| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai đưa giết mổ vào quy củ: [Bài cuối] Mảnh ghép quan trọng còn thiếu

Thứ Năm 30/11/2023 , 10:47 (GMT+7)

Nếu dẹp bỏ được các lò mổ lậu và hoàn thiện được hệ thống tập trung, hiện đại, ngành chăn nuôi Đồng Nai sẽ có thêm nhiều lợi ích kinh tế.

Việc phát triển và đầu tư đúng mức cho hệ thống giết mổ tập trung sẽ mở ra cho thủ phù chăn nuôi Đồng Nai nhiều hướng đi mới, tăng thêm giá trị. Ảnh: Lê Bình.

Việc phát triển và đầu tư đúng mức cho hệ thống giết mổ tập trung sẽ mở ra cho thủ phù chăn nuôi Đồng Nai nhiều hướng đi mới, tăng thêm giá trị. Ảnh: Lê Bình.

Thời điểm thuận lợi nhất

Hiện, lò giết mổ tại Đồng Nai mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường trong tỉnh. Trong khi đó, với tiềm năng thủ phủ chăn nuôi, Đồng Nai dư sức để có thể cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm chăn nuôi sau giết mổ.

Chỉ tính riêng con heo, Đồng Nai hiện có tổng đàn lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con. Mỗi ngày, Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP. HCM và các tỉnh lân cận hơn 5.000 con heo thịt. Thế nhưng, đa số heo này xuất bán ra thị trường đều là heo sống, được chuyển đến TP. HCM hoặc Long An để giết mổ.

Đây cũng là điều tiếc nuối của ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khi được hỏi về hệ thống giết mổ tập trung của địa bàn tỉnh.

“Chúng ta có hệ thống lò giết mổ tự động trải khắp tỉnh, công suất thiết kế cũng rất lớn nhưng không thể tận dụng. Đồng Nai xuất bán tới 5.000 con heo thịt mỗi ngày, chưa kể gia cầm và gia súc lớn, đây là con số rất lớn.

Lò mổ không có heo để thịt, trong khi đó chúng ta lại nhường khâu giết mổ cho các tỉnh, thành bạn. Đây quả thực là một điều quá lãng phí. Nếu chúng ta cần ngồi lại với nhau, có nên chăng sẽ có hướng đi phù hợp hơn, lợi ích của người chăn nuôi và các chủ lò mổ tập trung được nâng cao hơn”, ông Nguyễn Trí Công bày tỏ.

Nâng cao chất lượng hệ thống giết mổ tập trung cũng là giúp ngành chăn nuôi Đồng Nai hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi với các địa phương khác. Ảnh: Lê Bình.

Nâng cao chất lượng hệ thống giết mổ tập trung cũng là giúp ngành chăn nuôi Đồng Nai hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi với các địa phương khác. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự bắt tay của những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi và giết mổ cũng như các địa phương với nhau. Trong đó, TP. HCM là địa bàn tiêu thụ sản phẩm động vật chăn nuôi lớn của Đồng Nai, việc đẩy mạnh giết mổ tại chỗ để cung cấp cho thị trường cũng cần tuân thủ luật chơi chung.

Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai, tỉnh đang xây dựng nhiều định hướng đổi mới và không để các cơ sở không đi vào vết xe đổ. Đến năm 2025, dự kiến Đồng Nai có 58 cơ sở giết mổ, tăng 11 cơ sở so với quy hoạch trước đây. Mỗi ngày, công suất dự kiến của các cơ sở giết mổ đạt gần 7.400 con heo và 178.000 con gà. Song song đó, tới đây Đồng Nai sẽ rút giấy phép tất cả các cơ sở giết mổ không ở trong mạng lưới.

So với TP. HCM, các lò giết mổ tập trung của Đồng Nai còn khá hạn chế về công nghệ. Hầu hết các lò giết mổ tập trung đều là lò mổ thủ công và đã hoạt động từ khoảng 10 năm trước đây. Do đó, hiệu suất giết mổ không được cao, các yêu cầu về kĩ thuật cũng như an toàn thực phẩm không còn phù hợp. Điều này sẽ là khó khăn trực tiếp cho ngành chăn nuôi nếu muốn tìm hướng đi bền vững hơn.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM cho hay, thành phố sẵn sàng chấp thuận tất cả các sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm vào địa bàn để tiêu thụ. Tuy nhiên, dù là bất cứ địa phương nào thì cũng cần đáp ứng được quy định chung về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và cả công nghệ xử lý.  

“TP HCM bắt đầu áp dụng quy trình giết mổ công nghiệp trên phạm vi rộng, chúng tôi cũng mong các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An cũng sớm triển khai theo mô hình giết mổ này để đồng bộ. Nếu như đảm bảo mục tiêu chung thì vẫn có thể đưa vào thị trường thành phố để đáp ứng nhu cầu và sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như tạo sự công bằng cho các lò mổ”, ông Hiệp chia sẻ.

Theo đó, Sở NN-PTNT và Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM cũng đã triển khai quản lý chặt và hạn chế nguồn thịt giết mổ thủ công từ các tỉnh, phải đạt các tiêu chí thì mới được đưa thịt heo về TP. HCM tiêu thụ.

Mở ra nhiều hướng đi mới

Đồng Nai đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn xây dựng chuỗi cung ứng thịt động vật an toàn cho các thị trường. Với đàn vật nuôi tại chỗ lớn nhất cả nước, Đồng Nai còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, giao thông thuận lợi nên việc xây dựng hệ thống giết mổ hiện đại và chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi cho các tỉnh, thành.

Từ cuối năm 2022, hệ thống MM Mega Market Việt Nam và Công ty TNHH Anh Hoàng Thy (TP. Biên Hòa) đã khánh thành trạm trung chuyển thịt heo tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Trạm trung chuyển này rộng 5.000m2, đạt chuẩn ISO 22000:2018, có đủ khả năng cung cấp sản phẩm thịt heo sạch, an toàn cho toàn miền Trung và miền Nam.

Các sản phẩm giết mổ tại Đồng Nai chuyển đi tiêu thụ tại chỗ và các tỉnh thành lân cận đều có dấu kiểm dịch của lực lượng thú y và vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Bình.

Các sản phẩm giết mổ tại Đồng Nai chuyển đi tiêu thụ tại chỗ và các tỉnh thành lân cận đều có dấu kiểm dịch của lực lượng thú y và vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Bình.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai hoan nghênh và đặt kỳ vọng lớn vào trạm trung chuyển này. Mô hình này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành chăn nuôi và thị trường, giá trị kinh tế cho tỉnh.

“Với việc đưa vào vận hành trạm trung chuyển này, chúng ta không chỉ giúp việc tổ chức giết mổ được bài bản hơn, mà việc lưu thông và phân phối các sản phẩm chăn nuôi cũng được sâu rộng hơn, đảm bảo ổn định đầu ra cho ngành chăn nuôi.

Việc xây dựng các trạm trung chuyển cũng giúp giảm các khâu trung gian trong lưu thông, phân phối vốn có như trước đây. Điều này giúp giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất vốn là vấn đề mà Đồng Nai vẫn luôn đặc biệt quan tâm”, ông Phi nói.

Ngành chăn nuôi không chỉ cần làm tốt nhiệm vụ tự chủ được nguồn cung thực phẩm hàng ngày cho 100 triệu dân mà còn phải hướng đến xuất khẩu, đóng góp vào giá trị kinh tế. Trong đó, khâu giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhưng đáp ứng tiêu chuẩn WOAH/OIE (Tổ chức Thú y thế giới) phục vụ xuất khẩu được đặt lên hàng đầu.

Mới đây, trong chương trình tập huấn “Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu” do Cục Thú y, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH De Heus tổ chức, vấn đề an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm trong giết mổ cũng được đề cao.

Hiện, Đồng Nai đang có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP. Tổng sản lượng thịt đạt chuẩn VietGAHP cung ứng ra thị trường khoảng 165.000 tấn thịt/năm. Trong đó, tổng sản lượng thịt heo VietGAHP đạt khoảng 110 ngàn tấn/năm và tổng sản lượng thịt gà đạt khoảng 55.000 tấn/năm.

Nhờ kĩ thuật pha lóc tốt, nguồn heo sạch bệnh và chuyển đổi sang hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại nên nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ kĩ thuật pha lóc tốt, nguồn heo sạch bệnh và chuyển đổi sang hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại nên nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính. Ảnh: Lê Bình.

Nhà máy giết mổ heo TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu hiện đang nâng cấp hệ thống dây chuyền giết mổ heo bán công nghiệp sang dây chuyền công nghiệp hiện đại. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc công ty, sau khi nâng cấp thì công suất giết mổ mỗi dây chuyền dự kiến 120 con heo/giờ, công suất pha lóc 900 con heo/ngày. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống dây chuyền giết mổ công nghiệp cũng mở ra cho công ty nhiều cơ hội mới.

“Với công nghệ cải tiến và kĩ thuật pha lóc đạt chuẩn, hiện đã có đối tác Nhật Bản đã đặt hàng chúng tôi số lượng thịt heo rất lớn xuất sang thị trường này mỗi tuần. Đây không chỉ là cơ hội lớn đối với chúng tôi mà còn là tin vui đối với ngành chăn nuôi Đồng Nai. Để xuất được lô hàng đầu tiên, chúng tôi cần phải tính toán và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đường dài”, bà Hương chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.