| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai nên có lộ trình phù hợp di dời cơ sở chăn nuôi

Thứ Tư 13/12/2023 , 14:41 (GMT+7)

Di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi là chủ trương lớn của tỉnh Đồng Nai để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị lộ trình thích hợp khi thực hiện.

Tháng 2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND phê duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo đó, 3.006 cơ sở chăn nuôi heo, gà, vịt, bò, dê… phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc phải ngừng hoạt động. 

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) đồng tình với việc tỉnh yêu cầu những trang trại gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, dân sinh… phải di dời hoặc ngừng hoạt động.

Một trang trại nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Một trang trại nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, theo ông Quyết, hiện có rất nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi không đáng phải ngưng hoạt động, không đáng phải di dời. Ví dụ, có những hộ nông dân chỉ nuôi 5 - 7 con dê làm sinh kế nhưng cũng phải dừng chăn nuôi. Hay có những hộ chỉ nuôi 2 - 3 con bò cũng nằm trong danh sách phải di dời ngay.

Ngoài ra, trong danh sách nói trên, có những cơ sở chăn nuôi quy mô rất lớn, đầu tư chuồng trại, thiết bị, công nghệ rất bài bản như trang trại của Long Thành Phát và hiện đang chăn nuôi phục vụ xuất khẩu. Những trang trại này nằm xa khu dân cư, đảm bảo được môi trường do áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, do đó không ảnh hưởng gì tới cư dân xung quanh và môi trường ở địa phương.

Ông Quyết kiến nghị: “Các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải trực tiếp kiểm tra, xem xét từng trường hợp cụ thể, đến từng nhà, từng trang trại xem xét xem trang trại đó có nên di dời, dừng hoạt động ngay hay không, hay có thể cho kéo dài thêm một thời gian hoạt động.

Việc di dời trang trại vào thời điểm nào cũng cần phải cân nhắc kỹ càng. Bởi nếu trang trại đang hoạt động tốt, đang sản xuất ra của cải vật chất hàng ngày, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, đang đóng thuế cho nhà nước, đảm bảo an toàn dịch bệnh và không ảnh hưởng tới môi trường mà vẫn buộc phải di dời đi rồi sau đó, chỗ trang trại cũ cứ để đất không thì sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn cho xã hội”.

Một trang trại chăn nuôi hiện đại của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, Đồng Nai). Ảnh: Lê Bình.

Một trang trại chăn nuôi hiện đại của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, Đồng Nai). Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ, Hiệp hội hoàn toàn nhất trí với chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi những khu vực không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều vay vốn ngân hàng để đầu tư chuồng trại, thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nếu phải ngưng hoạt động để di dời, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc trả nợ ngân hàng của các trang trại.

Vì vậy, ông Công đề nghị, trong danh sách 3.006 cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời ở Đồng Nai, cần có sự phân loại ra. Với các trang trại đang đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ở xa các khu dân cư thì nên xem xét cho tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian phù hợp để chủ trang trại có điều kiện tiếp tục chăn nuôi, tạo nguồn thu để trả hết khoản nợ ngân hàng.

Các huyện cũng cần rà soát lại quy hoạch của địa phương để xác định chính xác từng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn có đang nằm trong vùng không được phép chăn nuôi hay không.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.