Hạn hán kéo dài nhiều ngày khiến diện tích mía nguyên liệu của ngành mía đường Tuyên Quang bị giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
Đây là vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Năm nay do hạn hán kéo dài, khiến cây mía còi cọc, xác xơ, ảnh hưởng đến năm suất, sản lượng của vụ ép 2024-2025.
Gia đình chị Trần Thị Thao, thôn Đào Tiến, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương trồng 2ha mía. Đầu vụ cây mía lớn rất nhanh, tuy nhiên khoảng 3 tháng nay, thời tiết không có mưa khiến cây mía còi cọc, năng suất suy giảm khoảng 20% so với vụ năm ngoái.
Cũng giống gia đình chị Thao gia đình chị Đỗ Thị Thùy Vân, thôn Đào Tiến, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương trồng 2ha mía. Cây mía là nguồn thu nhập chính trong nhiều năm nay của gia đình chị. Thế nhưng năm nay hạn hán kéo dài, năng suất chỉ đạt chưa đến 60 tấn/ha, giảm từ 5 đến 10 tấn/ha so với những vụ trước.
Theo Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, vụ mía năm nay vùng mía nguyên liệu của công ty là khoảng 2.500ha, sản lượng mía ước đạt 150.000 tấn, tuy nhiên do tình hình khô hạn kéo dài, sản lượng có thể giảm cả nghìn tấn so với dự kiến ban đầu. Giá mía nguyên liệu được công ty thu mua là 1.300.000 đồng/tấn. Với giá này, trừ các khoản chi phí người nông dân có lãi khoảng 60 đến 80 triệu đồng/ha, do đó các hộ dân đã quay lại gắn bó với cây mía.
Vụ ép năm 2024-2025 của ngành mía đường Tuyên Quang bắt đầu từ cuối tháng 12/2024 đến khoảng giữa tháng 3/2025. Thuận lợi lớn nhất hiện nay là giá đường kính trắng trên thị trường khá cao và ổn định, việc tiêu thụ cũng thuận lợi. Dự kiến năm 2025, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương sẽ mở rộng thêm diện tích lên hơn 1.000ha. Đưa cây mía dần trở lại thành cây trồng chủ lực, nâng cao đời sống của người nông dân ở Tuyên Quang.