Mô hình 'Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính vụ thu đông tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho kết quả rất tốt, năng suất đạt khoảng 7,4 tấn/ha.
Trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính vụ thu đông vẫn đạt năng suất cao
Đây là mô hình Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính của dự án BNS tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Mô hình được triển khai trong vụ lúa thu đông 2024 với giống lúa OM 5451, diện tích canh tác là 18ha. Mô hình áp dụng quy trình canh tác 1 phải 5 giảm và AWD hay gọi là “Canh tác lúa thông minh ướt – khô xen kẽ”, toàn bộ quy trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lí bởi vệ tinh. Quy trình đã giúp người dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30%, giảm lượng phân bón hóa học khoảng 15%, lượng giống sử dụng giảm từ 120kg/ha xuống còn 80kg/ha.
Phát biểu Ông TRẦN MINH TIẾN – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon: “Chúng tôi đưa ra quy trình từ khâu làm đất đến thu hoạch, quy trình quy định chi tiết từng ngày 1 phải làm gì và đến nay đã cho kết qur ngoài mong đợi…”
Phát biểu Ông NGUYỄN THÀNH HƯỞNG – Quản lý hoạt động ngành nông nghiệp, Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB Nanotech “Chúng tôi áp dụng 1 phải 5 giảm, chúng tôi quan trắc và đo được khí thải CH4, đây là vùng chúng tôi làm ở Hậu Giang và rất có ích cho người trồng lúa…”
Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho người trồng lúa. Cụ thể, ruộng lúa trong dự án BNS năng suất lúa đạt gần 7.433kg/ha (tăng 17,2% so với đối chứng), lợi nhuận thu được khoảng 34, 858 triệu đồng/ha (tăng 46,9% so với đối chứng); ruộng lúa đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống thì năng suất lúa chỉ đạt 6.340kg/ha, lợi nhuận khoảng 23,727 triệu đồng/ha. Từ kết quả thực tế, mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 3 triệu đồng/ha mà lợi nhuận còn tăng hơn 11 triệu đồng/ha so với canh tác theo cách truyền thống.
Phát biểu Ông LA VĂN HÀNH - Xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Đầu tiên sạ làm đất rồi cho máy bay vô sạ rồi bón phân theo quy trình của dự án…Thuốc hồi trước xài 5-6 lần giờ còn 3 lần, giảm chi phí nhưng năng suất cao hơn, lợi nhuận hơn..”
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A được xem là mô hình hiện đại trong xuất lúa hiện nay, mô hình không chỉ giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất lúa mà còn góp phần thành công vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mà Bộ NN&PTNT đang triển khai hiện nay.
Phát biểu Ông NGÔ MINH LONG – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang: “Hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo đề án 1 triệu ha trong chương trình giảm phát thải và đang phối hợp với các đơn vị để triển khai. Cái mô hình tham quan hôm nay thấy năng suất rất tốt nên sẽ chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới….”
Theo đánh giá, mô hình đã tạo ra một quy trình trồng lúa thông minh, khép kín từ đơn vị cung cấp vật tư đầu vào, đến việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật, đưa ra các phương pháp quan trắc, đo đạc, báo cáo thẩm định lượng phát thải khí nhà kính, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giảm phát thải, giảm chi phí, tăng sản lượng và tăng lợi nhuận.