| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL

Thứ Hai 12/09/2022 , 14:49 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam về những nội dung, định hướng lớn về Đề án này. 

- Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NN-PTNT đang triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, trong đó có vùng lúa chất lượng cao. Xin Thứ trưởng cho biết định hướng về vấn đề này?

z3715595951719_b28c3c192ef483057355a9c286720422

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: TL.

Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đạt bình quân 2,62%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Các mặt hàng ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm của ngành nông nghiệp đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thế giới. Ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ổn định xã hội. Nông nghiệp thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế và khẳng định là một lợi thế quốc gia.

Mặc dù có nhiều thành tựu, nhưng sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn một số hạn chế. Sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tăng trưởng chưa bền vững, gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ; chưa hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn được đầu tư bài bản, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đạt chứng nhận các tiêu chuẩn bền vững...

Vì thế, thời gian gần đây, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo, phối hợp với một số địa phương, doanh nghiệp thực hiện “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” cho một số mặt hàng như vùng cây ăn quả ở Miền núi phía Bắc và Đồng Tháp Mười, vùng gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ bền vững ở Duyên hải Miền Trung, cà phê ở Tây Nguyên, lúa gạo ở ĐBSCL.

Đối với lúa gạo, thời gian qua, theo sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngành lúa gạo cũng đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững hơn, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Khoảng trên 80% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng giống lúa xác nhận. Bộ NN-PTNT cũng đang định hướng xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường và góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Quốc gia (Cam kết COP26).

Gắn kinh tế tuần hoàn vào sản xuất lúa gạo

- Đối với sản xuất lúa, xin ông cho biết rõ hơn về những nội dung, định hướng lớn trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao?

z3517077493882_5648a75bed3d3749aa5d267d05f888cf

Các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính sẽ được chú trọng áp dụng vào các vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc xây dựng các vùng lúa chất lượng cao theo Đề án Bộ NN-PTNT đang xây dựng phải đảm bảo các yếu tố sau:

- Thứ nhất là sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới, có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.

- Thứ hai, áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV, giống…. Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường và giảm phát thải.

- Thứ ba, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, HTX và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.

watermark_dsc_8481-1458_20220526_186

Cơ giới hóa và hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ hơn tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

- Thứ tư, các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…

- Thứ năm, vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao phải được đầu tư phát triển bền vững, tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo, đồng thời ở những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ tạo ra những giá trị tăng thêm do góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo.

Doanh nghiệp dẫn dắt, khuyến nông cộng đồng làm cầu nối

- Để xây dựng được các vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, cần vai trò, trách nhiệm gì của các bên liên quan, thưa Thứ trưởng?

Với ý nghĩa của việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững ngành lúa gạo trong tình hình sản xuất hiện nay, đây là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế.

Vấn đề xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữ vai trò quan trọng, cần có sự tham gia, phối hợp của các bên. Trong đó, Nhà nước giữ vài trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistic, phát triển thương hiệu theo hướng “lúa sinh thái”, “lúa phát thải thấp”.

watermark_dsc_0390-1117_20220309_916

Các thành tố trong chuỗi sản xuất lúa gạo sẽ tiếp tục được liên kết chặt chẽ hơn nữa nhằm giảm các khâu trung gian trong sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, ung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Nông dân trồng lúa và HTX giữ vai trò trực tiếp sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện quy mô phát triển liên kết hợp tác sản xuất. Ở đây, lực lượng khuyến nông cộng đồng cũng giữ vai trò là cầu nối truyền tải kiến thức khoa học công nghệ, chủ chương chính sách của Nhà nước đến nông dân.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ hợp tác của các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế (nhất là Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế) trong chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ và định hướng xu hướng phát triển sản xuất lúa gạo theo nhu cầu thị trường toàn cầu. 

Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao

- Để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN-PTNT có kế hoạch tổ chức thực hiện thế nào thưa ông?

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 với diện tích khoảng 160.000ha ở 13 tỉnh để tập trung nguồn lực khoa học công nghệ, các chính sách hỗ trợ phát triển, từng bước lan tỏa rộng khắp các vùng sản xuất trên cả nước.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL. Hiện tại, Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

Đề án sản xuất bền vững 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đang xây dựng Đề án sản xuất bền vững 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo quan điểm của tôi, trước hết, chúng ta phải hiểu xây dựng vùng nguyên liệu 01 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh mà là trên cơ sở xây dựng những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 01 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các HTX, trang trại để xác định diện tích triển khai cụ thể tại các vùng sản xuất đã được quy hoạch đất sản xuất lúa để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL tham gia thực hiện Đề án.

"Việc tổ chức triển khai xây dựng các vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, phát triển bền vững cần phải có thời gian và nguồn lực tổng thể, do vậy rất cần sự tham gia, liên kết hợp tác của chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương, đoàn thể chính trị xã hội trung ương, các tổ chức quốc tế, viện trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đủ nguồn lực về khoa học, kỹ thuật và vốn đầu tư nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất và làm giàu được từ sản xuất lúa gạo".

(Thứ trưởng Trần Thanh Nam).

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.