Theo nhiều đại lý thu mua tôm tại ĐBSCL, giá tôm thương phẩm hiện đang ở mức thấp. Cụ thể, tôm thẻ size 20 con/kg có giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, size 30 con/kg từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, size 40 con/kg từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Nhiều nông dân ở Trà Vinh cho hay, họ gần như không có lãi, thậm chí lỗ vốn, tùy vào quy mô ao nuôi.
Gia đình ông Cao Văn Bằng ở ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải từng là hộ khá giả trong xóm nhờ nuôi tôm thành công. Tuy nhiên, do vụ rồi giá tôm giảm mạnh dẫn đến thua lỗ, ông đã phải đem giấy tờ đất đi thế chấp để trả số nợ hàng trăm triệu đồng. Trong lúc "treo ao" chờ tôm lên giá để thả vụ mới, ông thử nghiệm nuôi cua biển trên ao tôm. Ông Bằng cho biết nếu thành công sẽ chuyển sang nuôi cua kết hợp với tôm dưới ao đất.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thoảng ở ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh vụ trước thả nuôi 2ha tôm thẻ chân trắng nhưng do tôm nhiễm bệnh nên gần như lỗ trắng. Vụ này, bà Thoảng quyết định thả nuôi 5.000 con cua giống kết hợp với tôm, nuôi sau 4 tháng thu hoạch cua đạt trọng lượng trung bình 2 con/kg. Trừ hết chi phí bà Thoảng lãi hơn 50 triệu đồng từ nuôi cua.
Theo bà Thoảng, mô hình nuôi cua trên ao đất ít rủi ro nhiễm bệnh hơn so với tôm, trung bình giá 1 con cua biển gần bằng 1kg tôm. Nuôi theo mô hình kết hợp này nếu tôm rớt giá bà vẫn còn lãi nhờ cua.
Tương tự, ông Kiên Khanh ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, đã thành công với mô hình nuôi 1 vụ tôm sú và 1 vụ nuôi vọp trong ao tôm. Ông Khanh cho biết, nuôi vọp kết hợp với tôm chỉ tốn tiền con giống, không cần công chăm sóc, cũng không cần cho ăn do có nguồn bã bùn hữu cơ tồn dư đáy ao từ vụ nuôi tôm trước đó. Với mật độ thả nuôi 56.000 con vọp giống trên diện tích 0,5ha, sau 6 tháng nuôi, sản lượng vọp thu hoạch gần 1,5 tấn, bán với giá từ 25.000-28.000 đồng/kg, gia đình ông có lãi hơn 30 triệu đồng.
Còn theo ông Ngô Văn Đệ, Giám đốc HTX Nuôi tôm sạch Long Khánh tại xã Đảo Long Khánh, huyện Duyên Hải, hiện HTX gồm 61 thành viên của ông cũng gặp khó khăn do giá bán tôm giảm mạnh so với đầu năm. Ông Đệ xác nhận hiện nhiều "sổ đỏ" của những thành viên trong HTX đang thế chấp tại ngân hàng để trả nợ.
Ông Nguyễn Văn Đệ đề xuất cơ quan chức năng quy định chu kỳ tăng giá thức ăn nuôi tôm, để giúp nông dân giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, ông cũng mong có chính sách hỗ trợ vốn đối với HTX nuôi tôm. Bên cạnh đó, HTX cũng tăng cường nuôi tôm sạch nâng cao giá bán, giúp nông dân tăng lợi nhuận.
Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30% hộ nuôi tôm đang treo ao, chờ tôm tăng giá. Đồng thời, nhiều nông dân chuyển sang nuôi các loại sản phẩm thủy sản khác trên ao đất như cua biển, cá chẽm, sò, vọp, và nghêu... nhằm đảm bảo ổn định thu nhập.
Tính đến cuối 7/2023, tỉnh Trà Vinh có hơn 13.000 hộ nuôi cua biển trên diện tích gần 19.000ha.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản Trà Vinh, cho biết: Việc đa dạng loài thủy sản nuôi trong ao đất là lựa chọn hợp lý cho nông dân trong tình hình giá tôm thấp như hiện nay. Đây là mô hình thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và có hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình nuôi thủy sản đa dạng có thể giúp nông dân duy trì thu nhập ổn định.
Ông Quốc cũng khuyến cáo nông dân nên dừng thả nuôi tôm thẻ và tôm sú trong giai đoạn này. Do hiện tại mực nước sông lên cao kết hợp với những trận mưa lớn, làm thay đổi nhiệt độ môi trường cùng các yếu tố khác là nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm. Đến nay, vùng nuôi tôm trong tỉnh đã bị thiệt hại hơn 700 triệu con tôm sú và thẻ chân trắng, với tổng diện tích hơn 1.500ha.
Người nuôi tôm cần tập trung vào việc quản lý môi trường nước một cách nghiêm ngặt từ nguồn cung cấp nước, qua quá trình nuôi tôm trong ao và xử lý nước thải. Hơn nữa, việc theo dõi sức khỏe của tôm nuôi cũng rất quan trọng để kịp thời và xử lý các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.
Ông Quốc dự báo từ nay cho đến cuối năm, tình hình nuôi tôm trong tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn liên quan đến thời tiết và môi trường. Do đó, các hộ nuôi tôm đã thu hoạch nên tập trung vào việc xử lý và duy trì vệ sinh ao nuôi và có thể xem xét chuyển đổi sang nuôi một số loài thủy sản khác để bảo đảm nguồn thu nhập.