Một số mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào nuôi tôm đã làm tăng hiệu quả sản xuất và thu hút người nông dân Quảng Bình.
Những mô hình nuôi tôm mới, thu hút nông dân
Một số mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào nuôi tôm đã làm tăng hiệu quả sản xuất và thu hút người nông dân
Hiện nay, khí hậu, thời tiết và môi trường ở các vùng nuôi tôm tại Quảng Bình ngày càng diễn biến phức tạp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chất lượng con giống kém, giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu tăng không đáng kể đã làm cho người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Trước thực trạng đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất tại các vùng nuôi là rất cần thiết, nhằm mang lại hiệu quả bền vững, giúp người nuôi tôm hạn chế tối đa rủi ro, giảm chi phí, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai tại 2 hộ dân tại xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch với tổng diện tích 8.000 m2. Khác với việc nuôi tôm theo cách truyền thống 1 giai đoạn, thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn có ao ương trải bạt hoàn toàn nên hạn chế được mầm bệnh. Ao ương có diện tích nhỏ dễ quản lý, người nuôi có thể xác định được số lượng, mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn, nhờ đó giúp cho việc kiểm soát môi trường, lượng thức ăn tốt hơn, nhằm giảm các chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, điện,…
Khi chuyển sang nuôi giai đoạn 2, môi trường ao nuôi mới sạch sẽ hơn hạn chế được rủi ro do dịch bệnh. Bên cạnh đó, quá trình nuôi chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý nên môi trường ao nuôi thường xuyên ổn định, màu nước được duy trì, đồng thời xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa dễ dàng.
Phỏng vấn anh Lê Trường Thịnh, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch , tỉnh Quảng Bình
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt, ứng dụng công nghệ cao của ông Phạm Tiến Dũng ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch đã đưực triển khai và đạt hiệu quả tốt. Mô hình được đầu tư hệ thống nuôi có đầy đủ bể ương, ao nuôi, ao xử lý nước cấp, nước thải và các trang thiết bị phụ trợ. Nhờ vậy, đã tạo môi trường nuôi sạch hơn, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt, với kỹ thuật nuôi 2 đến 3 giai đoạn, từ ao ương đến ao nuôi thương phẩm, hộ nuôi có thể xác định được số lượng, mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn, nhờ đó kiểm soát tốt hơn môi trường và lượng thức ăn, giảm các chi phí đầu vào.
Phỏng vấn bà Hồ Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng kỹ thuật chăn nuôi và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình:
(Khác với nuôi truyền thống, nuôi tôm công nghệ cao nhiều giai đoạn có thể tăng hiệu quả kinh tế nhờ vào việc kiểm soát mật độ nuôi qua từng giai đoạn, quản lý tốt thức ăn và chất thải, nhờ đó tôm phát triển nhanh hơn, giảm áp lực dịch bệnh…)
Hiện nay, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với hàng trăm mô hình đã thu hút và tạo động lực cho nông dân phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản chất lượng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Quảng Bình sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ để khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào quá trình nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế bền vững hơn.