| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học để hướng tới xuất khẩu: [Bài 2] Thủ phủ chăn nuôi đi trước nhưng gặp khó ở đích

Thứ Sáu 07/06/2024 , 06:30 (GMT+7)

Tiềm năng lớn, nhưng sản lượng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai chưa cao, tỉnh đang tháo gỡ khó khăn để sản phẩm rộng đường xuất khẩu cả lượng và chất.

Tuy là thủ phủ chăn nuôi của cả nước nhưng sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai vẫn còn khá khiêm tốn trên đường đua xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.

Tuy là thủ phủ chăn nuôi của cả nước nhưng sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai vẫn còn khá khiêm tốn trên đường đua xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.

Xuất đã khó, duy trì được còn gấp bội phần

Đến hết quý I/2024, Đồng Nai vẫn là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, với 2,29 triệu con lợn và 23,1 triệu con gà. Các loại vật nuôi khác: trâu, bò khoảng 109.000 con, khoảng 2,8 triệu con thủy cầm, khoảng 8 triệu con chim cút và khoảng 202.000 con dê.

Đáng nói, đa số sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai chỉ phục vụ cho các thị trường trong nước. Các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh còn hạn chế. Điều này được ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh thừa nhận.

Theo ông Sinh, có 3 khó khăn cơ bản khiến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai ra thế giới còn hạn chế, bao gồm: giá thành cao, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một trong những khó khăn mà ngành chăn nuôi Đồng Nai đang phải đối mặt là chăn nuôi gà quy mô nông hộ còn lớn. Tuy chiếm tỷ lệ tổng đàn dưới 10% nhưng với hơn 18.000 hộ, các hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh nên các ổ dịch lẻ tẻ vẫn xảy ra. Năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm tại địa bàn các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu ảnh hưởng tới công tác duy trì vùng an toàn dịch bệnh.

“Nguyên nhân là do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, các quy định, quy chuẩn về vệ sinh thú y tại Đồng Nai phải đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Đồng Nai đang xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và cơ sở giết mổ, chế biến đạt tiêu chuẩn để phục vụ tốt hơn việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi”, ông Trần Lâm Sinh chia sẻ.

Đồng Nai đi trước về chăn nuôi nhưng vẫn chưa “về đích”. Hiện, ngành chăn nuôi của tỉnh đang phải giải quyết hàng loạt khó khăn do những tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh, môi trường không còn phù hợp.

Trong khi đó, giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong nước do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế quyền của cơ sở an toàn dịch bệnh chưa có nhiều khác biệt so với cơ sở chưa an toàn dịch bệnh nên chưa khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Hiện, Đồng Nai chỉ có 2 đơn vị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đều đặn sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc… Thế nên, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai là khả thi và dư địa còn rất lớn.

Công ty TNHH Koyu & Unitek (tại KCN Long Bình, thành phố Biên Hòa) đã xuất khẩu thịt gà chế biến vào thị trường Nhật Bản từ giữa năm 2017. Hiện, Koyu & Unitek chế biến thịt gà và xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 100 tấn/ tháng.

Doanh nghiệp cũng đang hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, sơ chế, chế biết thịt gà. Koyu & Unitek có nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP, BRC, ISO:9001, ISO:22000 và đã được chứng nhận Halal với các sản phẩm từ thịt gà.

Số lượng gà được giết mổ đạt tiêu chuẩn Halal của đơn vị này đạt 780.000 - 910.000 con/tháng. Thị trường dự định xuất khẩu trong thời gian tới là Brunei với sản phẩm thịt gà tươi đông lạnh.  

Koyu & Unitek là một trong hai đơn vị đưa sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ năm 2017. Ảnh: Lê Bình.

Koyu & Unitek là một trong hai đơn vị đưa sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ năm 2017. Ảnh: Lê Bình.

Koyu & Unitek cũng đang liên kết với nhiều HTX, hộ chăn nuôi quy mô lớn của Đồng Nai để đảm bảo lượng thịt gà xuất khẩu. Nhờ đó, việc chăn nuôi của tỉnh cũng được bài bản hơn, giá trị sản xuất cũng tăng cao.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là một trong những chuỗi chăn nuôi gà theo chuẩn xuất khẩu cho Koyu & Unitek. Hiện HTX này cung cấp tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/ năm. Nhờ quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn từ phía Nhật Bản và được hỗ trợ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong kiểm soát dịch bệnh nên việc chăn nuôi cũng ít rủi ro.

Thế nhưng, theo ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, công ty Koyu & Unitek, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khó khăn là vậy nhưng việc duy trì được việc xuất khẩu lại khó khăn hơn bội phần. “Dù chỉ là sơ xuất nhỏ nhất về an toàn thực phẩm, dịch bệnh thì công ty sẽ chịu rất nhiều tổn thất. Duy trì được xuất đơn hàng không phải chuyện đơn giản”, ông Huy cho hay.

Cụ thể, phía Koyu & Unitek đã từng bị phía Nhật Bản trả lại đơn hàng thịt gà chế biến. Nguyên nhân được xác định là trong lô hàng có tồn tại vi khuẩn E.coli (Escherichia coli). Mặc dù đã kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt nhưng việc phát sinh E.coli là điều rất khó tránh khỏi.

“Hậu quả là đơn hàng bị trả lại, Koyu & Unitek chịu mọi chi phí. Đặc biệt, nếu bị phía Nhật Bản trả lại lần thứ 3 thì công ty sẽ bị cấm xuất khẩu vào thị trường này vĩnh viễn, đền hợp đồng rất lớn”, ông Huy cho biết thêm.

Gỡ “nút thắt” để mở lối xuất khẩu

Để khơi thông việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Sở NN-PTNT Đồng Nai đang tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực. Với nhiều chính sách, hướng dẫn của UBND tỉnh đã giúp “thủ phủ chăn nuôi” dần tháo được những “nút thắt” vốn ngáng đường xuất khẩu.

Đồng Nai đang tập trung xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm xuất khẩu gắn với hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuẩn quốc tế. Chuỗi này do tập đoàn De Heus liên kết nhiều tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom cũng được chọn làm “cứ điểm” để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh xuất khẩu heo sống sang thị trường lớn Trung Quốc.

Con gà trắng đang được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành chăn nuôi Đồng Nai có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang nhiều thị trường mới. Ảnh: Lê Bình.

Con gà trắng đang được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành chăn nuôi Đồng Nai có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang nhiều thị trường mới. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, Đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh của cả nước. Hiện, toàn tỉnh có 5 huyện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh, 11 xã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle, 657 trang trại chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

“Ngành chăn nuôi Đồng Nai tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh nhân rộng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng thị trường xuất khẩu”, ông Giang chia sẻ.

Các quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đều có những yêu cầu, ràng buộc hết sức khắt khe đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là về an toàn dịch bệnh. Chính vì vậy, càng đẩy nhanh việc hình thành, xây dựng, kiểm soát, chứng nhận các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, cơ hội càng sớm mở ra cho nông dân và doanh nghiệp.

Hiện, Trung Quốc cần nhập khoảng 25 triệu con lợn/ năm. Do đó, Việt Nam phải sớm tận dụng cơ hội để cạnh tranh. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, tính lộ trình xuất khẩu, không chỉ tiêu thụ nội địa.

Cuối tháng 12/2023, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vacxin”. Điều này được kỳ vọng là “đòn bẩy” giúp các sản phẩm thịt của Việt Nam có mặt ở thị trường tỷ dân này.

Muốn xuất khẩu phải hình thành được những chuỗi chăn nuôi khép kín quy mô lớn. Trong đó, việc giám sát, kiểm soát dịch bệnh phải chặt chẽ.

Nhờ định hướng xuất khẩu mà nhiều chuỗi chăn nuôi khép kín quy mô lớn, an toàn dịch bệnh tại Đồng Nai được hình thành. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ định hướng xuất khẩu mà nhiều chuỗi chăn nuôi khép kín quy mô lớn, an toàn dịch bệnh tại Đồng Nai được hình thành. Ảnh: Lê Bình.

Thời quan gia, Đồng Nai đã triển khai các dự án truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Đến nay, tỉnh có hơn 57.000 con lợn được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, hiện toàn tỉnh có 303 trang trại chăn nuôi heo duy trì đã khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-Food, đạt tỷ lệ hơn 17,8%.

Thế nhưng, nguồn sản phẩm động vật được truy xuất nguồn gốc trên chủ yếu cung cấp cho TP.HCM. Sắp tới, Đồng Nai tiếp tục nhân rộng các mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Đây cũng là giải pháp góp phần xây dựng uy tín chất lượng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Tổ chức Thú y thế giới, một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi thực hiện an toàn dịch bệnh sẽ hạ được chi phí chăn nuôi xuống thấp vì giảm được đầu tư phòng, chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy khi vật nuôi gặp dịch bệnh. Vấn đề tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo… cũng được kiểm soát, hạn chế.

Xem thêm
Hiện đại hóa trong chăn nuôi: [Bài 2] Công nghệ giúp trang trại bò sữa bội thu

BÌNH DƯƠNG Những thành công của Công ty Anova Agri Bình Dương đang tạo động lực cho ngành chăn nuôi địa phương chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hiện đại.

Giá dưới 5.000đ/kg, người trồng cam sành thua lỗ nặng

VĨNH LONG Diện tích tăng chóng mặt, cung vượt cầu nên giá cam sành từ đầu năm đến nay chỉ dưới 5.000đ/kg, nông dân thua lỗ nặng.

Lê Tai Nung xóa nghèo cho đồng bào Mông

YÊN BÁI Từ vài ha trồng thử nghiệm, đến nay cây lê Tai Nung đã thành vùng hàng hóa gần 200ha, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế, xóa nghèo cho người dân Mù Cang Chải.