Việc tưới mát chuồng nuôi trong những ngày nắng nóng giúp vật nuôi tránh bị sốc nhiệt, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây chết.
Cách tưới mát, giảm nhiệt độ chuồng trong nuôi gia cầm
Việc tưới mát chuồng nuôi trong những ngày nắng nóng giúp gia cầm tránh bị sốc nhiệt, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh tật và gây chết.
Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm cao và tốc độ gió thấp sẽ làm hạn chế quá trình bốc hơi trên bề mặt da, từ đó làm giảm hiệu quả thoát nhiệt của gia cầm. Đồng thời khi thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm cho gia cầm giảm sức đề kháng, một số trường hợp dẫn đến rối loạn về khả năng điều hòa thân nhiệt, tuần hoàn, hô hấp và tiêu hóa thức ăn. Đây là một trong những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức sản xuất của vật nuôi.
Thạc sĩ Lê Văn Trang, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova: Vịt nó sẽ vào trú nóng trong chuồng và nhiệt độ trong chuồng cũng rất cao. Nhiệt độ cao sẽ dẫn đến độ ẩm không khí cao thì sẽ dẫn đến hiện tượng vịt bị stress nhiệt. Khi nhiệt độ lên tới 34 - 35 độ C thì dẫn đến hiện tượng vịt bị cảm nắng, cảm nóng sẽ dễ đến tình trạng vịt bị chết.
Ngoài việc thiết kế chuồng trại thông thoáng, có sử dụng các vật liệu mái che cách nhiệt tốt, người nuôi có thể bố trí thêm các hệ thống tưới mát phù hợp với tập tính của từng loài vật nuôi. Điều này vừa giúp giảm nhiệt độ môi trường mà không gây nguy cơ phát sinh yếu tố nguy cơ dịch bệnh.
Thạc sĩ Lê Văn Trang, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova:Vào đầu mỗi buổi chiều thì chúng tôi sẽ dùng máy bơm để vừa có tác dụng rửa sạch, vừa hạ nhiệt độ. Khi mà trời nắng nóng trên 30 độ C thì hầu như vịt sẽ vào trong chuồng. Khi đó, nhiệt độ trong chuồng rất cao, sẽ ảnh hưởng đến con vịt. Nên khi phun nước như thế này thì vịt vẫn có thể ra uống nước, vừa là sân chơi.Đối với các chuồng hở có sân chơi thì có tác dụng rõ rệt, khi nhiệt độ lên cao thì vịt vẫn phát triển bình thường, năng suất tốt.
Đối với nuôi gà, người nuôi có thể lắp hệ thống phun nước làm mát mái và làm mát trong chuồng nuôi dạng phun sương. Cách này sẽ giúp giảm nhiệt tức thì cho mái, chuồng nuôi.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova: Đối với chuồng gà thì trong những ngày nắng nóng trên 33 độ C thì có thể làm mát bằng cách phun nước tạo ẩm trên mái chuồng để giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Chúng ta bắt đầu phun nước từ khi trời còn mát. Bởi vì nếu trời nóng mới phun nước thì nhiệt độ sẽ tăng cao, sẽ áp xuống chuồng nuôi thì gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Kết thúc vào lúc hết nắng thì chúng ta tắt hệ thống làm mát.
Ngoài ra, hàng ngày người nuôi cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia cầm, nhất là đàn gà đẻ, gà con nuôi úm để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng và cung cấp nước sạch, mát đủ cho gà uống tự do.
Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo, cho ăn thêm các loại rau xanh, củ quả, đồng thời tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Gluco KC, chất điện giải…