Đồng Nai tiến hành cuộc đại di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà ở đó có sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
Từ nhiều năm nay, Đồng Nai vẫn được coi là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho thấy, đến cuối năm 2023, tổng đàn heo của tỉnh là trên 2,4 triệu con, tổng đàn gia cầm khoảng 25 triệu con.
Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn như vậy, chăn nuôi đã trở thành ngành kinh tế chính của nông nghiệp Đồng Nai, đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập, giải quyết lao động cho vùng nông thôn của tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của ngành chăn nuôi Đồng Nai cũng đã dẫn tới những bất cập, nhất là ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình đó và để thực hiện theo quy định trong Luật Chăn nuôi, tháng 2 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Có tới hơn 3.000 cơ sở nằm trong danh sách này. Với số lượng cơ sở lớn như vậy, có thể nói, đây là một cuộc đại di dời trong ngành chăn nuôi Đồng Nai.
Cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Kế hoạch này nhằm đưa ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển một cách bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; bảo đảm toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng trên cơ sở ứng dụng các khoa học, công nghệ trong sản xuất.
Cũng theo kế hoạch nói trên, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển những sản phẩm chăn nuôi chủ lực, là thế mạnh của tỉnh như heo, gà, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Với kế hoạch này, ngành chăn nuôi Đồng Nai sẽ không còn phát triển theo bề rộng, chú trọng sản lượng như trước đây, mà đang từng bước phát triển theo chiều sâu để gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi.