| Hotline: 0983.970.780

Người dân nuôi tôm theo VietGAP có thu nhập cao

Thứ Sáu 10/11/2023 , 09:37 (GMT+7)

Quảng Bình thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt theo VietGAP gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã cho hiệu quả cao.

Vùng nuôi tôm Quảng Châu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), trước đây các hộ chủ yếu đầu tư nuôi trong ao đất, nuôi 1 giai đoạn, chưa có điều kiện đầu tư ao hồ nên chỉ thả nuôi với mật độ thấp nên hiệu quả mang lại không cao, rủi ro do dịch bệnh cũng như thiên tai luôn xảy ra. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Bình khảo sát và chọn điểm Quảng Châu để hỗ trợ mô hình nuôi tôm mới cho bà con.

Dự án thực hiện ở 3 hộ nuôi với tổng quy mô gần 1,5ha. Đây là vùng nuôi tôm lâu năm, người dân chủ yếu nuôi trong ao đất, môi trường ngày càng tích tụ bị ô nhiễm, hiệu quả mang lại không cao, dịch bệnh thường xuyên đe dọa làm ảnh hưởng quá trình nuôi.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Bình cho hay, để hỗ trợ cho người dân thay đổi tư duy, thay đổi công nghệ nuôi mới có hiệu quả hơn, Trung tâm đã triển khai mô hình tạo động lực mới cho bà con.

Mô hình nuôi tôm áp dụng theo VietGAP cho hiệu quả cao ở xã Quảng Châu. Ảnh: T.Phùng.

Mô hình nuôi tôm áp dụng theo VietGAP cho hiệu quả cao ở xã Quảng Châu. Ảnh: T.Phùng.

“Mô hình triển khai đưa lại kết quả tốt, khẳng định được nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn trên ao lót bạt mang lại hiệu quả hơn so với nuôi tôm truyền thống trước đây, hạn chế rủi ro do dịch bệnh trên tôm. Từ đó, tạo niềm tin về công nghệ nuôi mới cho bà con”- Ông Hải nói.

Trên vùng nuôi tôm của xã Quảng Châu khá lớn, thấp thoáng bóng người đang kiểm tra các hồ nuôi. Ông Đàm Văn Thuyên (xã Quảng Châu), là chủ hộ gia đình thực hiện dự án nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn. Gia đình ông được sự hỗ trợ của dự án, đã đầu tư ao lót bạt với tổng diện tích khoảng 0,4 ha.

Đây là lần đầu tiên ông nuôi áp dụng quy trình nuôi tôm theo VietGap nên còn bỡ ngỡ. Nhưng, sau các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyên nông - khuyến ngư tỉnh tổ chức và được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm, cán bộ tư vấn đánh giá VietGap thì ông cũng vơi bớt lo lắng.

“Từ khâu chuẩn bị ao nuôi, lấy nước vào ao, gây màu nước, chọn giống, quản lý, chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch, hướng dẫn ghi sổ nhật ký, hạch toán hiệu quả kinh tế,… tôi được tấp huấn, hướng dẫn nên đã nắm được các kiến thức cơ bản để vận dụng vào nuôi tôm”, ông Thuyên bộc bạch.

Tôm thương phẩm có chất lượng cao, tăng thu nhập cho người nuôi. Ảnh: T.Phùng.

Tôm thương phẩm có chất lượng cao, tăng thu nhập cho người nuôi. Ảnh: T.Phùng.

Cũng như ông Thuyên, năm nay, ông Đặng Văn Nghiệp (xã Quảng Châu), cũng thực hiện dự án với quy mô 0,4ha. Ông Nghiệp chia sẻ, những năm trở lại đây, gia đình nuôi trên ao đất, do đáy ao nuôi lâu bị ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt nên tôm nuôi hay bị bệnh, hiệu quả không cao.

Năm nay, ông cùng một số hộ trong vùng đầu tư ao hồ để thực hiện dự án với mong muốn mang lại năng suất cao, hạn chế được các rủi ro khi nuôi, đồng thời áp dụng VietGAP để giá thành tốt hơn.

Sau khi thực hiện mô hình, ông Nghiệp đã học được cách quản lý tôm một cách khoa học. Nhờ nuôi 2 giai đoạn mà giúp cho việc kiểm soát môi trường, mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn và lượng thức ăn tốt hơn, nhằm giảm các chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học.

Điều quan trọng hơn là các hộ nuôi tôm đã nhận biết được những sản phẩm thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học tốt trên thị trường, những loại được dùng và không được dùng theo quy định của Bộ NN - PTNT.

“Bà con đánh giá cao, xem đây là hình thức nuôi có hiệu quả cao, kiểm soát tốt ao nuôi, giúp hạn chế được dịch bệnh, giảm chi phí nuôi giai đoạn đầu và đem lại sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm sản xuất được kết nối thị trường tiêu thụ nên người nuôi yên tâm sản xuất”, ông Nghiệp cho biết.

Người nuôi thường xuyên theo dõi, cập nhật giai đoạn phát triển tôm nuôi. Ảnh: T.Phùng.

Người nuôi thường xuyên theo dõi, cập nhật giai đoạn phát triển tôm nuôi. Ảnh: T.Phùng.

Sau vụ nuôi, sản lượng tôm tăng cao, tôm phát triển đồng đều và có trọng lượng đạt chuẩn. Tổng sản lượng của các hồ nuôi tôm trong khuôn khổ dự án đạt trên 18 tấn thương phẩm. Năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha. Con tôm thương phẩm lớn đồng đều, cho trọng lượng khoảng 60 con/kg. Trong khi đó, nuôi tôm truyền thống chỉ đạt khoảng 10 tấn/ha. Các gia đình thực hiện dự án thu lãi từ 50-100 triệu đồng/vụ nuôi.

Nói về hiệu quả, chị Hồ Thị Thủy, Chủ nhiệm Dự án, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi – Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Bình), cho biết, qua quá trình triển khai mô hình đã mang lại kết quả đáng kể cho các hộ nuôi, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với nuôi theo phương pháp truyền thống.

Mô hình thúc đẩy quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững, góp phần phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam theo hướng bền vững.

Sau thành công của mô hình, bà con nuôi tôm ở xã Quảng Châu đã chuyển hướng đầu tư đưa tổng diện tích nuôi tôm ao đất lót bạt vào canh tác với tổng diện tích gần 20ha.

“Trong quá trình sản xuất áp dụng theo VietGAP đã hướng người nuôi đến xu hướng tất yếu của sản xuất trong thời kỳ mới hiện nay. Đó là: có trách nhiệm với cộng đồng, thân thiện môi trường, đưa lại năng suất cao, phát triển bền vững”, chị Thủy nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.