Ông Lê Công Chất tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nuôi cá lóc bằng thức ăn cao cấp, sống trong nguồn nước sạch chảy từ khe núi, mỗi năm có thể đạt lợi nhuận 2-3 tỷ đồng.
Nuôi cá lóc trong môi trường sạch, nông dân thu lợi hàng tỷ đồng
Trên quy mô diện tích 10ha, ông Lê Công Chất tại xóm 1, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã triển khai mô hình nông nghiệp liên kết tuần hoàn, vừa trồng cam, nuôi bò lại nuôi cá lóc quy mô lớn. Mỗi loại hình đều tương trợ khá tốt cho nhau giúp ông Chất thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, trong đó mô hình nuôi cá lóc đầu nhím là hướng đi thực sự khả quan. Nghe qua tưởng dễ nhưng để nuôi thành công con cá lóc đầu nhím là cả chặng đường dài ghập ghềnh, đầy rẫy chông gai.
Phỏng vấn ông Lê Công Chất: “Khi tiếp cận trang trại này tôi nhận thấy mặt nước hồ khá nhiều, lại có lợi thế nguồn nước sạch đầu nguồn, từ đó tôi triển khai nuôi nhiều loại cá, nuôi thêm cả lươn, ốc. Qua theo dõi thấy con cá lóc phù hợp nhất với địa thế ở đây”.
Triển khai mô hình theo hướng hữu cơ đòi hỏi phải tuân thủ đầy đủ quy trình, công đoạn, tất cả phải theo đúng chuẩn mực mới mong tạo dựng thương hiệu vững bền. Một mặt ông Chất đầu tư cải tạo vùng nuôi, từng bước mở rộng ao đầm, mặt khác khâu nối với đơn vị cung ứng con giống, thức ăn uy tín hàng đầu để nhập về dòng sản phẩm ưng ý nhất.
Bước đầu ông Chất nuôi thử nghiệm 20 vạn con cá lóc, qua theo dõi thấy cá phát triển nhanh, ổn định, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Đặc biệt, đối tác và người tiêu dùng đánh giá chất lượng con cá lóc nơi này vượt trội so với mặt bằng chung.
Phỏng vấn ông Lê Công Chất: “So sánh đơn thuần thấy rằng thịt con cá đồng nuôi vùng cao không thơm ngon bằng con cá lóc nuôi ở đây, bởi vì tôi dùng thức ăn cao cấp và nuôi bằng nguồn nước sinh, sạch chảy từ trong khe núi ra, đồng thời triển khai quy trình nuôi kéo dài, nhờ đó sản phẩm được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Năm thuận lợi có thể đạt lợi nhuận 2 – 3 tỷ đồng, khi kém nhất cũng đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm”.
MC: Thu về giá trị kinh tế cao giúp chủ hộ có điều kiện tiếp tục hoàn thiện, mở rộng quy mô, đến nay gia đình đã sở hữu vùng nuôi rộng khoảng 1.200 m2, rải đều cho 6 hồ. Bên cạnh đó còn xây thêm 2 bể ương giống nhằm chủ động đầu vào. Từ đầu chí cuối là một vòng tuần hoàn chặt chẽ, khép kín, kết hợp với đầu ra ổn định là kịch bản không thể hoàn hảo hơn.
Phỏng vấn ông Cao Cử Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc: “Trong những năm qua Nghi Văn tập trung phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt có mô hình tuần hoàn của ông Lê Công Chất tại xóm 1, ông Chất vừa nuôi bò, vừa nuôi cá, vừa trồng cam. Trước đây một năm chỉ nuôi một vụ cá lóc, hiện nay đã chủ động nhân giống và triển khai thường xuyên, hàng năm thu hàng trăm tấn sản phẩm. Mô hình phát triển rất tốt nhờ tận dụng được nguồn nước sạch chảy từ trong khe núi ra. Nghi Văn đang có chủ trương để nhân rộng mô hình này”.
MC: Hiện nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Nghệ An đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng con giống không đảm bảo. Đặt trong bối cảnh đó, thành công từ mô hình nuôi cá lóc tuần hoàn của ông Chất được xem là hướng đi đầy khả quan.