Nhiều hộ dân ở xã Chư Răng (huyện Ia Pa) phản ánh về diện tích đất canh tác lúa nước của họ tăng bất hợp lý, dẫn đến gia tăng chi phí dịch vụ thủy nông.
Kê khống dịch vụ công ích thủy lợi ở Gia Lai
Từ năm 2014 đến 2023, xã Chư Răng có 2 trạm bơm tư nhân thuộc Tổ dịch vụ thủy nông số 1 và số 2, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hecta lúa. Cả hai trạm đều nhận hỗ trợ từ Chính phủ với mức hơn 1,6 triệu đồng/ha/vụ. Theo quy trình, các tổ dịch vụ thủy nông phải kê khai diện tích tưới tiêu và được UBND xã xác nhận trước khi thanh toán. Tuy nhiên, vào tháng 7/2023, UBND xã phát hiện nhiều bất thường trong việc kiểm đếm diện tích thụ hưởng dịch vụ.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Chư Răng (huyện Ia Pa):
Qua phản ánh của người dân, UBND xã đã thành lập các đoàn để kiểm tra rà soát. Sau rà soát, chúng tôi phát hiện trên địa bàn xã có một số diện tích để đề nghị hỗ trợ thuỷ lợi phí không đúng và có sự chênh lệch. Một số hộ dân không đúng chữ ký, không sử dụng nước nhưng vẫn nằm trong danh sách đề nghị hỗ trợ. UBND xã cho tạm dừng việc lập hồ sơ hỗ trợ thuỷ lợi phí và báo cáo UBND huyện.
Cụ thể, Tổ dịch vụ thủy nông số 1 kê khai 137 hộ với diện tích hơn 36 ha, nhưng qua rà soát, có 40 hộ không trùng tên hoặc diện tích; 14 hộ kê khai nhưng không có danh sách đề nghị hỗ trợ, đáng chú ý có 38 chữ ký không đúng. Tương tự, Tổ dịch vụ thủy nông số 2 với hơn 148 ha và 707 hộ cũng phát hiện nhiều sai sót, có 76 hộ không trùng tên hoặc diện tích; 31 hộ kê khai nhưng không có danh sách hỗ trợ.
Phỏng vấn: Ông Trần Văn Khánh (thôn Bình Hoà, xã Chư Răng, huyện Ia Pa):
Gia đình chỉ có khoảng 600m² đất nhưng mới đây phía trạm bơm đến báo diện tích canh tác nhà tôi tăng lên 1,4 sào mà không rõ lý do. Họ yêu cầu tôi ký xác nhận diện tích tăng nhưng tôi không đồng ý. Nếu có vấn đề gì, UBND xã cần gọi chúng tôi cùng và đơn vị dịch vụ ra đồng đo đạc cụ thể, khi đó tôi mới ký.
Phỏng vấn: Ông Trần Trọng Ích, Trưởng thôn Bình Hoà (xã Chư Răng, huyện Ia Pa):
Người dân chúng tôi đã có đề nghị, đối với những hợp đồng kinh tế này thì sau mỗi mùa vụ cần tổ chức họp dân để thống nhất về diện tích và mức thu, nhưng điều này chưa được thực hiện. Vấn đề giả mạo chữ ký, ký khống trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ cần phải sàng lọc kỹ lưỡng để đảm bảo tính minh bạch chứ không thể để như thế được.
Tại thôn Đoàn Kết, tình trạng tương tự cũng diễn ra, với diện tích đất canh tác tăng bất hợp lý và tình trạng giả mạo chữ ký cũng xảy ra hàng loạt. Người dân tại đây mong muốn các cấp chính quyền sớm làm rõ vấn đề để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nông dân.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Bá Việt, Trưởng thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng, huyện Ia Pa):
Có nhiều người dân có tên trong danh sách nhưng không ký, trong khi sổ sách lại có chữ ký. Chúng tôi không hiểu vì sao lại như vậy. Nhà máy nước làm như thế nào, chúng tôi hoàn toàn không biết. Còn những hộ có tên mà không có đất thì để làm gì? Tên ai và ai là người hưởng thụ, hưởng lợi? Chúng tôi cần chính quyền giải quyết vấn đề này một cách minh bạch.
Được biết, trong năm 2022, tỉnh Gia Lai đã chi 650 triệu đồng cho các tổ dịch vụ thủy nông tại xã Chư Răng. Tổ dịch vụ thủy nông số 1 nhận gần 120 triệu đồng cho hơn 36 ha lúa, trong khi tổ dịch vụ số 2 nhận xấp xỉ 530 triệu đồng cho trên 162 ha. Tuy nhiên, cả hai tổ dịch vụ này đều có dấu hiệu kê khai không chính xác. Cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của người nông dân và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý ngân sách.