Gieo cấy nhanh nhất vụ hè thu, vụ mùa để tránh rủi ro thời tiết. Linh hoạt phương thức giao đất rừng cho cộng đồng khó khăn. Việt Nam luôn sát cánh cùng nông nghiệp châu Phi. Công nhận 2 vùng an toàn dịch bệnh Newcastle tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
GIEO CẤY NHANH NHẤT VỤ HÈ THU, VỤ MÙA ĐỂ TRÁNH RỦI RO THỜI TIẾT
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Mùa và định hướng vụ Đông 2022 các tỉnh phía Bắc vào sáng 27/5 tại Thái Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, các địa phương cần bám sát đồng ruộng, diễn biến thời tiết từ nay tới cuối vụ để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa. Tiến hành thu hoạch nhanh những diện tích có thể thu hoạch với chủ trương “xanh nhà hơn già đồng”. Bên cạnh đó, khẩn trương, chuẩn bị phương tiện, kế hoạch làm đất, gieo cấy nhanh nhất vụ hè thu, vụ mùa để tránh rủi ro do thời tiết. Cơ cấu giống ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày. Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao các địa phương cần áp dụng phương pháp canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nhất để hạ giá thành sản xuất. Vụ Đông Xuân năm nay được đánh giá có điều kiện thời tiết diễn biến bất thường khiến thời gian thu hoạch lúa chậm hơn so với mọi năm từ 7-10 ngày, năng suất giảm đáng kể. Dự kiến, sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc vụ Đông Xuân 2021-2022 ước đạt 6,8 triệu tấn.Vụ Hè Thu năm nay, toàn vùng dự kiến gieo cấy 1.199 nghìn ha, giảm khoảng 20 nghìn ha so với năm 2021.
LINH HOẠT PHƯƠNG THỨC GIAO ĐẤT RỪNG CHO CỘNG ĐỒNG KHÓ KHĂN
Sáng 27/5, Viện tư vấn phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền Núi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo: “Giao đất, giao rừng cho cộng đồng khó khăn và giải pháp”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu Âu – tài trợ và được thực hiện bởi nhiều đơn vị như: Oxfam Việt Nam, Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung,... nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động Giao đất rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại các địa phương. Tại hội thảo các chuyên gia và đại biểu đã tham luận và chia sẻ kinh nghiệm về một số vấn đề, tiêu biểu là giao đất lâm nghiệp phải phù hợp với quy hoạch và truyền thống sử dụng. Trong đó cần xác định rõ phương thức cho giao đất rừng do điều kiện cụ thể của từng địa phương, cộng đồng khác nhau, phụ thuộc vào truyền thống và mối liên kết trong sử dụng đất, tài nguyên. Do đó, không nên áp đặt bất kỳ hình thức nào cho một cộng đồng cụ thể. Hiện diện tích rừng đã giao cho các hộ dân tộc thiểu số là khoảng 936.000ha, chiếm tỷ lệ 32% diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý trên cả nước.
VIỆT NAM LUÔN SÁT CÁNH CÙNG NÔNG NGHIỆP CHÂU PHI
Mỗi năm, châu Phi nhập khẩu khoảng 12-13 triệu tấn gạo. Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo cho 35/55 nước châu Phi với tổng trị giá đạt gần 630 triệu USD bao gồm các thị trường chính như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Mozambique và Ai Cập… Trong 20 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO-Châu Phi-Việt Nam, IFAD-Châu Phi-Việt Nam hoặc JICA-Châu Phi-Việt Nam… Các chương trình hợp tác đã gặt hái được một số thành công nhất định, giúp năng suất trồng lúa và nuôi cá của một số nước châu Phi tăng lên đáng kể. Chủ trương của lãnh đạo nhà nước Việt Nam là với những kinh nghiệm xóa đói, phát triển nông nghiệp, Việt Nam luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn châu Phi trong công cuộc xóa đói, tự lực tự cường về lương thực, phát triển bao trùm và bền vững.
Huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Newcastle trên gia cầm. Cúm gia cầm và Newcastle là 2 bệnh đặc biệt nguy hiểm trên gia cầm do tính chất lây lan nhanh, mạnh và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Newcastle do virus gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu và thường xảy ra chủ yếu tại nông hộ. Thực tế cho thấy, khi bệnh xảy ra hầu như cả đàn gà đều chết.
Việc được Cục Thú y công nhân là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Newcastle được xem là thành quả đáng ghi nhận cho sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.