Nhiều hộ dân ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang sản xuất sạch nói 'không' với phân, thuốc trừ sâu hóa học.
Nông dân Bỉm Sơn nói 'không' với phân, thuốc trừ sâu hóa học
Vườn cây ăn quả của bà Bà Nguyễn Thị Sanh tại khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh HóaThanh Hóa) rộng khoảng 17 héc ta với các loại cây trồng chủ lực như cam canh, bởi Diễn, bưởi da xanh. Quá trình canh tác, bà Sanh thực hiện theo tiêu chuẩn “5 không” gồm “Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản”. Để vườn cây ăn quả phát triển khỏe mạnh, cho trái ngọt, bà Sanh bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phân chuồng hoai mục và sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học.
Bà Sanh cho biết, nhờ canh tác nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ nên vườn cây ăn quả của bà phát triển tốt, chất lượng quả ngon, giá bán cao và được thương lái trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Mỗi năm, bà Sanh xuất ra thị trường hàng chục tấn quả sạch, sau khi trừ chi phí bà thu về gần 1 tỷ đồng tiền lãi.
Bà Sanh chia sẻ: "Ngày xưa dùng phân, thuốc hóa học nên không thể chăn nuôi dưới tán cây. Bên cạnh đó, người dân không dám tiêu dùng sản phẩm. Bây giờ trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, người dân vô tư sử dụng sản phẩm sạch. Nhiều gia đình đến tận vườn để mua sản phẩm mang đi du lịch...".
Không chỉ riêng gia đình bà Sanh, nhiều hộ dân khác tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa cũng bắt đầu chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch. Sau thời thực hiện, người dân nhận thấy rằng, lợi ích của sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững giúp bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; duy trì và nâng cao sức khỏe của con người.
Bà Trương Thị Yên (Khu phố 3, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết: “Làm dứa sạch tốn thời gian thu hoạch. Nói đến công cán thu hoạch, nhiều người sợ không dám làm, nhưng gia đình tôi chọn hướng đi này vì sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Việc chăm sóc cây sử dụng phân bón hữu cơ nên tốt cho môi trường. Ngoài ra, tôi dùng cá, ủ làm phân, bón cho cây trồng".
Với xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, trong thời gian qua, các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững đang được phát triển mạnh tại tỉnh Thanh Hóa. Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có trên 200 ha ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, hoa, quả; gần 2.500 ha sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; 13,6 ha đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 5.100 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, chủ thể luôn tuân thủ việc lựa chọn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh để chăm sóc cây trồng.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ hệ sinh thái trong sản xuất trong đó ban hành đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, quản lý thuốc bảo vệ sinh học, đề án quản lý dinh dưỡng cây trồng. Chúng tôi hy vọng, các đề án sẽ được triển khai đồng bộ tới các địa phương để mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp".
Ngoài ra, để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo hiệu quả để người dân học tập. Đồng thời, tỉnh Thanh đã ban hành nhiều cơ chế “mở cửa”, tạo hành lang thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.