Ninh Bình hiện có khoảng 2.400 con hươu được nuôi theo mô hình trang trại, đây đang là hướng đi mới trong chăn nuôi tại địa phương.
Chăn nuôi hươu - Hướng đi mới ở Ninh Bình
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ninh Bình, nổi tiếng về chăn nuôi dê. Vậy nhưng, anh Đỗ Văn Chi, thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp lại mạnh dạn chọn hươu là vật nuôi chủ lực để khởi nghiệp. Ban đầu, do nguồn vốn eo hẹp nên gia đình chỉ có thể mua 1 con và tích lũy dần. Theo anh Chi, chăn nuôi hươu không yêu cầu quá cao về kỹ thuật, thức ăn chủ yếu là lá cây và cỏ. Tuy vậy, yếu tố chuồng trại cũng cần đặc biệt quan tâm.
Anh ĐỖ VĂN CHI - Xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, Ninh Bình
Để đảm bảo cho con hưou phát triển tốt thì gia đình có làm khu chăn nuôi bán hoang dã, hưou nai thích được bãi thả thì phát triển tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Cùng 1 diện tích nuôi như thế này thì tôi thấy hươu có lợi nhuận cao, dê thì bệnh tật nhiều mà nó cần bãi thả rộng hơn. Con hưou này thì chỉ cần bãi thả vừa phải là mình cắt cỏ lá cho nó ăn là nó phát triển rất tốt.
Trang trại của anh Chi được chia ra là 5 khu nuôi trên diện tích hơn 1ha với tổng đàn hươu là 70 con, trong đó 30 con cho nhung. Bình quân mỗi năm, 1 con hươu sẽ cho từ 6 đến 1 kg nhung với giá bán trung bình khoảng 16 đến 17 triệu/kg. Không chỉ khai thác nhung hay hươu thịt, anh Chi cũng đã có thể tự nhân giống và cung cấp cho bà con trong cũng như ngoài tỉnh với giá hơn 30 triệu đồng/cặp.
Anh ĐỖ VĂN CHI - Xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, Ninh Bình
Hiện nay trang trại tôi nhung hươu, nai bà con các nơi được giới thiệu nên đặt trang trại đến đâu hết đến đó và hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con. Như trang trại tôi năm vừa rồi được 3 yến nhung, cao thì tùy khách đặt. Con giống trại tôi năm vừa rồi xuất hơn 3 chục con và từ giờ đến cuối năm còn xuất nữa.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.400 con hươu, được nuôi tập trung tại các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long huyện Nho Quan và Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Đây cũng được xác định là một trong những con nuôi đặc sản sẽ được phát triển tại Ninh Bình trong thời gian tới.
Ông NGUYỄN TIẾN MẠNH - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình
Qua sản xuất thực tế chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nhất là sản phẩm từ thịt hươu, giống và nhung hươu. Tỉnh cũng đang có những cơ chế chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP như nhung hươu để nâng cao giá trị và đẩy mạnh tiêu thụ trong cũng như ngoài tỉnh, kết nối các hộ sản xuất với nhau và cung ứng sản phẩm.
Hiệu quả kinh tế từ mô hình con đặc sản như hươu được đánh giá cao hơn so với các con nuôi truyền thống như dê, bò. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi du lịch Ninh Bình đang phát triển, nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản, du lịch trải nghiệm, khám phá của du khách ngày càng tăng cao. Đây sẽ là hướng đầu tư mới, phù hợp với nhu cầu thị trường và mang lại thu nhập cao cho các hộ chăn nuôi.