| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài 1] Chăn nuôi tập trung đã lỗi thời

Thứ Hai 24/06/2024 , 06:30 (GMT+7)

Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai từng quy hoạch và phát triển các khu chăn nuôi tập trung, nhưng sau một thời gian đã nhận thấy mô hình này không còn phù hợp.

Một trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Một trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

LTS: Dịch bệnh trên động vật phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi buộc các địa phương và ngành chăn nuôi, thú y phải tiếp cận khác trong việc quy hoạch. Theo đó, thay vì gom các trang trại chăn nuôi vào cùng một khu vực thì xu thế đang chứng minh được hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh là mỗi trang trại  nên là một hòn đảo biệt lập.

139 vùng chăn nuôi tập trung

Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND Quy định về quy hoạch, xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau Quyết định nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã lần lượt phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung tại 8 huyện và thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh).

Tổng cộng, đã có 139 vùng khuyến khích chăn nuôi được quy hoạch ở tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích gần 16 nghìn ha. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ quy hoạch 21 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung với diện tích trên 7 ngàn ha.

Huyện Tân Phú quy hoạch 24 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung ở 13 xã với tổng diện tích trên 1,3 ngàn ha. Huyện Trảng Bom quy hoạch 11 vùng khuyến khích chăn nuôi và giết mổ tập trung với diện tích 1.425ha …

Khi quy hoạch chăn nuôi tập trung ở các huyện, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra kế hoạch đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng (đường giao thông, đường điện, trạm biến áp …) một cách cụ thể cho từng vùng quy hoạch.

Bên cạnh đó là các giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, gồm giải pháp về thị trường tiêu thụ; giải pháp khoa học công nghệ; giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường; giải pháp về huy động vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ vốn cho phát triển chăn nuôi; giải pháp về tổ chức phát triển chăn nuôi và triển khai dự án phát triển chăn nuôi, xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi; giải pháp về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và xúc tiến di dời các cơ sở chăn nuôi trong vùng cấm nuôi.

Sau khi có quy hoạch, UBND các huyện và thị xã Long Khánh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích nông dân từ bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung, tham gia vào các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Đến năm 2013, khi nhận thấy hầu hết các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng nên không thu hút được các doanh nghiệp, trang trại, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa IX đã ban hành một nghị quyết chọn 10 vùng quy hoạch chăn nuôi có ưu thế phát triển tại 4 huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ, để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhưng sau đó, do tiếp tục gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực đầu tư trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Đồng Nai đã rút lại, chỉ chọn 7 vùng chăn nuôi tập trung để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng.

Có thể nói, quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung của UBND tỉnh Đồng Nai đã từng thu hút sự quan tâm của người chăn nuôi trên địa bàn, vì chăn nuôi tập trung có những ưu điểm so với chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, nhất là việc quản lý được dễ dàng hơn.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, chăn nuôi tập trung đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, mà trước hết là giá đất.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá đất trong các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung không theo giá của nhà nước mà theo giá thị trường. Doanh nghiệp, chủ trang trại muốn có đất để xây dựng trang trại trong khu chăn nuôi tập trung phải thỏa thuận giá với người chủ đất. Giá đất cao khiến cho nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại phải cân nhắc việc vào các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, bởi chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn.

Một trang trại nuôi gà công nghiệp ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Một trang trại nuôi gà công nghiệp ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Một lý do khác là mỗi một khu chăn nuôi tập trung sẽ tập hơp nhiều trang trại với các phương pháp chăn nuôi khác nhau, thời gian tái đàn khác nhau, thời gian tiêm vacxin khác nhau… Do đó, ở các khu chăn nuôi tập trung vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn về bùng phát và lây lan dịch bệnh. Những yếu tố này đã khiến cho nhiều chủ trang trại có kiến thức ngại ngần vào các khu chăn nuôi tập trung.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ một số doanh nhân, chủ trang trại, các doanh nghiệp, trang trại muốn vào khu chăn nuôi tập trung còn đối mặt với nhiều vấn đề khác như khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư, các chính sách ưu đãi hỗ trợ di dời vào khu chăn nuôi tập trung chưa phù hợp…

Chính vì vậy, sau gần 10 năm Đồng Nai quy hoạch chăn nuôi tập trung, đến năm 2017, mới chỉ  có 655 trang trại vào các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, bằng gần 29% tổng số trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai vào thời điểm ấy. Trong đó, chỉ có 127 trang trại hoạt động ở 7 vùng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Thậm chí, vùng chăn nuôi tập trung ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, dù đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhưng đến năm 2017 vẫn không có trang trại nào vào hoạt động.

Trước tình hình đó, cuối năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo  “Quy hoạch chăn nuôi - thực trạng và giải pháp”. Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia, doanh nhân và chủ trang trại nêu ra những bất cập liên quan đến chăn nuôi tập trung, từ đất đai tới chính sách, dịch bệnh...

Chẳng hạn, theo chia sẻ của ông Lê Văn Quyết, chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở Đồng Nai, một số người bạn của ông từng mua đất xây trang trại ở khu chăn nuôi tập trung thuộc xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, nhưng sau một thời gian phải đóng cửa vì tình trạng lây lan dịch bệnh ở khu này.

Trước những ý kiến xác đáng của các chuyên gia, doanh nhân, chủ trang trại, ngay tại buổi hội thảo ấy, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để đánh giá lại để có kiến nghị lên UBND tỉnh là nên điều chỉnh hay bỏ quy hoạch chăn nuôi tập trung.

Đến khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (ASF), chăn nuôi tập trung càng bộ lộ rõ vấn đề lớn nhất của mô hình này là khi xảy ra dịch bệnh ở các khu chăn nuôi tập trung nguy cơ lây lan cho các trang trại trong khu là rất lớn. Bởi ở khu chăn nuôi tập trung, các trang trại thường nằm gần nhau nên việc đảm bảo an toàn sinh học cho từng trang trại là rất khó.

Trong đợt cao điểm dịch bệnh ASF ở Đồng Nai, không chỉ các trang trại vừa và nhỏ, có những trang trại quy mô lớn với hàng chục nghìn con heo, được xây dựng theo hướng đảm bảo an toàn sinh học cao, cũng vẫn bị ASF xâm nhập và gây thiệt hại nặng nề.

"Khi quy hoạch chăn nuôi tập trung, quan điểm của tỉnh Đồng Nai là chăn nuôi tập trung để dễ quản lý. Nhưng khi triển khai giá đất ở các vùng chăn nuôi quá cao, khiến cho các doanh nghiệp, trang trại rất khó vào. Vì nếu vào vùng chăn nuôi tập trung, chi phí bỏ ra rất lớn. Về an toàn sinh học, các trang trại phải có một khoảng không gian cách ly để phòng chống các dịch bệnh lây lan vào trang trại. Nhưng khi tập trung vào một nơi, các trang trại không đảm bảo được yêu cầu này. Cuối cùng thực tiễn đã chứng minh rằng chăn nuôi tập trung là không ổn." Ông Trần Lâm Sinh, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.