì đời sống đã bắt đầu khá giả lên”.

Hiện, xã Hóa Hợp đã có gần 300 hộ dân thực hiện cải tạo hàng trăm ha vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như thanh long, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, mít Thái, ổi…Những hộ gia đình này đều có thu nhập khá và ổn định.

Người dân xã Hóa Hợp được hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật khi chuyển đổi vườn tạp sang vườn mẫu. Ảnh: Tâm Phùng.

Người dân xã Hóa Hợp được hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật khi chuyển đổi vườn tạp sang vườn mẫu. Ảnh: Tâm Phùng.

Từ thế mạnh được phát huy, Hóa Hợp tiếp tục chuyển đổi đất vườn tạp và vườn cao su kém hiệu quả để trồng các giống cây ăn quả có chất lượng. Người dân trồng các loại cây theo quy hoạch và bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan NTM xanh-sạch-đẹp.

“Ngoài việc hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, xã Hóa Hợp cũng chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để giúp bà con tăng thu nhập”- ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết như vậy.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Nhiều đặc sản OCOP ở Hưng Yên độc đáo, khó 'đụng hàng'

Những đặc sản OCOP dưới đây chỉ Hưng Yên mới sản xuất hàng hoá theo quy mô làng nghề truyền thống, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn trở lên.