| Hotline: 0983.970.780

1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn tăng trưởng xanh

Thứ Hai 19/12/2022 , 19:35 (GMT+7)

Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao với mục tiêu đa giá trị và tăng trưởng xanh, sẽ là đòn bẩy phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL.

tran thanh nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bên trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh chủ trì hội thảo. Ảnh: Đào Chánh.

Chiều 19/12, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. 

Tăng trưởng xanh cho cây lúa

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp WB khẳng định canh tác lúa gắn với tăng trưởng xanh là nhu cầu tất yếu. Đã sản xuất lúa là phải gắn với giảm phát thải khí nhà kính thông qua áp dụng các quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất. Quản lý rơm rạ sau thu hoạch, không đốt đồng, làm phân hữu cơ bón lại đồng ruộng, giảm thất thoát sau thu hoạch… Biện pháp hỗ trợ nông dân như cải tiến giống lúa, tập huấn quy trình sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp WB khẳng định canh tác lúa hiện nay phải gắn với tăng trưởng xanh là nhu cầu tất yếu và có thể thu được tiền từ án chứng chỉ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp WB khẳng định canh tác lúa hiện nay phải gắn với tăng trưởng xanh là nhu cầu tất yếu và có thể thu được tiền từ án chứng chỉ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh rất đồng tình và tích cực tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Thực tế, thời gian qua Kiên Giang đã tập trung phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, rất phù hợp với nội dung đề án. Là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước, Kiên Giang đăng ký thực hiện 200.000 ha trong 1 triệu ha của đề án.

Việc đầu tư hạ tầng, nhất là những công trình thủy lợi lớn, đa mục tiêu, có tác dụng liên vùng, như hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, đã giúp quản lý, điều tiết nguồn nước hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh được hưởng lợi rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất lúa và tham gia thực hiện đề án.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Đề án có các tiêu chí cần phải đạt được: Vùng sản xuất lúa chuyên canh ổn định, có thể kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Phải có hạ tầng đê bao, vị trí thuận lợi để vận chuyển nguyên liêu, lưu thông hàng hóa. Hạ tầng giao thông thuận lợi, dễ dàng đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Có bộ giống lúa phù hợp, đạt chuẩn, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn nhất định. Sản xuất phải áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu. Di chuyển rơm rạ sau thu hoạch ra khỏi đồng ruộng và sử dụng cho các mục tiêu hữu ích, tuần hoàn. Có doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất với hợp tác xã tham gia thực hiện vùng nguyên liệu. Hướng đến xây dựng ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, trách nhiệm với người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Chính sách hỗ trợ nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ 30% về lúa giống, hợp tác xã thực hiện đề án được vay tín chấp từ ngân hàng. Doanh nghiệp được vay đủ vốn từ ngân hàng để thu mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu. Các bên tham gia được hưởng lợi từ việc bán các tín chỉ tăng trưởng xanh.

Tổ chức lại sản xuất vùng nguyên liệu

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, đây là dự án lớn về cây lúa không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Đề án sẽ có tác động làm thay đổi tư duy sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất lúa. Các vấn đề cốt lõi của đề án là: Đề án phát triển 1 triệu ha vùng lúa nguyên liệu chuyên canh, gắn với tăng trưởng xanh. Phải đảm bảo được đa giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Empty

Đề án sẽ góp phần tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân, tạo chuỗi giá trị bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Trồng lúa không chỉ mục tiêu cung cấp thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực mà còn sản xuất gạo thảo dược, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng và trồng lúa làm nguyên liệu cho ngành năng lượng tái tạo, sản xuất cồn cho xăng sinh học. Các phụ phẩm như rơm rạ, trấu đều có thể được thu gom sử dụng. Áp dụng quy trình sản xuất bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân, tạo chuỗi giá trị bền vững.

Theo Thứ trưởng, thực hiện đề án sẽ có nhiều khó khăn cần giải quyết nhưng chúng ta đã có nền tảng chuyển đổi sản xuất từ dự án VnSAT, với diện tích 180.000 ha áp dụng các quy trình sản xuất lúa tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất. Với diện tích 1 triệu ha chuyên canh lúa, mỗi năm sẽ đầu tư sản xuất 2 triệu ha lúa chất lượng cao (2 vụ lúa/năm), sản lượng lúa nguyên liệu thu được khoảng 12 triệu tấn.

Để triển khai thực hiện thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu. Vùng lúa chất lượng cao phải đảm bảo tăng trưởng xanh, đó là sản xuất lúa phải gia tăng giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại công bằng xã hội, hài hòa về thu nhập, lợi ích mang lại. Áp dụng quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV, lúa giống… Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường và giảm phát thải. Tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Empty

Vùng lúa chất lượng cao phải đảm bảo tăng trưởng xanh, đó là sản xuất lúa phải gia tăng giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại công bằng xã hội, hài hòa về thu nhập, lợi ích mang lại. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Phạm Thái Bình, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đề án, liên kết với nông dân sản xuất vì xây dựng vùng nguyên liệu là rất quan trọng. Nhưng cái khó là doanh nghiệp không đủ nguồn lực, với số tiền rất lớn để thu mua lúa cho nông dân nếu không có ngân hàng cho vay đủ vốn. Cần đầu tư cơ giới hóa khâu sấy lúa và silo chứa lúa nguyên liệu trước khi chế biến. Để đề án đi vào thực tiễn thì các ngành phải tháo gỡ những nút thắt này, nhất là nguồn vốn ngân hàng cho doanh nghiệp để thực hiện.   

Ông Bùi Bá Bổng, chuyên gia của FAO tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực, giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước đã có nhiều chính sách, đầu tư hạ tầng cho phát triển ngành hàng lúa gạo.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại 2 vấn đề nhiều năm qua cần phải giải quyết: Đó là thu nhập của nông dân trồng lúa rất thấp và sản xuất tác động đến môi trường, làm gia tăng biến đổi khí hậu. Đề án có nhiều mục tiêu nhưng sẽ góp phần giải quyết những nút thắt, tồn tại nói trên. Để thực hiện, Nhà nước phải có cam kết đầu tư hạ tầng cho vùng nguyên liệu thực hiện đề án. Vì những lợi ích, hiệu quả đầu tư mang lại sẽ rất lớn, nhất là những lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế.

"Ngành hàng lúa gạo thời gian qua đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững hơn, nhất là những kết quả đã đạt được từ dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững - VnSAT. Mục tiêu ít nhất là khoảng 80% diện tích sản xuất ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa có chứng nhận. Bộ NN-PTNT đang định hướng xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường và góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia - Cam kết COP26", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Xem thêm
Đã đến lúc mở rộng cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu?

Trước tình hình giá vàng biến động không ngừng, người dân ngày càng khó mua được vàng thì áp lực tăng nguồn cung vàng ngày càng đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Đứng lên từ bão Covid, viết tiếp ước mơ

Tròn một năm nhận hỗ trợ hàng tháng từ Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Cao Ngọc Yến tặng mẹ món quà ý nghĩa khi đậu lớp 10 THPT Lý Thái Tổ, Thuận An, Bình Dương.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.