Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ giúp ngành hàng lúa gạo giải quyết cùng lúc nhiều nút thắt. Diễn giả: Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tiến sỹ Lê Quý Kha và nhà báo Trần Cao.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ giúp ngành hàng lúa gạo giải quyết cùng lúc nhiều nút thắt.
Sản xuất lúa gắn chặt giảm phát thải khí nhà kính
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong những năm qua, hoạt động sản xuất lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước chuyển biến rõ rệt trong tất cả các khâu. Ở khâu giống, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới không chỉ từ các chương trình giống quốc gia, cơ quan nghiên cứu nhà nước mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân. Từ đó, làm cho cơ cấu giống lúa toàn vùng trở nên đa dạng, chất lượng, mang lại giá trị sản xuất hàng hóa rất cao.
Bên cạnh đó, trong công tác bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn cùng với địa phương, doanh nghiệp đã từng bước khống chế, điều tiết và quản lý được dịch hại trên đồng ruộng nói chung. Các yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, khô hạn… cũng được quản lý hiệu quả.
Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bản đồi rủi ro khí hậu, kế hoạch thích ứng, đánh dấu những yếu tố tác động đến sản xuất lúa có thể làm suy giảm năng suất. Từ những căn cứ này, Cục đã có những tham mưu cho Bộ NN-PNTN đưa ra những quyết định chỉ đạo mang tính sống còn với sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhất là việc Việt Nam đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế về việc giảm phát thải khí nhà kính (cam kết COP26, COP27). Trong khi đó, một trong những hoạt động gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất của Việt Nam là sản xuất lúa.
Do đó, để thực hiện những cam kết của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã quyết định xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Tăng trưởng xanh trong Đề án có thể hiểu là hoạt động sản xuất vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo tính công bằng. Điều này có nghĩa là tất cả nông dân đủ điều kiện, khi tham gia vào Đề án đều có cơ hội như nhau để gia tăng thu nhập. Đây là một điểm khác biệt với các chương trình khác là chỉ giành cho một bộ phận, nhóm đối tượng nhất định. Bên cạnh đó, chúng ta gắn chặt hoạt động sản xuất với giảm phát thải khí nhà kính đây là điểm mới so với các chương trình trước đây đã từng triển khai.
Các HTX là trung tâm của Đề án
Một điểm đặc biệt trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo ông Lê Thanh Tùng là đề cao vai trò của các hợp tác xã (HTX) và liên kết ngang. Việc hình thành các HTX, phát triển kinh tế tập thể theo chuỗi là một xu hướng bắt buộc.
Trong Đề án, các HTX sẽ phát triển mạnh chuỗi liên kết ngang (giữa HTX và HTX; HTX và những chủ thể đồng cấp), tiến tới hình thành các liên minh HTX.
Hiện nay, ĐBSCL có 2.000 HTX, trong khi chúng ta cần 1 triệu ha sản lúa, như vậy, 1 HTX phải đảm đương khoảng 5.000 ha. Trên thực tế, không phải HTX nào cũng có diện tích canh tác lớn như vậy, do đó, sẽ có 2 cách để triển khai hiệu quả nội dung này là tăng số lượng diện tích của HTX hoặc tăng số lượng HTX lên để đạt được con số 1 triệu ha.
Đề án đa mục tiêu, đa giá trị
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Chương trình “1 phải, 5 giảm” ra đời là bước tiếp theo của Chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Mục tiêu khi xây dựng Chương trình này là hướng tới xây dựng nền sản xuất bền vững bằng cách hạn chế các tiêu cực xảy ra cho cây lúa trong quá trình canh tác…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có nhiều nội dung của Chương trình có các yếu tố phù hợp với việc giảm phát thải khí nhà kính như sử dụng giống xác nhận. Đây là điều cực kỳ quan trọng không chỉ dừng ở việc sử dụng giống uy tín, chất lượng mà còn mang ý nghĩa về chính trị, xã hội rất lớn.
Đã có giai đoạn nhu cầu của thị trường lúa gạo lớn, nhưng công tác giống không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân, dẫn tới việc nhiều hộ sử dụng giống trôi nổi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lúa, gạo, sản phẩm mất uy tín trên thị trường.
Do đó, muốn tất cả mọi người đều được sử dụng giống xác nhận thì yếu tố đầu tiên là phải giảm giống. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng lượng giống từ 100-150kg/ha chiếm khoảng 60%; từ 80-100 kg/ha (chiếm 15%); trên 150 kg/ha vẫn còn (trước đây người dân sử dụng tới 200-250kg/ha). Chính vì vậy, việc giảm giống cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Từ việc giảm giống, chúng ta sẽ giảm được lượng phân bón và thuốc BVTV hóa học; giúp mức độ an toàn thực phẩm được nâng cao hơn.
Có 2 quan điểm khi áp dụng “1 phải, 5 giảm” cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là: Áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm” và xem tưới ngập khô xen kẽ là yếu tố chính. Đồng thời, thiết kế lại đồng ruộng và san phẳng mặt ruộng bằng laser là điều bắt buộc. Trước đây, chúng ta không quan tâm nhiều tới vấn đề san phẳng mặt ruộng, tuy nhiên, đây lại là tiền đề để giảm phân, nước… Bởi lẽ, mặt ruộng có bằng phẳng thì việc giảm các vật tư mới được đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tiến hành di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng, mục đích là giúp giảm phát thải khí nhà kính. Thay vì đốt rơm như trước đây, chúng ta tận dụng vào đa mục đích như ngâm ủ cùng với chế phẩm vi sinh làm phân bón để trả lại chất hữu cơ cho đất; tận dụng làm nấm rơm; đệm lót, thức ăn chăn nuôi… Hiện tại, ĐBSCL có 24 triệu tấn lúa thì sẽ có tới 24 triệu tấn rơm; nếu chúng ta khai thác tốt (chưa cần ở mức độ chuyên sâu) thì 1 ha rơm thu được khoảng 3,5 triệu đồng, nếu nhân với 1 triệu ha số tiền thu được là 3.500 tỷ đồng, đây là một con số không hề nhỏ mà chúng ta đang để hoang phí.
Nếu chúng ta thực hiện được những việc này thì Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng sẽ đạt được đa mục tiêu, đa giá trị, từ đó, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Lúc này, ý nghĩa của Đề án không chỉ dừng ở việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của ĐBSCL mà vươn ra xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam với một nhãn mác mới, thêm các thành tố mới là carbon thấp, thân thiện và trách nhiệm.
Về khâu tổ chức thực hiện, chúng ta phải rà soát lại tất cả các chủ trương, chính sách hiện có, tích hợp lại để áp dụng hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu những chính sách mới, cần thiết để tạo “cú hích” cho Đề án.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho chủ thể là HTX vì muốn đề án triển khai trên diện tích rộng bắt buộc phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Muốn áp dụng thì hiệu quả công nghệ thì bản thân các thành viên HTX phải có kiến thức.
Tạo cơ chế thông thoáng thu hút doanh nghiệp tham gia
Theo ông Lê Thanh Tùng, tinh thần chung của Đề án là dựa vào những chính sách đã có chúng ta tích hợp, vận dụng phù hợp, tạo sự thông thoáng cho việc thực hiện chính sách trên địa bàn các địa phương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ cho Đề án, mang lại sự hứng khởi cho các địa phương, nông dân, HTX, doanh nghiệp, Đề án cũng dự thảo đề xuất một số chính sách mới như: Những người hộ tham gia đề án sẽ được hỗ trợ 30% số tiền mua lúa giống (lúa giống này phải được tính theo công thức giảm giống).
Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX, tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất bằng việc tạo điều kiện cho HTX được vay vốn tín chấp khi tham gia vào Đề án.
Đối với các doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo cho vùng nguyên liệu, Đề án cũng dự thảo đề xuất tạo điều kiện cho đối tượng này được tham gia vay vốn. Bởi lẽ, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kinh phí để thu mua với số lượng lớn, trong khi, chỉ có doanh nghiệp tham gia liên kết, thu mua mới kích cầu được nông dân hăng hái sản xuất. Do đó, muốn có doanh nghiệp liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu lớn thì phải tạo điều kiện cho họ vay vốn, chí ít giúp doanh nghiệp đủ tiền thu mua toàn bộ sản phẩm trong phạm vi xây dựng liên kết.
BOX: TS Lê Quý Kha, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng: Việc giảm lượng giống gieo sạ, thuốc BVTV, công lao động... trong canh tác lúa là xu thế không thể đảo ngược. Việc giảm giống gieo sạ góp phần giảm 20% lượng thuốc BVTV, nếu tính trên 1 triệu ha có thể tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng.
Để làm được điều này phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại như máy sạ cụm, máy bay không người lái, san phẳng đồng ruộng bằng công nghệ larer, trạm giám sát nông nghiệp thông minh...