Những năm gần đây, sản lượng tôm thẻ chân trắng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng nuôi tôm của tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh cho hay, từ những mô hình trình diễn có hiệu quả cao của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, người nuôi tôm đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt. Đây là hướng đi mới, có hiệu quả và có tính bền vững của nghề nuôi tôm. Qua đó, giúp cho người nuôi ít bị tác động của rủi ro, thất bát trong mùa vụ.
Mô hình khẳng định hiệu quả…
Những năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp, cộng với môi trường ở các vùng nuôi tôm ngày càng suy thoái, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến người nuôi tôm tỉnh Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, người nuôi tôm vẫn chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Vào vụ nuôi tôm năm nay, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao (gọi tắt là nuôi tôm công nghệ cao), tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), nhằm giúp kiểm soát tốt hơn môi trường ao nuôi, hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho hay, năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Trạch (Bố Trạch) với quy mô 1,2 ha cho 3 hộ tham gia. Việc áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc và hoá chất, là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm tôm thẻ chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xây dựng quy trình VietGAP.
Gia đình ông Phạm Tiến Dũng (xã Đồng Trạch) đã đưa vào đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 0,7 ha. Với hệ thống nuôi tôm có đầy đủ bể ương, ao nuôi, ao xử lý nước cấp, nước thải và các trang thiết bị phụ trợ. Nhờ vậy, đã tạo môi trường nuôi sạch sẽ hơn, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Đặc biệt, với kỹ thuật nuôi 2 đến 3 giai đoạn, từ ao ương đến ao nuôi thương phẩm, gia đình ông Dũng có thể xác định được số lượng, mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn. Chính vì vậy, kiểm soát tốt hơn môi trường và lượng thức ăn, giảm các chi phí đầu vào.
Qua thực tế sau thời gian nuôi, tôm thẻ chân trắng công nghệ cao qua nhiều giai đoạn có tỷ lệ thành công từ 70-80%, chắc ăn hơn, hiệu quả hơn so với nuôi tôm truyền thống. Vụ sản xuất tôm vừa qua, gia đình ông Dũng thả hơn 1,1 triệu con tôm giống. Sau khi thu hoạch, qua hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, mô hình đã mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Vụ nuôi tôm vừa rồi, gia đình có doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt được khoảng 600 triệu đồng.
Cũng trong khu đồng nuôi tôm, gia đình ông Mai Văn Bình (xã Đồng Trạch), đã được hỗ trợ đầu tư 0,3 ha để nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Mô hình được đánh giá có hiệu quả cho hộ nuôi so với nuôi tôm theo phương pháp truyền thống như tỷ lệ tôm giống sống cao, tôm đạt chuẩn thương phẩm đồng đều, năng suất cao hơn.
Quá trình nuôi, Trung tâm khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ gia đình 40% kinh phí mua giống, thức ăn, thuốc và hóa chất. Vụ sản xuất tôm vừa rồi, gia đình thả hơn 480.000 con tôm giống. Giống tôm đã được kiểm định chất lượng cao và không có yếu tố mầm bệnh.
Theo ông Bình, mô hình giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do quá trình xả thải, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững. Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao lót bạt ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã làm thay đổi phần nào về cách nhìn nhận, lựa chọn hình thức nuôi phù hợp. Người nuôi tôm sẽ lựa chọn lợi nhuận trước mắt để tiến tới nuôi lâu dài bền vững hơn. Từ đó, nhân rộng quy trình nuôi, tạo cơ hội lớn cho bà con nông dân, chủ trang trại từng bước tiếp cận nhằm tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích nuôi. “Sau khi thu hoạch, gia đình thu lãi cũng được khoảng 250 triệu đồng. Lãi được nhiều hơn và tâm lý khi nuôi cũng vững tâm”, ông Bình bộc bạch.
Tiềm năng rộng mở…
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, trong năm 2022, toàn tỉnh thả nuôi được gần 1.500 ha diện tích nuôi tôm nước lợ. Trong đó diện tích nuôi tôm sú trên 280 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng gần 1.200 ha. Sản lượng nuôi tôm đạt 4.145 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng trên 3.900 tấn. Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh sẽ thả nuôi gần 1.500 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng trên 1.200 ha, tôm sú trên 280 ha…
Nuôi tôm được xem là chủ lực trong phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Bình. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã xây dựng được các vùng nuôi tôm tập trung thâm canh, nuôi công nghệ cao tại các xã Trung Trạch, Đại Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và các xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy). Ngoài ra còn có nuôi thâm canh và bán thâm canh tại phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh)…
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Bình, người nuôi tôm trên địa bàn đã chủ động học hỏi và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, như nuôi lót bạt, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao… Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của con tôm.
Ông Lợi cũng cho hay, để nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm tại những vùng nuôi tập trung xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ cộng đồng nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Sở NN - PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, hướng dẫn cơ sở nuôi tôm áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả như quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất, quy trình nuôi 2, 3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn; nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi nhằm giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, xây dựng ngành thuỷ sản nuôi tôm được bền vững, cho người nuôi an tâm sản xuất và đạt hiệu quả cao.
Trên cánh đồng xã Đồng Trạch đang nhộn nhịp người vào ra. Người ở xa thì đến tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, người ở địa phương thì tập trung nhân lực, máy móc để cải tạo hồ nuôi đúng theo quy chuẩn. Ông Nguyễn Văn Thế (xã Đồng Trạch), cho chúng tôi hay, sau khi học hỏi các gia đình thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao vừa an toàn, vừa hiệu quả nên gia đình tôi quyết định đầu tư làm hồ lót bạt chuẩn bị cho vụ thả tôm sắp đến. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp và chuyện làm ăn đạt hiệu quả cao.
“Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao là phù hợp với điều kiện nuôi của các địa phương ở Quảng Bình, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, góp phần phát triển ngành tôm Quảng Bình thành ngành kinh tế quan trọng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất, mang lại lợi ích cho người nuôi tôm trong tỉnh”, ông Lê Văn Lợi nhìn nhận.