Đầu tư 80 tỷ đồng nuôi tôm công nghệ cao
Qua tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh miền Nam, từ tháng 10/2022, ông Mạnh bắt tay vào triển khai xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn trong nhà màng trên diện tích 6ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó 4ha là khu xử lý và dự trữ nước, 2ha là bể nuôi tôm. Qua gần 1 năm thi công, đã xây dựng được khoảng 70% khối lượng công trình, gồm 12 bể nuôi, mỗi bể có diện tích từ 500m2 đến 1.000m2 và 7 ao chứa nước phục vụ nuôi tôm.
Ông Mạnh cho biết, để nuôi tôm thành công thì nguồn nước là quan trọng nhất, nước có sạch tôm mới phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Ở mô hình này, nước được bơm từ ngoài biển vào 2 ao dự trữ rộng 2ha, sau đó đi qua hệ thống xử lý nước thô rồi sang ao lắng. Cuối cùng, khi nước đã đạt chuẩn sẽ được xả vào 3 ao chứa sẵn sàng, mỗi ao rộng 3.000m2, tương đương 6.000m3/ao dùng để nuôi tôm.
Ngoài yếu tố nguồn nước, nhà màng tạo nên môi trường ổn định, cách biệt được với môi trường bên ngoài, từ đó giúp tôm phát triển tốt hơn. Lưới che nắng ngăn được nước mưa, che được những ánh nắng gắt, từ đó giữ môi trường nước ổn định và ngăn tảo phát triển trong bể nuôi tôm.
Bên cạnh đó, để tôm khỏe mạnh, cần có bạt HDPE để lót bể nuôi nhằm ngăn nước thấm qua đất và hạn chế bùn đất gây ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm, kết hợp với những hệ thống khác như: Hệ thống lọc nước, hệ thống cung cấp oxy cho tôm, hệ thống đèn chiếu sáng tự động... Việc áp dụng các công nghệ của hệ thống chiếu sáng sẽ giúp tôm tăng trưởng, chống chịu tốt hơn với điều kiện bất thuận của thời tiết và sự thay đổi thời tiết theo mùa.
"Nuôi tôm trong nhà màng có nhiều ưu điểm như dễ kiểm soát, tôm nuôi mau lớn, đặc biệt tôm thương phẩm bóng, sáng đẹp nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá khá cao so với các sản phẩm khác", ông Mạnh cho hay.
Dự kiến cuối năm 2023, công trình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn với mức đầu tư ước tính 80 tỷ đồng này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Nuôi tôm 3 giai đoạn, thu hoạch được quanh năm
Theo tính toán của ông Mạnh, ở giai đoạn 1, tôm được ương vèo trong ao có mái che, được lót bạt HDPE toàn bộ. Hệ thống sục khí được bố trí dàn đều quanh ao (2m²/vỉ khí). Đây là giai đoạn giúp hạn chế được biến động của môi trường do thời tiết, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý sức khỏe của con tôm, giảm tỉ lệ hao hụt và tăng tỉ lệ sống. Giai đoạn này tôm có thể đạt kích thước từ 1 - 2g/con.
"Tôm sau khi ương vèo ở giai đoạn 1 sẽ được chuyển qua các ao ở giai đoạn 2 cũng được lót bạt HDPE toàn bộ và có mái che, mực nước trong ao từ 1,2 - 1,5m. Hệ thống sục khí vẫn được rải đều quanh ao (3m²/vỉ khí), không rải ở khu vực rốn. Hệ thống quạt ở ao từ 3 - 5 dàn tùy độ gom chất thải của ao và hiệu suất cung cấp oxy ở mỗi dàn quạt. Sau khi ương vèo, tôm vẫn còn nhỏ nhưng cần được nuôi trong môi trường lớn hơn, môi trường nước sạch hơn, cùng với đó là có nguồn thức ăn đầy đủ hơn giúp tôm nhanh phát triển", ông Mạnh phân tích.
Trung bình, giai đoạn 1 sẽ nuôi trong vòng 1 tháng, giai đoạn 2 cũng 1 tháng, sau đó chuyển qua giai đoạn 3.
Ở giai đoạn 3, tôm đã to, cần không gian rộng hơn nên tôm sẽ được thả vào những ao lớn nhất, được lót bạt HDPE và có mái che. Hệ thống sục khí và bố trí quạt cũng như ở ao giai đoạn 2. Mật độ nuôi ở giai đoạn này có thể từ 200 - 250 con/m². Sau khoảng 90 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35 - 40 con/kg.
Do khu vực nuôi gần biển, nguồn nước biển ven bờ rất dồi dào nên ông Mạnh không sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn mà sẽ thay nước trong ngày. Nước đã sử dụng để nuôi tôm sẽ xả ra các ao lắng để xứ lý rồi mới xả ra biển. Ông Mạnh hi vọng khi mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của mình đi vào hoạt động, ông sẽ có tôm bán quanh năm, đồng thời tạo được việc làm ổn định cho khoảng 50 người dân địa phương.
"Những năm gần đây, việc ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Việt Nam không còn quá xa lạ với bà con nông dân, bởi tôm đang có vị thế lớn trong thị trường nông sản xuất khẩu của nước ta. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng từ rất lâu như Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc… và đạt năng suất gấp nhiều lần so với nuôi theo phương pháp truyền thống. Có thể nói, đây là mô hình công nghệ tiên tiến nhất thế giới với nhiều ưu điểm nổi trội, giúp nâng cao năng suất, sản lượng tôm thương phẩm rõ rệt qua mỗi mùa vụ", ông Mạnh hào hứng nói.
Ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh) cho biết, việc phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nói riêng và trong nông nghiệp nói chung là mục tiêu hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của tỉnh. Chỉ có ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất mới tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giảm giá thành, bảo đảm có sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Ông Minh đề nghị các cá nhân, doanh nghiệp khi đầu tư nuôi tôm công nghệ cao phải đảm bảo quy hoạch của địa phương, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng vì sự phát triển bền vững của ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
"Đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao có mức đầu tư rất lớn tại Quảng Ninh. Chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản sẽ tư vấn, hướng dẫn cụ thể các vấn đề pháp lý, đồng thời có chính sách hỗ trợ về vay vốn, tập huấn kỹ thuật để giúp anh Mạnh và các hộ dân khác nuôi trồng thủy sản một cách bài bản, đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để đảm bảo tính bền vững", ông Minh nói.
Sản lượng tôm nuôi của Quảng Ninh tăng kỷ lục
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, năm nay, mặc dù diện tích nuôi tôm trong tỉnh không tăng nhưng sản lượng đã tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 56% kế hoạch năm. Đây là mức tăng cao kỷ lục từ trước đến nay và kết quả này đã đóng góp lớn vào tăng trưởng của lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
Hiện tỉnh đang phát triển 2 đối tượng chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu ở TP Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Cẩm Phả, Quảng Yên. Những địa phương này có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến, cho năng suất cao.
Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn có diện tích khoảng 100ha (chiếm 1,3% diện tích nuôi tôm); mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn ít thay nước, mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững khoảng 150ha (chiếm 2% diện tích nuôi tôm); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm...
Những mô hình này đang cho năng suất 70 - 80 tấn/ha/vụ (cá biệt có mô hình đạt trên 100 tấn/ha/vụ), lợi nhuận đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha/vụ.