| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi miền núi lo ngay ngáy sau bão lũ

Thứ Ba 08/10/2024 , 06:14 (GMT+7)

Người dân vùng cao Nghệ An vẫn giữ thói quen thả rông gia súc trong rừng, điều này kéo theo muôn vàn nguy cơ, nhất là khi thiên tai, mưa bão ghé thăm.

Hình thức chăn nuôi thả rông kéo theo muôn vàn nguy cơ. Ảnh: Việt Khánh. 

Hình thức chăn nuôi thả rông kéo theo muôn vàn nguy cơ. Ảnh: Việt Khánh. 

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên đặc thù với diện tích rừng trải rộng nhưng quỹ đất canh tác lại hạn chế, đồng bào vùng cao Nghệ An thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu vẫn trung thành với tập tục thả rông gia súc trong rừng.

Ưu điểm của cách làm này là trâu, bò có điều kiện phát triển ở môi trường rộng lớn, lại tận dụng được đồng cỏ mênh mông sẵn có trong tự nhiên làm thức ăn hàng ngày.

Ở chiều ngược lại là muôn vàn mối họa chất chồng do không thể kiểm soát thường xuyên, liên tục. Rõ nhất là nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng, nghiêm trọng hơn nữa là sụt giảm quy mô tổng đàn khi gia súc khó trụ vững trước thiên tai, giông lốc.

Cứ sau mỗi trận thiên tai là người chăn nuôi ở miền núi lại lo ngay ngáy. Ảnh: Việt Khánh.

Cứ sau mỗi trận thiên tai là người chăn nuôi ở miền núi lại lo ngay ngáy. Ảnh: Việt Khánh.

Lo ngại trên không thừa, thực tế tại khu vực miền núi Nghệ An đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc. Gần đây có trường hợp của gia đình ông Vang Trung Thúy ở xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu. Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, trên địa bàn xảy ra mưa to gió lớn, lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng vợ chồng ông Thúy đã khẩn trương rời khỏi trang trại, vị trí nằm sâu tít trong rừng già để về nhà tránh trú.      

Vài ngày sau, khi thời tiết chuyển biến hơn mới quay vào kiểm tra, lúc này ông Thúy tá hỏa khi phát hiện 8 con trâu lực lưỡng đã tử vong từ bao giờ. Từ dấu vết để lại tại hiện trường, đặc biệt là những vệt đen, cháy xém hằn rõ trên một số con trâu vắn số, không loại trừ khả năng đã bị sét đánh trúng. Sự cố lần này khiến gia đình thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Người dân bản Đửa ưu khắc phục hậu quả mưa bão, chung quy chưa biết đích xác tổng đàn gia súc, gia cầm sẽ hao hụt bao nhiêu. Ảnh: Việt Khánh.  

Người dân bản Đửa ưu khắc phục hậu quả mưa bão, chung quy chưa biết đích xác tổng đàn gia súc, gia cầm sẽ hao hụt bao nhiêu. Ảnh: Việt Khánh.  

Trong khi đó huyện nghèo Kỳ Sơn cũng trầy trật trước những sự cố bất thường của thiên tai. Ghi nhận diễn biến trong khoảng thời gian từ 30/9 - 3/10 thấy tình hình hết sức quan ngại, mưa như thác đổ suốt nhiều ngày liền gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ, làm thiệt hại nặng nề trên nhiều phương diện, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.

Mưa bão lần này khiến nhiều hộ chăn nuôi “khóc ròng”, qua kiểm đếm nước lũ đã cuốn trôi nhiều gia cầm, làm chết 1 con trâu, 14 con lợn của người dân 2 xã Chiêu Lưu và Bảo Nam.

Đánh giá tổng quan, địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đợt rồi phải là xã Lượng Minh của huyện Tương Dương, trong đó “tâm lũ” gọi tên là bản Đửa, nơi vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng nhất xuyên suốt chiều dài 70 năm hình thành.

Trận lũ quét diễn ra vào đêm khuya ngày 30/9, chỉ kéo dài trong khoảng 40 phút nhưng để lại di chứng nhớ đời. Mưa gió bão bùng cuốn theo bùn lầy, đất đá, cỏ cây đã làm tan hoang bản nghèo trong chớp mắt. Mức độ càn quét quá đỗi khủng khiếp, chung quy vượt ngoài sức tưởng tượng của tất thảy. Lũ dữ đã qua 1 tuần rồi nhưng như thể còn quanh quẩn đâu đây, trên từng mặt người vẫn in rõ nét âu lo, mỏi mệt.

Thiệt hại sau mỗi trận bão lũ với chăn nuôi gia súc gia cầm với người dân vùng cao luôn là không hề nhỏ. Ảnh: Việt Khánh.

Thiệt hại sau mỗi trận bão lũ với chăn nuôi gia súc gia cầm với người dân vùng cao luôn là không hề nhỏ. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Lô Văn Du, Trưởng bản Đửa nói hộ nỗi lòng của dân bản: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chúng tôi chưa từng chứng kiến trận thiên tai nào kinh hoàng đến thế, có lẽ phải mất nhiều thời gian nữa bản Đửa mới tìm lại được nhịp đập thân quen. Lúc này đây đang ưu tiên khắc phục sự cố, tập trung dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nhất là những nhà bị ngập nặng, ngập sâu.

Công việc bộn bề nhưng nhân lực có hạn khi phần đông cánh thanh niên trai tráng đều lũ lượt đi làm ăn xa, ở nhà người già, trẻ nhỏ không cáng đáng nổi. Thường ngày dân bản vẫn chăn thả gia súc, gia cầm ở khu vực C5, nay đường đi lối lại và những công trình phụ trợ đã bị lũ xóa mất dạng, neo người, di chuyển bất tiện nên chưa thể biết đích xác mức độ thiệt hại, có điều chắc chắn không hề nhỏ”.  

Ghi nhận thực tế tại Nghệ An cho thấy, tỷ lệ tiêm phòng vacxin đối với dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, viêm da nổi cục đều không đạt nên câu chuyện chăn nuôi bền vững vẫn là một cái gì đó khá xa vời. 

Xem thêm
Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).