Ngày 27/6, Sở NN-PTNT Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia thả giống xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị tại Cẩm Phả.
Hiện nay, đối với ngành tôm Việt Nam, việc liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, nên giá thành sản xuất cao, giảm chất lượng sản phẩm và khó truy xuất nguồn gốc. Do đó làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vì vậy, cần có giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại để phát triển ngành tôm một cách bền vững.
Sáng 27/6, Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi lễ thả giống theo chương trình xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Theo đó, đã có hơn 50 vạn con giống tôm thẻ chân trắng được thả tại ao nuôi trên địa bàn xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
( Pv ông Lê Quốc Thanh (Giám đốc TTKNQG): nếu như chúng ta nuôi quy mô nhỏ lẻ mà vẫn áp dụng quy trình lạc hậu như cũ thì rất khó cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT giao tổng cục thủy sản và TTKNQG phối hợp để xây dựng các mô hình liên kết các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ để tạo thành các HTX, để cùng nhau xây dựng, thống nhất phương pháp, quy trình nuôi tôm sao cho có hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là môi trường nước trong nuôi tôm mà trước đây không kiểm soát được.
Mô hình có sự liên kết của 5 nhà gồm nhà quản lý; nhà khoa học; người nuôi; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm.
(PV ông Nguyễn Xuân Thắng (GĐ điều hành công ty Việt Úc QN): Đây là chương trình liên kết đầu tiên tại Quảng Ninh mà Việt Úc tham gia thì chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình. Thứ nhất là về con giống, thứ hai là công tác hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ xét nghiệm, hỗ trợ kiểm tra nước, chia sẻ quy trình nuôi giữa người đã nuôi thành công với những người nuôi khác để rút ra kinh nghiệm. Cùng với đó, bố trí cán bộ đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình để mô hình này thành công rực rỡ.)
Người dân tham gia vào mô hình bày tỏ sự vui mừng khi bài toán khó khăn trước đây đã được giải đáp.
(PV Anh Hà Văn Hào (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả): Gia đình tôi đã nuôi tôm quảng canh từ rất lâu rồi nhưng không hiệu quả. Tôm hay bị chết do dịch bệnh. Do thời gian trước chỉ thả quảng canh, không có thuốc cũng như kỹ thuật nuôi. Bây giờ có mô hình liên kết này là rất tốt, tôi được hỗ trợ con giống, thuốc, hỗ trợ xét nghiệm nước… Tôi mong muốn là tôm nuôi sẽ có đầu ra ổn định trong tương lai.)
Được biết, đây là mô hình liên kết nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ đầu tiên tại Quảng Ninh. Mô hình lấy người nuôi làm trung tâm, các đơn vị sẽ đồng hành cùng bà con nuôi tôm, để từ thành công của mô hình này sẽ nhân rộng ra cả nước.