Ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm trao đổi, thảo luận một số vấn đề xoay quanh Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Vấn đề mang tính bao trùm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ, ngành nông nghiệp trong và ngoài nước đều có chung nhận thức về vai trò và giá trị của cây lúa Việt Nam, đặc biệt là ở ĐBSCL, nơi được Chính phủ xác định là vùng an ninh lương thực, vùng lúa trọng điểm của cả nước. Hiện nay, vùng này có diện tích canh tác khoảng 1,7 triệu ha, hàng năm sản xuất khoảng 24 triệu tấn. Liên quan đến vấn đề giống, các đơn vị trong nước, người sản xuất đã có thể chủ động về giống và quy trình sản xuất.
Trước thực tại biến đổi khí hậu, định hướng của Liên hợp quốc trong Hội nghị COP26, và Hội nghị COP27 đang diễn ra, vấn đề hàng đầu được nhắc đến là làm sao có thể vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất vừa bảo vệ được môi trường.
Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đã cùng các chuyên gia tính đến nhiều vấn đề trong việc xây dựng vùng lúa chất lượng cao ở ĐBSCL. Theo quan điểm của Bộ, hiện nay, lúa chất lượng cao không chỉ có nghĩa là giống, giống chỉ là một yếu tố cơ bản. Vùng lúa chất lượng cao còn nằm ở quy trình canh tác, giá lúa, giá trị hạt gạo...
"Chúng tôi xác định rất rõ rằng, vùng lúa chất lượng cao cần rất nhiều yêu cầu, chứ không đơn thuần chỉ là vùng canh tác giống tốt, để rồi trồng ra nhưng lại không bán được, giá cả bấp bênh, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Chính vì lẽ đó, thời gian vừa qua Bộ NN-PTNT đã lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, ban ngành và các chuyên gia, tham mưu Chính phủ và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát triển bền vững ở ĐBSCL. Chúng tôi hiểu rằng chủ trương này cũng là niềm mong mỏi của người sản xuất, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia tại ĐBSCL.
Để đề án được thành công, Bộ NN-PTNT xác định rõ phải có sự thay đổi nhất định trong tư duy sản xuất để đảm bảo 1 triệu ha này đúng như nguyện vọng của nông dân, doanh nghiệp, và cả các cấp quản lý ở địa phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngành nông nghiệp đã có Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030. Đây là đề án tái cơ cấu nói chung cho ngành lúa gạo cả nước, tuy nhiên riêng ở vùng trọng điểm lúa là ĐBSCL, các địa phương mong đợi có một dự án về lúa chất lượng cao và chúng ta đặt vấn đề 1 triệu ha. Tất nhiên không thể xây dựng xong 1 triệu ha trong thời gian ngắn, nhưng chúng ta phải quyết tâm. Đây là thời điểm cần xác định rõ về định hướng, thống nhất về quan điểm, tư tưởng, tránh bàn đi bàn lại rồi lại không đi đến đích.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam.
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp
Tại buổi tham vấn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã trình bày một số định hướng chung trong việc thực hiện Đề án.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm có lợi thế bậc nhất tại Việt Nam, đóng góp trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng lúa xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất lúa tại ĐBSCL vẫn tồn tại một số hạn chế. Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn, giá trị và giá bán gạo có dấu hiệu được nâng cao nhưng hiệu quả xuất khẩu gạo vẫn chưa xứng tầm với những điều kiện hiện có. Thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của các khâu khác trong chuỗi kinh doanh, xuất khẩu gạo. Hơn nữa, việc sản xuất lúa thiếu tính bền vững đã để lại một số tác động, ảnh hưởng đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Một số nguyên nhân có thể kể đến bao gồm: Các hình thức tổ chức liên kết nông dân chưa phát triển rộng; vật tư đầu vào chưa được quản lý tốt; khâu sấy lúa, tồn kho, chế biến sâu còn nhiều hạn chế, gây thất thoát và giảm chất lượng gạo xuất khẩu; chưa chú trọng sử dụng phụ phẩm; khâu thiết lập thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu còn yếu, công tác xúc tiến thương mại chưa được đầu tư tương xứng với vị trí ngành hàng; chưa chọn tạo được giống lúa thơm có giá trị và khả năng thích nghi đủ để sản xuất trên diện rộng phục vụ xuất khẩu; các chính sách tích tụ đất đai, tín dụng, hỗ trợ liên kết và đầu tư chưa đủ mạnh và rộng.
Về định hướng các nội dung chính, ông Nguyễn Như Cường cho biết, đề án sẽ tiến hành đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên chính sách đất lúa và chính sách thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến - kinh doanh; ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống và các doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, giảm phát thải; hỗ trợ các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn.
Đề án cũng sẽ tập trung xây dựng vùng sản xuất bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha, trong đó bao gồm các nhiệm vụ chính: Đánh giá tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội đất trồng lúa; xác định địa bàn bố trí vùng chuyên canh theo địa phương và vùng sinh thái; xây dựng phương án sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đề xuất giải pháp phát triển bền vững.
Đề cập đến một số đề xuất cho các cơ quan liên quan, ông Nguyễn Như Cường chia sẻ mong muốn Bộ NN-PTNT thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng làm Trưởng ban và có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo triển khai, điều phối, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án. UBND tỉnh, TP thuộc vùng ĐBSCL có trách nhiệm hối hợp với Bộ NN-PTNT rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất trồng lúa.
“Điều quan trọng nhất cho sự phát triển của đề án, bên cạnh sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, vai trò của các doanh nghiệp mang tính quyết định. Nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng đề án của chúng ta khó đạt kết quả mong muốn”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.