Mô hình nuôi tôm khép kín được đầu tư bởi Trường Đại học Trà Vinh hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố môi trường bên ngoài, đồng thời có khả năng kiểm soát lượng thức ăn cho tôm và giảm tới 80% rủi ro do dịch bệnh.
Nuôi tôm trong nhà giúp giảm 80% dịch bệnh
Mô hình nuôi tôm khép kín được đầu tư bởi Trường Đại học Trà Vinh hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố môi trường bên ngoài, đồng thời có khả năng kiểm soát lượng thức ăn cho tôm và giảm tới 80% rủi ro do dịch bệnh.
Đây là mô hình nuôi tôm rộng 5 hecta, khác biệt hoàn toàn so với cách nuôi truyền thống, bởi con tôm không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, đồng thời kiểm soát được lượng thức ăn thừa, cũng như giảm rủi ro do dịch bệnh.
Ông Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản - Trường Đại học Trà Vinh: Nuôi tôm ở bên ngoài sợ nhất là dịch bệnh truyền qua không khí, thứ hai là những vật chủ xung quanh môi trường nó có thể lây lan đến dịch bệnh rất là nhiều. Mô hình nuôi tôm trong nhà giúp giảm rủi ro dịch bệnh đến 80% so với cách nuôi truyền thống.
Mô hình được thực hiện tại xã Ba Động, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, do Trường Đại học Trà Vinh đầu tư để sản xuất tôm sạch theo quy trình khép kín. Ở đây, tôm được nuôi trong các bể xi măng mỗi bể có thể tích 40m3, với mật độ thả nuôi 10.000 con tôm/bể. Theo ông Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản Trường Đại học Trà Vinh, yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nuôi tôm là nguồn nước. Hệ thống cấp nước ở đây được lấy trực tiếp từ biển và được xử lý sau 48 giờ, trước khi được đưa vào hồ nuôi thông qua hệ thống lọc. Điều đặc biệt ở mô hình này là hoàn toàn không sử dụng kháng sinh nhưng tôm vẫn sinh trưởng tốt.
Ông Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi trồng Thủy sản- Trường Đại học Trà Vinh: Chúng tôi cho tôm ăn những dòng thảo dược có lợi cho gan như cao tỏi đen và cao atiso giúp con tôm có lợi về gan tụy. Từ đó con tôm phát triển tốt về size 100 con/kg sau 5 tháng tuổi, đồng thời chi phí giảm khoảng 20% so với sử dụng kháng sinh.
Theo chuyên gia, mặc dù mô hình nuôi tôm trong nhà kín đòi hỏi chi phí đầu tư khá cao và sản lượng thấp hơn so với cách nuôi truyền thống, tuy nhiên, lợi ích mà mô hình này mang lại khá lớn, bởi khả năng hạn chế lây nhiễm bệnh và tạo ra sản phẩm an toàn sinh học, góp phần giúp người nuôi giảm chi phí và nâng cao giá thành sản phẩm.
Thạc sĩ Diệp Thành Toàn, Trường Đại học Trà Vinh: Tuy sản lượng nuôi tôm trong mô hình này có giới hạn, nhưng việc tạo ra sản phẩm tôm sạch cho phép chúng ta tận dụng để làm tăng giá trị sản phẩm. Ví dụ, một bể nuôi 40m3 có thể sản xuất từ 50-100kg tôm nhưng không được giá. Chúng ta có thể chế biến chúng thành tôm khô hoặc các sản phẩm khác, điều này giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người nuôi.
Nuôi tôm ngày nay đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, bao gồm biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, ô nhiễm, và các dịch bệnh phức tạp. Do đó, mô hình nuôi tôm trong nhà kín đang trở thành một lựa chọn mới cho người nông dân, nhằm góp phần phát triển ngành nuôi tôm bền vững.