Việc khôi phục sản xuất của bà con ở vùng rau, cây ăn trái trọng điểm huyện Bảo Thắng (Lào Cai) gặp nhiều khó khăn do bùn đất nhấn chìm.
Vùng hoa màu, cây ăn quả ngập trong bùn đất
Việc khôi phục sản xuất của bà con ở vùng rau, cây ăn trái trọng điểm huyện Bảo Thắng (Lào Cai) gặp nhiều khó khăn do bùn đất nhấn chìm.
Trong đợt lũ cùng với hoàn lưu bão số 3 vừa qua, toàn bộ 280 cây na trên 7 năm và 80 cây na khác hơn 4 năm của anh Bùi Đức Mạnh, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai đều bị nhấn chìm trong biển nước và bùn đất. Diện tích na này cũng là nguồn thu chính của gia đình. Vậy mà giờ đây, toàn bộ sẽ phải chặt bỏ và không thể cứu vãn được.
Ông BÙI ĐỨC MẠNH
Thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai
Thiên tai không may xảy ra nên toàn bộ số na trong vườn đều chết sạch. Để khôi phục sản xuất, gia đình tôi dự định thuê máy về san gạt rồi trồng lại….
Nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu tại xã Thái Niên cũng đều bị lũ bùn, ngập úng đã phá hủy toàn bộ. Với lượng bùn đất lớn trong vườn, ngoài bãi thì ngay cả việc sử dụng máy xúc dể dọn dẹp, người dân ở đây sẽ phải mất nhiều tuần lễ mới có thể canh tác trở lại.
Ông PHẠM VĂN XUÂN
Trưởng thôn Quyết Tâm,xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai
Đất xúc ở đường gọi đất thải khi phù sa bồi lắng vào thì tương đối tốt chúng tôi sẽ đổ vào vườn sau này cũng là nguồn đất rất tốt.
Theo UBND xã Thái Niên, cơn bão số 3 trên địa bàn xã thiệt hại trên 67 ha rau màu, cây ăn trái trên 7 ha ao cá... Đến nay, địa phương đã rà soát diện tích có thể canh tác lại ngay. Đồng thời sẽ hỗ trợ các thôn để phục hồi, tái tạo trồng mới lại các vùng rau màu.
Ông ĐỖ NGỌC SƠN
Chủ tịch UBND xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai
Vừa rồi diện tích rau màu bị ngập phù sa rất dày tới 30 đến 70 cm, do đó khắc phục ngay rất khó, có thể mất 1-2 tháng. Hiện chúng tôi đang khảo sát diện tích trồng ngô bị hỏng để canh tác ngay.
Theo UBND huyện Bảo Thắng, mưa lũ đã làm 781ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập nước. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã thống nhất dành kinh phí từ "quỹ xây dựng nông thôn mới" và huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất rau an toàn tại vùng rau trọng điểm của huyện. Trước mắt, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để người dân mua giống rau, vật tư phục vụ sản xuất.